Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

Go down

Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông Empty Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

Bài gửi by HoangMi 08/04/12, 10:06 pm

Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

Là người được đào luyện Nho, Lão, Trang từ khi tóc còn để chỏm rồi
trở thành người thông thạo cả lục kinh, nắm rõ cả Lão Đam lẫn Trang Chu
thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, chàng thanh niên xuất chúng họ Giả khăng
khăng đòi xuất gia làm sư và nói rằng: “So với đạo Phật, học thuyết
Khổng Mạnh, Lão, Trang chỉ như tro tàn, cặn bã”…


Chàng thanh niên họ Giả đó sau này chính là người sáng lập nên phái Tịnh
độ tông, một trong những tông phái Phật giáo còn phổ biến nhất tại
Trung Quốc cho đến thời hiện tại – Đại sư Huệ Viễn.

Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông Images445457_1

Vị đại sư sáng lập phái Tịnh độ tông

Sư Huệ Viễn sinh năm 334 mất năm 416, vốn là người họ Giả, vốn quê ở Lâu
Phiền, Nhạn Môn, nay thuộc Ninh Vũ, tỉnh Sơn Tây. Ngay từ nhỏ, Huệ Viễn
đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học vì vậy, khi mới 13, Huệ Viễn đã
được cha đưa đến các vùng Hứa Xương, Lạc Dương du học. Mặc dù lúc bấy
giờ, thời thế nhiễu nhương không yên ổn nhưng tư tưởng, học thuyết các
nhà đã được truyền bá rộng rãi và rất có quy củ. Vốn thông minh lại hiếu
học, nên chỉ ít năm sau đó, Huệ Viễn đã thông thạo cả lục kinh, nắm rõ
cả học thuyết của Lão, Trang cùng trăm nhà. Danh tiếng Huệ Viễn cũng vì
thế mà nổi tiếng khắp vùng.

Năm Huệ Viễn 21 tuổi, cảm thấy các học thuyết sở đắc của mình không thể
giải quyết được những vấn đề về sống chết luân hồi mà trong tâm hằng
thao thức, Huệ Viên đã dự định cùng với một người bạn là Phạm Tuyên Tử
đi ngao du tìm đạo. Tuy nhiên, thời bấy giờ chiến tranh liên miên, lại
thêm đường xá khó khăn nên Huệ Viễn đành phải gác lại ý định này.

Một thời gian sau đó, có vị sư tên là Đạo An đến chùa Nghiệp Trung núi
Thái Hành thuộc dãy Hằng Sơn thuyết pháp. Rất nhiều trí thức, vua quan
cho tới dân thường nghe tiếng đều tìm về nghe vị sư này giảng giải kinh
điển nhà Phật. Huệ Viễn cũng theo dòng người mộ đạo tìm đến chùa Nghiệp
Trung. Sau khi đến đỉnh Thái Hành, gặp đúng lúc sư Đạo An đang giải giải
cho chúng tăng về “Kinh Bát Nhã”, Huệ Viễn nghe Đạo An giảng xong,
thông suốt ngay, thấy đạo Phật cao diệu, mới ngửa mặt lên trời than
rằng: “Đạo Phật thật bao la, so với nó, Nho Đạo các nhà chẳng khác nào
như tro tàn, cặn bã”. Từ đó, Huệ Viễn quyết tâm bỏ hết sở học, xuất gia
làm sư, bái Đạo An làm thầy.

Sau khi xuất gia, Huệ Viễn chuyên tâm sớm hôm tụng đọc kinh Phật, không
hề ngại khó, ngại khổ. Với bản chất thông minh, lại từng là người thông
hiểu tư tưởng Nho, Đạo trăm nhà, Huệ Viễn không chỉ thấu hiểu rất nhanh
giáo lý nhà Phật mà còn tự tìm cho mình cách lý giải riêng. Vì vậy, mới
24 tuổi Huệ Viễn đã lập đàn giảng kinh thuyết pháp. Mỗi lần giảng đến
đoạn nào các đệ tử không hiểu, Huệ Viễn lại sử dụng những tư tưởng Lão
Trang hay Nho giáo để liên hệ so sánh giúp người nghe dễ dàng thông
hiểu. Vì vậy, lúc bấy giờ, các buổi giảng kinh của Huệ Viễn thu hút rất
đông các tăng chúng khắp nơi về nghe. Thấy đệ tử của mình không chỉ
thông minh lanh lợi mà còn tự có cách lý giải riêng, Đạo An mừng lắm,
ngầm khen ngợi Huệ Viễn rằng: “Đạo Phật sau này có được lưu truyền rộng
rãi trên đất Trung Quốc có lẽ là nhờ Huệ Viễn này đây”.

Sau nhiều năm theo thầy tu hành, đến một hôm, Đạo An bắt đầu cho các đệ
tử của mình tự đi truyền bá Phật pháp. Mỗi khi có một đệ tử nào đó quyết
định ra đi, Đạo An cũng ân cần chỉ bảo những điểm cần phải ghi nhớ.
Nhưng đến khi Huệ Viễn ra đi thì Đạo An không nói gì cả. Huệ Viễn tự
nhiên cảm thấy tủi thân vì tự nghĩ bản thân mình từ khi theo thầy đã rất
chăm chỉ không hề quản ngại điều gì, tu tâm học Phật nhưng khi dời đi
thì thầy không hề nhắn nhủ như những đệ tử khác, lẽ nào thầy xem mình
không xứng đáng được chỉ bảo? Huệ Viễn băn khoăn lắm, cuối cùng quỳ
xuống trước mặt Đạo An nói rằng: “Đệ tử đợi mãi mà không nghe thầy nhắn
nhủ điều gì cả… phải chăng đệ tử chẳng đủ khả năng để được thầy giao
phó?”.

Đạo An lúc này mới mỉm cười đáp rằng: “Người như thầy đây thì lão tăng
còn gì để lo lắng nữa… Ta cũng không còn gì để nói cho thầy! Từ nay về
sau nhất định thầy sẽ làm rạng rỡ Phật pháp. Thôi! Thầy hãy đi đi, rất
nhiều Phật sự đang chờ thầy hoàn thành”.

Chia tay Đạo An ở Tương Dương, Huệ Viễn đi về hướng nam đến Kinh Châu và
dừng chân tại chùa Thượng Minh. Kế đó, ngài lại muốn dời đến núi La Phù
nhưng khi đi qua Lô Sơn, thuộc tỉnh Giang Tây thấy cảnh vật núi này
thanh tịnh rất thích hợp cho việc hành đạo của mình, nên quyết định ở
lại, xây dựng tịnh xá Long Tuyền. Người ta kể rằng, khi Huệ Viễn mới đến
Lô Sơn, thấy chỗ đó thiếu nước mới cầm tích trượng dằn xuống đất khấn
nguyện. Bỗng nhiên, một con rồng trắng bay vọt lên, rồi chỉ một lát sau,
mưa to xối xả ba ngày ba đêm không dứt, hình thành những con sông uốn
lượn trong khu vực này. Cũng vì thế, Huệ Viễn mới đặt tên cho tịnh xá
của mình là Long Tuyền (Suối con rồng).

Huệ Viễn ở Lô Sơn suốt 30 năm, chân không dời khỏi núi. Tuy nhiên, tăng
chúng và những người mộ đạo thì từ khắp nơi tìm về Lô Sơn để nghe Huệ
Viễn thuyết pháp ngày càng đông hơn. Chính nhờ Huệ Viễn mà chùa Đông Lâm
ở Lô Sơn trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất ở phía nam của Trung
Quốc. Đến năm Thái Nguyên thứ 15 nhà Đông Tấn, tức năm 390, Huệ Viễn
cùng các đệ tử và người mộ đạo lập ra Bạch Liên Xã, lấy thành khẩn tu
cầu làm tiêu chí và phương tiện để về cõi Niết Bàn Tịnh Độ. Chính Bạch
Liên Xã với 123 người ban đầu do Huệ Viễn lập ra sau này đã trở thành
phái Tịnh độ tông rất phổ biến ở Trung Quốc.

Và chuyến thỉnh kinh trước Đường Tam Tạng

Lâu nay, người ta chỉ nhắc đến Đường Tam Tạng một nhân vật rất nổi tiếng
với bộ tiểu thuyết lừng danh “Tây Du Ký” với chuyến thỉnh kinh ở Thiên
Trúc như một sự kiện trọng đại trong quá trình truyền bá và chuyển dịch
kinh điển Phật giáo vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ít người biết rằng, trước
Đường Tam Tạng hàng nhiều thế kỷ, chính sư Huệ Viễn đã tổ chức những
chuyến “thỉnh kinh” và chuyển dịch kinh điển Phật giáo với quy mô rất
lớn.






Chuyện kể rằng, khi ở Lô Sơn, sư Huệ Viễn thấy ở phương Đông Phật pháp
phát triển rất nhanh song kinh sách thì lại rất thiếu. Những bộ kinh
sách được các nhà sư Ấn Độ mang vào Trung Quốc thường không đầy đủ và đã
được dịch ra ngôn ngữ của người Trung Quốc để tiện cho việc truyền giáo
vì vậy thường không chính xác. Nhiều chuyến thỉnh kinh của các nhà sư
từ Trung Quốc trước đó cũng không đem lại nhiều kết quả vì đường xá xa
xôi, cách trở, ngôn ngữ lại bất đồng.

Huệ Viễn nghĩ rằng, nếu như muốn truyền bá đạo Phật thì nhất định phải
có những bộ kinh sách được dịch một cách đầy đủ và chính xác. Vì vậy,
ông đã bàn với những người đệ tử của mình tổ chức một chuyến “tây du” để
“thỉnh kinh”. Cuối cùng, Huệ Viễn sai các đệ tử là Pháp Tịnh và Pháp
Lĩnh cùng nhiều người khác vượt ngọn núi Thông Lãnh cao ngất sang đất
Tây Thiên lấy về những bộ kinh nguyên bản bằng tiếng Phạn. Sư Huệ Viễn
lúc đó cũng muốn tự mình sang Thiên Trúc cùng với các đệ tử, tuy nhiên,
vì tuổi đã cao, đường xá lại quá xa xôi và nguy hiểm nên Huệ Viễn đành
giao trọng trách này cho hai người đệ tử thân tín nhất của mình. Trải
nhiều năm vượt suối băng ngàn, dãi nắng dầm sương, chịu đủ mọi nỗi khó
khăn trở ngại, đoàn thỉnh kinh từ chùa Đông Lâm của Bạch Liên Xã cũng đã
trở về mang theo một số lượng lớn những sách kinh điển từ quê hướng đức
Phật.

Tuy nhiên, khi đã có được những kinh sách nhà Phật thì một vấn đề khác
lại nảy sinh, đó là tất cả những kinh sách này đều bằng tiếng Phạn vậy
ai sẽ là người có thể dịch được những kinh sách này một cách chính xác
nhất. Bản thân Huệ Viễn khong phải là một người thạo tiếng Phạn, hơn
nữa, Huệ Viễn cho rằng, những người có thể dịch kinh sách Phật giáo
chính xác nhất chính là những nhà sư Ấn Độ đến Trung Quốc truyền giáo.
Chính vì vậy, Huệ Viễn không quản khó nhọc tìm kiếm khắp nơi trên cả
nước để mời các đại sư Ấn Độ về Đài Bát Nhã tại Lô Sơn mà ông lập ra để
tổ chức biên dịch kinh sách nhà Phật. Đây cũng là trung tâm dịch thuật
tư nhân đầu tiên trong lịch sử.

Chuyện kể rằng, khi nghe tin một vị đại sư của Ấn Độ đến Trung Nguyên,
từ tận vùng Lô Sơn xa xôi nhưng Huệ Viễn đã tức tốc sai đệ tử của mình
là Đàm Ung vượt đèo lội suối đến Trường An để tìm vị đại sư nọ. Bản thân
Huệ Viễn còn viết một lá thư dài khẩn thiết nhờ vị đại sư này đến Lô
Sơn giúp mình dịch kinh sách nhà Phật nhằm truyền bá Phật pháp cho các
thế hệ sau. Chính nhờ sự nhiệt tình và hết lòng cho sự nghiệp xiển dương
Phật pháp, Huệ Viễn đã lấy được lòng rất nhiều các đại sư đến từ Ấn Độ
cũng như những người Trung Nguyên từng đến Trung Quốc và biết tiếng
Phạn. Công lao của Huệ Viễn đối với sự nghiệp phiên dịch và truyền bá
các kinh sách Phật giáo vì vậy không hề kém so với công lao của Đường
Tam Tạng sau này.

Năm sư Huệ Viễn 83 tuổi, ông bị bệnh nặng và qua đời. Người ta khoác lên
cái chết của Huệ Viễn nhiều lớp vỏ thần kỳ, nói rằng, ông đã trông thấy
đức Phật trước khi viên tịch. Đức Phật nói với ông rằng: “Sau bảy ngày
nữa ngươi sẽ được sinh về nơi cực lạc”. Đúng bảy ngày sau đó, Huệ Viễn
qua đời. Chẳng biết chuyện này đúng sai ra sao nhưng có một điều chắc
chắn rằng, nó chứng tỏ Huệ Viễn có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với
các tín đồ của Phật giáo.

Theo: Phụ nữ ngày nay

HoangMi

Tổng số bài gửi : 7
- + Điểm Đạo Hạnh : 2
Join date : 08/04/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết