Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tính Tâm Dao Động Không Thể Vãng Sanh 2

Go down

Tính Tâm Dao Động Không Thể Vãng Sanh 2 Empty Tính Tâm Dao Động Không Thể Vãng Sanh 2

Bài gửi by tamvothuong 09/04/12, 12:03 am

Trong lúc giảng giải chúng tôi thường hay nói đến tâm Bồ Đề. Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Quốc nghĩa là giác. Giác là từ trên dụng mà nói, vậy thể của nó là gì? Thể là trí. Trong Kinh Kim Cang đã nói, tự tánh vốn đầy đủ Trí tuệ Bát Nhã, không phải học được từ bên ngoài, tín tâm thanh tịnh tất sanh thật báo. Trong mỗi một chúng sanh chúng ta, thực tướng Bát Nhã trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nhưng tại vì sao ngày nay trí tuệ của bạn không có? Tại sao trí tuệ lại biến thành phiền não? Chúng ta thường hay xem thấy trên kinh nói: phiền não tức Bồ Đề. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu, đích thực là nếu như bạn ngộ rồi thì Phiền Não chính là Bồ Đề, mê rồi thì Bồ Đề chính là Phiền Não. Cho nên Phiền Não cùng Bồ Đề là một thể hai dụng, khi giác ngộ thì gọi là Bồ Đề, khi mê thì gọi là phiền não, nó là một không phải là hai. Theo đây thì có thể biết phiền não có thể đoạn hay không? phiền não đoạn rồi thì Bồ Đề cũng không có, Bồ Đề cũng bị đoạn luôn. Cho nên phiền não không thể đoạn, mà phiền não chuyển biến thành Bồ Đề, phiền não không còn thì thảy đều biến thành Bồ Đề. Chúng ta gọi là đoạn phiền não nhưng không phải thật đoạn, mà là chuyển biến. Tánh đức là bất sanh bất diệt, không đến không đi, tận hư không khắp pháp giới, thì làm sao có thể đoạn chứ? Cái đạo lý này phải nên biết. Cho nên chỉ cần chúng ta biết học chuyển biến: chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn.
Chỗ cao minh của Phật, Bồ Tát là các Ngài biết chuyển, chúng ta thì rất đáng lo vì chúng ta không biết chuyển, chúng ta càng chuyển càng đáng lo, từ cõi người chuyển xuống súc sanh, từ súc sanh chuyển xuống ngạ quỷ, từ ngạ quỷ chuyển xuống địa ngục, càng chuyển càng đáng lo. Việc này chính là gì vậy? Đó chính là phiền não đang làm chủ tể để chuyển nên bạn càng chuyển càng đáng lo. Còn chư Phật, Bồ Tát thì sao? Các Ngài là trí tuệ làm chủ tể để chuyển, nên các Ngài càng chuyển càng thù thắng. Chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Cho nên tóm lại, chúng ta học được từ nơi Phật Bồ Tát là ở ngay trong cuộc sống thường ngày, nhất định phải dùng tâm chân thành, chân thì không giả, thành thì không hư vọng, nếu là hư tình giả ý thì thật là đáng lo lắng. Hư tình giả ý thì càng chuyển càng đi xuống, nếu bạn dùng tâm chân thành thì càng chuyển càng lên cao. Việc này rất quan trọng, rất then chốt, quyết định không nên sợ thiệt thòi. Người thế gian này đều là dùng hư tình giả ý đối với ta, ta làm sao có thể dùng tâm chân thành đối với người? nếu người ta dùng hư tình giả ý đối với bạn, bạn cũng dùng hư tình giả ý đối với người ta, người ta hướng xuống mà chuyển, bạn cũng theo hướng xuống chuyển. Vậy thì sai rồi. Hơn nữa đây là lời thật, Phật không nói lời giả dối, bạn dùng tâm chân thành thì bạn sẽ không thiệt thòi, cũng sẽ không lỗ lã, dùng tâm hư vọng mới chân thật là thiệt thòi lỗ lã. Họ bị hoa mắt cả rồi nên không thấy tường tận, trước mắt dường như họ chiếm được chút lợi nhỏ nhưng hoạ hoạn lập tức liền hiện tiền, rất là đáng sợ. Chỉ nên dùng tâm chân thành, người thành thật có thể đáng tin cậy, họ không bị đoạ lạc, họ chỉ có hướng lên trên cao.
Người tốt nhất định có quả báo tốt, đó là đạo lý đương nhiên, đó là chân lý. Cho nên chúng ta đối với những đạo lý này, đối với chân tướng sự thật phải rõ ràng, phải tường tận. Chúng ta phải dùng tâm chân thành, chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh. Tâm chân thành là thể của tâm Bồ Đề, thanh tịnh bình đẳng giác cùng đại từ bi đều là đức dụng của tâm chân thành, nó biểu hiện ở nơi sự tướng, ở trên tác dụng thì đối với chính mình chính là tu thanh tịnh, tu bình đẳng. Thanh tịnh, bình đẳng tu ở nơi đâu vậy? Tu ở nơi con người. Người xưa thường nói: “làm việc khó, làm người càng khó”, cho nên không luận là thuận cảnh nghịch cảnh, đều là hoàn cảnh tốt để tu hành. Tại vì sao vậy? Vì những tập khí này của chúng ta, phiền não nghiệp chướng của chúng ta phải đem nó tiêu trừ, hóa giải hết ngay trong cuộc sống thường ngày. Việc này là quan trọng. Cho nên phát tâm Bồ Đề rồi thì tự nhiên tín tâm của bạn liền sâu dày, nguyện tâm của bạn liền kiên định, tuyệt đối sẽ không bị dao động. Nếu bạn không biết được là chính bạn phát ra cái tâm sâu cạn như thế nào, thì bạn có thể ở ngay trên điểm này mà khảo nghiệm, mà trắc nghiệm chính mình là rốt cuộc tâm của ta sâu đến trình độ nào? Hoàn toàn có thể ở trên sự tướng mà khảo nghiệm. Bạn có thể vượt qua được khảo nghiệm hay không? Từ ngay chỗ này có thể trắc nghiệm tín nguyện của chính mình. Nếu bạn chân thật thành tựu được tín nguyện này thì không luận ở trong tình huống nào, bạn đều có thể giữ gìn tâm mình không dao động, lúc nào bạn cũng sanh tâm hoan hỉ. Trên Kinh Phật nói là “y pháp bất y nhân”, trong kinh nói quyết định vãng sanh thì còn có thể sai được sao?
Đại sư Ngẫu Ích giảng về nhất hướng chuyên niệm rất hay, Ngài nói: “phẩm vị cao thấp quyết định ở công phu niệm Phật sâu cạn”, không có nói niệm nhiều ít. Việc này phải nên hiểu, không phải nói niệm được nhiều thì công phu được sâu, niệm ít thì công phu cạn, không phải như vậy. Khi niệm câu Phật hiệu này của bạn niệm có lực hay không, bạn một ngày niệm mười vạn danh hiệu Phật không có lực thì không phải là công phu sâu. Vì sao gọi là không có lực? Là không thể khắc phục được phiền não tập khí, một mặt niệm một mặt còn khởi vọng tưởng thì công phu này không có lực, vậy là không được, họ niệm một câu, mười câu mà họ niệm có lực, họ đích thực có thể hàng phục được phiền não, không để phiền não khởi tác dụng, thì đó gọi là công phu. Cho nên người ta nói không phải nói niệm Phật số lượng bao nhiêu, không phải nói việc này, mà là nói công phu niệm Phật sâu cạn sẽ quyết định phẩm vị vãng sanh của bạn. Do đây có thể biết, vãng sanh không khó cũng không dễ, điểm then chốt nhất là chúng ta phải chân thật vì sanh tử mà phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, hay nói cách khác, trước tiên bạn phải chân thật hiểu rõ luân hồi là khổ, khổ đến không nói ra lời.
Tiên sinh Giang Dật Tử ở Đài Trung cũng là học trò của Thầy Lý Bỉnh Nam, là bạn học với tôi. Ông là một nhà hội hoạ đương đại, ông vẽ một bức tranh Địa Ngục Biến Tướng, bức hoạ này rất hay. Bức tranh tổng cộng dài đến 60 mét bao gồm lời tựa cùng lời giới thiệu của ông. Bức hoạ này thật to lớn, chúng ta ở nơi đây có thể xem thấy phía sau phù điêu của 500 vị A La Hán, nhưng tôi không biết nó có dài đến 60 mét hay không? Bức hoạ này đã hoàn thành. Nếu bạn tỉ mỉ mà xem bức hoạ này sẽ biết được địa ngục là đáng sợ. Do vì có bức hoạ này nên đã khiến chúng tôi tra tìm phần Phật giảng về địa ngục trong Đại Tạng Kinh, từ trước đến giờ không có cái động cơ này nhưng vì có bức hoạ này, chúng ta liền được có động cơ kiểm tra trong Đại Tạng Kinh. Tôi nhờ ba đồng tu, họ đã dùng thời gian hơn hai tuần để tìm trong Đại Tạng Kinh xem Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tình hình của địa ngục như thế nào. Kết quả tìm được 25 bộ kinh luận. Thế Tôn không những chỉ nói đến địa ngục, mà còn nói đến một số tình hình trong địa ngục còn đáng sợ hơn so với thầy Giang hoạ vẽ ra. Bức hoạ của ông là y theo Ngọc Lịch Bảo Giám mà vẽ ra, Ngọc Lịch Bảo Giám là của Đạo giáo, nói mười điện Diêm La, lấy mười điện Diêm La làm cương lĩnh mà vẽ ra. Hiện tại chúng ta biết được, ở trong kinh Phật nói tình hình của địa ngục rất tường tận, rất là vi tế, nói chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm đều có nhân quả. Sau khi xem những kinh văn này rồi, bạn lại đọc kinh Địa Tạng thì tâm tình của bạn liền sẽ không như trước.
Trên kinh Địa Tạng nói: “chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm thảy đều là tạo ra tội nghiệp”. Chúng ta thường chỉ đọc lướt qua thôi, Phật nói nghiêm trọng đến như vậy nhưng rốt cuộc nghiêm trọng đến mức độ nào thì chúng ta không biết được. Bạn xem kinh điển này thì liền biết rõ, đặc biệt là trên kinh Phật nói nghiệp nhân quả báo của khởi tâm động niệm lời nói việc làm rất rõ ràng, rất hoàn hảo hơn nhiều so với đạo giáo đã nói. Đồng tu tra kinh nói với tôi, Phật nói người ưa thích mắng người sẽ đoạ vào địa ngục. Đoạ địa ngục gì vậy? Là đoạ vào địa ngục mắng người, người nào họ đều bị mắng, ngày ngày đều nghe người ta mắng, ở trong địa ngục bao nhiêu kiếp thì bị mắng bấy nhiêu kiếp, bạn nói xem cái thứ này nó khổ đến dường nào. Người ưa thích đánh người thì đến địa ngục đánh nhau, phải bị đánh mấy ngàn năm, mấy vạn năm, mấy kiếp, đánh mỗi ngày, đánh chết rồi sống lại đánh tiếp. Những chỗ này trong Ngọc Lịch Bảo Giám đều không có, hay nói cách khác, chúng ta khởi ý niệm gì thì phải gặp quả báo như thế đó. Bạn đối với người khác như thế nào, thì nhất định gặp phải rất nhiều người dùng phương pháp đó đối lại với bạn. Cảnh giới này không phải từ bên ngoài đến mà là chính bạn biến hiện ra, đích thực ra là “duy tâm sở hiện duy thức sở biến”, là do nghiệp lực của chính bạn biến hiện ra nên bạn phải nhận chịu, đến khi nào ý niệm của bạn không còn thì cái địa ngục này sẽ không thấy nữa, sẽ không hiện ra. Còn có cái ý niệm này, thí dụ là còn có cái ý niệm mắng người thì bạn liền thấy được địa ngục, từ đây về sau không còn mắng người, không còn cái ý niệm này, tất cả trong sạch rồi, thì địa ngục cũng không còn. Cảnh giới này thật không thể nghĩ bàn.
Cho nên hiện tại các đồng tu đang hội tập 25 bộ kinh luận Phật giảng về địa ngục nghiệp nhân quả báo này thành một bản, để thuận tiện cho chúng ta đọc, không cần phải tìm nhiều. Quyển hội tập này khi xuất bản sẽ được đặt tên là Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu. Quyển hội tập này tương đối dày và chỉ là bao gồm những lời Phật giảng dạy về địa ngục. Trong thời hiện đại này, giáo dục nhân quả quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Chúng ta xem nhiều rồi sẽ đề cao cảnh giác, vạn nhất không nên có cái tâm bất thiện đối với người, lời nói bất thiện, hành vi bất thiện thảy đều phải gặp quả báo rất đáng sợ, không thể nói bạn làm rồi thì không việc gì, nhân duyên quả báo quyết định là chân thật. Trên kinh Phật thường nói: “không phải không báo, chỉ là thời giờ chưa đến”. Hiện tại tạo tác một số tội nghiệp nhưng quả báo chưa hiện tiền là do nguyên nhân gì? Là do phước báo trong đời quá khứ bạn đã tu vẫn chưa hưởng hết, hiện tại bạn hưởng thụ là phước dư của đời quá khứ đã tạo, cái phước báo này hưởng xong rồi thì tội nghiệp tội báo của bạn liền hiện tiền, cái đạo lý này không thể không hiểu. Cho nên hiểu rõ những chân tướng sự thật này, chúng ta liền cảm thấy sanh tử thật đáng sợ, sanh tử quá khổ, không còn muốn luân hồi sáu cõi nữa. Trong sáu cõi thành thật mà nói, chính là oan oan tương báo lẫn nhau, báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ, luôn là không tránh khỏi những việc này, đời đời kiếp kiếp đang tạo nhân, đời đời kiếp kiếp đang chịu quả báo, bạn nói xem vậy thì có ý nghĩa gì? Cho dù là làm thiện, bạn có thể hưởng thụ chút ít phước báo trời người nhưng tất nhiên thời gian hưởng thụ rất là ngắn, phước báo hưởng xong rồi, chủng tử xấu ác từ vô lượng kiếp đến nay trong A Lại Gia thức lại khởi hiện hành. Cho nên đích thực là bạn luôn ở trong sáu cõi, bạn không ra khỏi sáu cõi, quyết định thời gian bạn ở trong ba đường ác dài, thời gian ở trong ba đường thiện rất ngắn, đây là lời chân thật.
Cho nên Phật, Bồ Tát khuyên chúng ta liễu sanh tử thoát luân hồi. Để liễu sanh tử thoát luân hồi thì trước tiên phải biết luân hồi là như thế nào? Trên kinh Phật nói rất hay, vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não, ba loại phiền não này là nghiệp nhân của luân hồi. Trên Kinh Hoa Nghiêm thì không gọi là danh từ này, trên Hoa Nghiêm nói tương đối dễ hiểu hơn là chấp trước, phân biệt, vọng tưởng. Chấp trước chính là kiến tư phiền não, phân biệt chính là trần sa phiền não, vọng tưởng chính là vô minh phiền não. Danh từ tuy khác nhau nhưng là cùng một sự việc, chỉ cần bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn không cách gì thoát khỏi luân hồi, bạn nói xem sự việc này có phiền phức không? A La Hán thoát khỏi sáu cõi luân hồi là do nguyên nhân gì vậy? họ không có chấp trước với tất cả thế xuất thế gian pháp, A La Hán ý niệm chấp trước đều không còn, đương nhiên sẽ không có hành động chấp trước, cho nên họ mới siêu việt sáu cõi luân hồi. Tuy siêu việt sáu cõi luân hồi, nhưng họ không vượt khỏi mười pháp giới. Không còn trong sáu cõi luân hồi là pháp giới bốn thánh: Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Phật của mười pháp giới không thể siêu việt, vì sao vậy? vì còn có phân biệt, tuy là không có chấp trước. Đối với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, nếu không có tâm phân biệt, không có ý niệm phân biệt, thì siêu việt mười pháp giới. Siêu việt mười pháp giới mới gọi là pháp giới nhất chân. Trong Pháp giới nhất chân, dần dần đem vọng tưởng đoạn dứt, vọng tưởng là vô minh, vô minh có 41 phẩm, 41 phẩm vô minh này ở trong pháp giới nhất chân dần dần mà đoạn trừ, đoạn tận rồi mới là cứu cánh viên mãn Phật quả. Đây là pháp môn thông đạo mà Phật thường nói trong kinh. Điều này rất khó khăn đói với chúng ta.
Nghiệp nhân thấp nhất của sáu cõi luân hồi chính là chấp trước, chúng ta gọi là tình chấp. Tình chấp rất đáng sợ, nó khiến chúng ta không thể thoát khỏi luân hồi, tình càng sâu thì càng hướng xuống đoạ lạc, tình sâu nhất là địa ngục, hướng lên trên một tầng thì tình chấp nhạt đi một chút. Trên Kinh Hoa Nghiêm nói được rất rõ ràng, rất tường tận, nhưng những kinh luận này bạn lại không thường đọc. Bạn cần phải thường đọc, vì không thường đọc thì quên mất, bị xã hội mê hoặc sẽ quên mất đi cái sự việc này, nếu thường hay đọc, thường hay nghĩ đến thì bạn càng nghĩ càng khiếp sợ, càng nghĩ tâm xuất ly mới có thể sanh khởi, chân thật muốn rời khỏi sáu cõi luân hồi, chân thật muốn vãng sanh Tịnh Độ, có như vậy thì tin sâu nguyện thiết của bạn liền sanh khởi. Tin sâu nguyệt tha thiết mới là tâm Bồ Đề mà trên kinh đã nói. Cho nên phát tâm Bồ Đề thật không dễ dàng, thật sự là ngay trong một vạn người niệm Phật khó có được hai đến ba người chân thật có được tín tâm kiên định không dao động, có được tin sâu nguyện thiết như vậy, hơn nữa còn một lòng chuyên niệm, chỉ một phương hướng, chỉ một mục tiêu, nhất quyết không thay đổi, không luận bất cứ người nào đến nói với họ, họ quyết định không hề dao động, nhất quyết không thay đổi.
Tôi ngay trong lúc giảng giải cũng đã nói qua với các vị nhiều lần, rất nhiều người phản đối bản hội tập, phê bình bản hội tập, tôi liền nói nếu người trên toàn thế giới đều phản đối, đều phê bình thì tôi vẫn là đọc tụng thọ trì, không hề dao động. Tại vì sao vậy? Vì quyển hội tập này là do lão sư truyền cho tôi, tôi có lòng tin đối với thầy tôi nên tôi nhất định không hề dao động, tôi quyết định sẽ không thay đổi. Tôi học tập có cảm thụ, cảm thụ của tôi họ không thể nào có được, vì họ không học qua thì họ làm sao biết được? Tâm này mới gọi là tâm thanh tịnh. Cho nên tổ sư đại đức thường nhắc nhở chúng ta, không nên cho rằng trong kinh luận thường nói Tịnh Tông là đạo tràng dễ hành, thì liền khinh mạn, tín tâm, nguyện tâm đều hạ xuống thấp, trong miệng tuy là nói tu Tịnh Độ, trên thực tế tham luyến cái thế gian năm dục sáu trần này. Tu học với tâm trạng như vậy là chính mình tạo thành chướng ngại, không cách gì thành tựu.
Cho nên tâm trạng bình thường của chúng ta, không thể nói cái pháp môn này khó, cũng không thể nói nó dễ dàng. Nói dễ là so sánh trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp môn này là dễ, bởi vì pháp môn này không cần phải đoạn phiền não, thế nhưng phải hàng phục phiền não, bạn không thể hàng phục được phiền não thì nhất định không thể vãng sanh. Hàng phục phiền não chân thật dễ hơn nhiều so với đoạn phiền não, bạn có thể hàng phục được phiền não không để cho nó khởi tác dụng thì được rồi. Nếu chân thật có thể khống chế được phiền não, không để phiền não phát khởi, sức công phu của bạn hàng phục được phiền não rồi thì thời gian càng dài, sức mạnh công phu càng lớn, đến khi không hàng phục nữa thì tự nhiên cũng sẽ không phát khởi, thì khẳng định được vãng sanh, nắm chắc được phần vãng sanh. Chúng ta đang làm công phu này, tuy là không hàng phục phiền não nhưng nó cũng không khởi được tác dụng, phiền não tuyệt nhiên vẫn chưa đoạn, việc này cần phải biết. Đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Nhưng nếu bạn không nỗ lực công phu, nếu bạn không xem nhẹ thế duyên thì bạn không làm được. Bất cứ sự việc gì trên thế gian này cũng đều phải xem nhẹ đi, không chỉ xem nhẹ việc thế gian mà Phật sự cũng phải xem nhẹ, đều không để ở trong lòng. Trong lòng chỉ gắn kết một câu A Di Đà Phật, đem Thế Giới Cực Lạc để ở trong lòng, đó gọi là “nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai, nhất định thấy Phật”, việc này chúng ta không thể không biết.
Vẫn còn một điểm cần phải chú ý, bạn thấy ở trên kinh này, Phật vừa mở miệng liền gọi “Thiện nam tử, thiện nữ nhân”, trong ba kinh đều là như vậy, không chỉ ba kinh tất cả kinh luận đại tiểu thừa, Phật vừa mở miệng thì gọi “Thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Câu nói này vô cùng quan trọng, vạn nhất không thể xem thường. Đây là nói rõ cái gì? Là nói người vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đều là người thiện. Cho nên ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta nếu không nỗ lực tu thiện thì làm sao bạn có thể vãng sanh? Phật có nói tiêu chuẩn của người thiện là như thế nào. Nhưng bạn xem kỹ trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì ba phẩm hạ là hạ phẩm thượng sanh, hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm hạ sanh, thì đều là người ác vãng sanh về ba phẩm này. Người ác thì làm sao có thể vãng sanh? Người ác có thể đổi ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh, nếu như họ không hồi đầu thì họ không thể vãng sanh, lâm chung hồi đầu đều có thể vãng sanh. Pháp môn này rộng lớn không thể nghĩ bàn. Chân thật hồi đầu đó chính là chân thật sám hối, biết được ta đã làm sai rồi, về sau không làm nữa thì là chân thật hồi đầu. Ngạn ngữ chúng ta thường nói: “lãng tử hồi đầu vàng không đổi”, người ác khi đã quay đầu thì chân thật là người tốt, còn tốt hơn so với người tốt thông thường, cho nên họ có thể vãng sanh. Đây là khích lệ những người có quá khứ vô tri, không có trí tuệ, ngu si tạo tác rất nhiều tội nghiệp nghiêm trọng, nhưng hiện tại họ đã hiểu rõ, đã hồi đầu thì được rồi, không nên lo sợ tội nghiệp ta tạo quá nặng thì không thể vãng sanh. Nếu như bạn có cái ý niệm lo sợ này thì sai rồi, vì ý niệm này sẽ tạo ra chướng ngại cho việc vãng sanh.
Phải nên biết công đức của việc sám hối là không thể nghĩ bàn. Chúng ta có thể xem thấy điều này ở trong kinh Phật. Khi tôi học Phật, đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, vua A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa tạo tội ngũ nghịch thập ác. Đề Bà Đạt Đa đời đời đoạ địa ngục, nhưng tuy là đoạ địa ngục, tuy ở trong địa ngục nhưng ông không có chịu tội, mà vẫn rất an vui, hưởng thụ ở trong địa ngục giống như ở cõi trời Đao Lợi. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Vì người ông hại là Phật. Hại phàm phu thì quả báo thật không thể lường được, vì sao vậy? Vì phàm phu có tâm sân hận, phàm phu có tâm báo thù nên oan oan tương báo lẫn nhau. Ông đi hại Phật, Phật không có tâm sân hận, Phật không có tâm báo thù, bạn không hại Phật thì các Ngài khó mà thành tựu Phật quả. Phật tu hành nhẫn nhục Ba La Mật, chúng ta nói cứ dần dần mà tu thì không biết đến ngày nào mới tu được viên mãn, nhưng bạn đến hại các Ngài thì nhẫn nhục Ba La Mật của Phật lập tức liền viên mãn, thành tựu Phật chứng quả viên mãn. Nên tuy là ông ấy đã tạo ra nghiệp, dụng tâm là rất ác, nhưng đối với Phật mà nói thì ông giúp Phật mau thành tựu Phật quả, ông ấy phải đoạ địa ngục hay không? Phải đoạ, nhưng ông đoạ địa ngục mà không chịu tội, ông ở trong địa ngục còn hưởng phước. Điều này có đạo lý, cái đạo lý này rất sâu, rất vi tế. Vua A Xà Thế là phàm phu, ông giết phụ thân, hại mẫu thân, đem mẫu thân cầm tù, lại phá hoà hợp tăng, tạo tội ngũ nghịch thập ác, lâm chung sám hối, niệm Phật liền được vãng sanh, ông thật vãng sanh.
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, vua A Xà Thế tạo tội nghiệp nặng như vậy nên vãng sanh chỉ là hạ phẩm hạ sanh. Nhưng chúng ta không thể nào ngờ rằng Phật nói trong A Xà Thế vương Kinh là vua A Xà Thế vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Việc này chúng ta có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Như vậy mới biết được, chúng ta không thể xem thường việc sám hối vãng sanh. Nói không chừng, người tạo tội nghiệp này lâm chung sám hối vãng sanh, như vua A Xà Thế, phẩm vị vượt qua chúng ta. Chúng ta vãng sanh có thể không cách gì đến bậc thượng phẩm, bậc trung bậc hạ thì chúng ta cảm thấy rất vừa lòng, rất không tệ rồi, nhưng bạn thấy đây là vãng sanh thượng phẩm trung sanh.
Điều này thể hiện rõ, có hai cách để vãng sanh, cách thứ nhất chính là thông thường như chúng ta làm là “phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”, một cách nữa là “lâm chung sám hối”. Khi lâm chung sám hối phát nguyện thì “một niệm cho đến mười niệm được vãng sanh”. Công đức niệm một niệm đến mười niệm của người lâm chúng sám hối đặc biệt thù thắng, tâm họ đặc biệt dõng mãnh, người thông thường chúng ta không thể so sánh được với họ, họ phát tâm dõng mãnh không gì bằng, bỗng chốc liền có thể chuyển biến hết tội nghiệp từ vô lượng kiếp. Việc này cho chúng ta một khai thị rất tốt, làm cho chúng ta không dám khinh mạn người đang tạo tác tội nghiệp. Bạn không nên khinh khi họ, bạn không nên xem thường những người đang tạo tác tội nghiệp. Vì sao vậy? vì nói không chừng khi họ lâm chung sám hối vãng sanh đến thế giới Cực Lạc phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chúng ta vẫn không bằng họ.
Cho nên bạn không thể nào không biết về sự phát tâm dõng mãnh, chân thiết phát tâm, chân thật hồi đầu. Trong vãng sanh truyện, thí dụ về lâm chung sám hối, niệm Phật được vãng sanh rất nhiều. Như trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh ba phẩm hạ, người ác lâm chung sám hối vãng sanh vào ba phẩm hạ là do lực sám hối của họ không được dõng mãnh, không được chân thiết như vua A Xà Thế. Cũng đều là sám hối vãng sanh nhưng không như nhau, sám hối vãng sanh đại đa số là ở ba phẩm hạ, thế nhưng cũng có số ít người vẫn đến được thượng phẩm thượng sanh. Chúng ta phải tường tận những đạo lý này. Đương nhiên, những chân tướng sự thật này chúng ta phải tỉ mỉ mà suy gẫm, việc sám hối này với nhân duyên thiện căn của đời quá khứ, nhất định có quan hệ rất mật thiết, quá khứ đời đời kiếp kiếp đã tích được thiện căn sâu dầy. Tại vì sao họ tạo nghiệp vậy? Vì ngay trong đời này không gặp được thiện duyên (duyên là quan trọng), không thể thân cận được thiện tri thức, họ gặp được là ác tri thức, ở bên cạnh họ thường hay bảo họ hưởng thụ năm dục sáu trần, danh vọng lợi dưỡng, luôn là dùng những thứ này mê hoặc họ, là do nguyên nhân này.

Những việc này, nếu như không thường hay đọc kinh thì sẽ dễ bị mê hoặc. Thế Tôn thường nói, phải thường đọc kinh, phải lý giải, hơn nữa phải thâm giải nghĩa lý, thì chúng ta mới có thể hiểu rõ, mới không đến nổi có mê hoặc. Tại vì sao vậy? vì nghi có thể chướng đạo, nếu như đối với những sự việc này sanh ra nghi vấn, thì tín tâm của bạn đối với Tịnh Độ liền bị chướng ngại, tín tâm bị chướng ngại thì không thể vãng sanh, cho nên điểm then chốt này rất quan trọng. Ngài Đại sư Liên Trì nói rất hay: “thỉ ác bất ngại chung thiện”, một người khi còn trẻ tạo ác, trung niên tạo ác, khi tuổi già hối hận, lo làm thiện vẫn còn kịp, họ vẫn là người thiện, chỉ cần họ hồi đầu. Cho nên thậm chí ác như vua A Xà Thế nhưng khi lâm chung mới hồi đầu, mới biết sám hối vẫn còn kịp. Chỉ cần hơi thở vẫn chưa dứt, chúng ta đem cái đạo lý này giảng rõ ràng nói tường tận cho họ, nếu họ thoát nhiên giác ngộ, hồi đầu hướng thiện, thì đều có thể vãng sanh.
Cho nên không thể nói con người này tạo ác quá nhiều, khi lâm chung mặc kệ không nên để ý đến họ, vậy là sai rồi. Khi lâm chung vẫn là giúp đỡ trợ niệm cho họ, vẫn là thường hay khuyên họ, nhắc nhở họ, họ một niệm hồi đầu là bạn giúp một người thoát khỏi sáu cõi luân hồi, để đi làm Phật, thì công đức này vô lượng, bất cứ việc tốt nào ở thế gian đều không thể so sanh được với việc tốt này. Bạn có thể đưa một người đi làm Phật, bạn ngay trong một đời này có được cơ hội đưa vài người đi vãng sanh, thì chính bạn tương lai vãng sanh sẽ không có vấn đề gì. Những người vãng sanh sẽ làm gì? Họ sẽ tri ân báo ân, đến khi bạn lâm chung, họ nhất định sẽ nói với Phật A Di Đà là họ có thể đến được Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là nhờ bạn giúp đỡ, họ sẽ kéo Phật A Di Đà mau đi tiếp dẫn bạn. Đây là việc thường tình, đích thực sự việc sẽ là như vậy. Cho nên chúng ta phải nhiệt tâm, không nên ghét bỏ người tạo ác, đến khi họ lâm chung, chúng ta phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, thành tựu cho họ. Chỉ cần tâm của chính chúng ta chân thành, tâm chân thành liền có cảm ứng, chân thật có thể giúp đỡ được họ.
Tốt rồi! Thời gian hôm nay đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!

tamvothuong

Tổng số bài gửi : 5
- + Điểm Đạo Hạnh : 1
Join date : 08/04/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết