Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

QUÁ TRÌNH NHẬP THAI , TRỤ THAI VÀ XUẤT THAI

Go down

QUÁ TRÌNH NHẬP THAI , TRỤ THAI VÀ XUẤT THAI Empty QUÁ TRÌNH NHẬP THAI , TRỤ THAI VÀ XUẤT THAI

Bài gửi by Admin 09/11/12, 09:34 am

Quá trình nhập thai, Trụ thai và xuất thai

--------------------------------------------------------------------------------

Nghiên Cứu Phật Học - Phật Học Tổng Quát
Viết bởi Nguyên Liên

A. DẪN NHẬP.

Sau khi mạng chung, chúng sanh tùy theo nghiệp lực thiện hay ác lúc sanh tiền đã tác tạo, mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Sáu cảnh giới luân hồi là thiên, nhân, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, và địa ngục. Theo đạo Phật, có bốn cách để thọ sanh một kiếp sống mới. Đó là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.

Noãn sanh là các loài hữu tình sanh ra từ trứng, như loài ngỗng, chim sẻ... Thai sanh là các loài hữu tình sanh ra từ thai mẹ, như con người, voi, ngựa... Thấp sanh là các loài hữu tình sanh ra từ nơi ẩm thấp, như trùng, mọt... Hóa sanh là các loài hữu tình sanh ra bằng cách tự nhiên hóa hiện, như chư thiên, chúng sanh cõi địa ngục...

Theo Du già sư địa luận (q1), tùy theo việc đoạn trừ phiền não có sâu hay cạn, phước báo nhiều hay ít, giữa kẻ phàm người thánh mà dẫn đến việc nhập thai, trụ thai và xuất thai của mỗi loài có hạnh phúc hay khổ đau sai khác. Trong phạm vi bài này, chúng ta thử tìm hiểu về quá trình nhập thai, trụ thai và xuất thai đầy đau khổ của phàm phu như thế nào.

B. NỘI DUNG

I. Tiến trình nhập thai của phàm phu.

1. Điều kiện nhập thai.

Sự kết thai của chúng sanh là do ba yếu tố hỗn hợp là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Tuy nhiên dù có đủ ba yếu tố đó nhưng phải hội đủ các duyên, và không có một số chướng ngại sau mới hình thành được thai bào.

a. Sinh lý.

* Muốn hình thành thai bào phải hội đủ ba điều kiện.
- Người mẹ tâm ý điều hòa thuận thích, lại đúng thời kỳ rụng trứng.
- Cha mẹ quan hệ và cùng khởi ý niệm ái nhiễm.
- Thân trung ấm đang có mặt.

* Lại không có một số chướng duyên như sau.
- Khi hòa hợp tinh cha ra nhưng tinh mẹ không ra, hay ngược lại.
- Người mẹ có một số bịnh như tử cung lạnh, khí huyết thành cục, vàng võ nhiều đàm… hoặc một số bịnh của người cha, hoặc uống thuốc tránh thai.
- Cha mẹ tôn quý có phước đức, nhưng trung ấm ti tiện kém phước, hay ngược lại cha mẹ ti tiện kém phước, mà trung ấm tôn quý có phước đức thì cũng không thành thai.

b. Nghiệp báo.

Nghiệp báo giữa cha mẹ và con cái phải có nhân duyên với nhau mới thành thai. Hoặc có khi cha mẹ cùng con đều tôn quý hoặc ti tiện, nhưng nghiệp duyên giữa cha mẹ và con cái không hợp cũng không thể thành thai.

Mối quan hệ nghiệp báo giữa cha mẹ và con cái, không ra ngoài một trong bốn trường hợp sau.

- Vì trả ân sanh làm con: con cái đối với cha mẹ trong nhiều đời quá khứ đã mang ân nghĩa, đời này sanh làm con để trả lại những ân nghĩa xưa. Vì thế, có những người con khi nhỏ đã sống hiếu thảo với cha mẹ, chăm lo học tập, làm cho cha mẹ vui lòng, lớn lên thi cử đỗ đạt, thăng quan tiến chức, nhờ đó mà cha mẹ cũng được tiếng thơm với xã hội.

- Vì trả oán sanh làm con: cha mẹ đối với con cái trong quá khứ đã từng gây nhiều oan ức, oán thù, người con kiếp này sanh làm con để trả lại những oán thù xưa. Vì thế, có những người con khi còn nhỏ tuổi đã sanh lòng ngỗ nghịch, bất hiếu, đến khi lớn lại gây tai họa, ăn chơi đàng điếm, khiến cho cha mẹ khổ lụy phải mất danh tiếng với xã hội.

- Vì đòi nợ sanh làm con: cha mẹ đối với con cái trong nhiều đời quá khứ đã nợ nần tiền bạc, người con kiếp này sanh làm con để đòi lại những nợ nần xưa. Vì thế, có những người con, khi mới sanh ra đã mang nhiều tật bịnh, hoặc còn nhỏ tuổi cha mẹ dày công nuôi dưỡng, tốn nhiều tiền bạc cho ăn học, nhưng khi đỗ đạt thành danh thì lại chết, hoặc không giúp đỡ gì cho cha mẹ.

- Vì trả nợ sanh làm con: người con trong nhiều đời quá khứ đã từng nợ nần hay thiếu tiền bạc nơi cha mẹ, đời này sanh làm con để trả nợ xưa. Vì thế, có những người con khi còn nhỏ tuổi đã chăm lo làm lụng, dãi nắng dầm mưa đem tiền về nuôi dưỡng cha mẹ. Tùy theo số nợ nhiều hay ít, mà ở với cha mẹ thời gian dài hay ngắn, đến khi trả hết nợ rồi chết hoặc bỏ nhà đi.

2. Tiến trình nhập thai.

a. Tâm niệm vào thai.

Tâm lý của trung ấm khi vào thai mẹ vô cùng phức tạp, bởi do ái dục làm chủ thân trung ấm trong suốt quá trình tồn tại, vì thế tâm lý trung ấm trước khi vào thai luôn khao khát ái dục, và bị ái dục thiêu đốt làm cho tâm bức xúc, nóng nảy khổ đau bất tận.

Với tâm lý thèm khát những rung động dục tình, nhưng không đủ điều kiện để thỏa mãn (do thân trung ấm phần sắc chất rất vi tế), nên giữa không gian mênh mông, khi thấy đốm lửa dục lóe lên từ nơi cha mẹ giao hợp, trung ấm bèn duyên theo tâm dục của cha mẹ khởi lên vô số vọng tưởng và sanh ái tâm lẫn sân tâm.

Trung ấm nếu là con gái, liền đối với người cha khởi tâm tham muốn, sanh lòng ghét bỏ người mẹ. Nếu là con trai, liền đối với người mẹ khởi tâm tham muốn và sanh lòng ghét bỏ người cha. Ngay lúc trung ấm sanh ái tâm lẫn sân tâm cũng chính là lúc trung ấm chuẩn bị nhập thai.

b. Quá trình vào thai.

Khi cha mẹ quan hệ ở giai đoạn tham ái cùng cực, mỗi người xuất ra một giọt tinh huyết và hòa hợp lẫn nhau, ngay lúc đó trung ấm liền sanh ý niệm chấp thủ, muốn gá hợp vào giọt tinh huyết, mà nhập vào thai bào.

- Nếu trung ấm phước kém, sẽ sanh vào nhà hạ tiện. Bấy giờ trung ấm bỗng thấy toàn thân nóng lạnh, bức bách khó chịu, tai nghe vô số âm thanh hoảng loạn, chát chúa, lại thấy cảnh mưa gió mù mịt, người đông đảo, nhiều thú dữ đến rượt đuổi... Ngay đó trung ấm khởi lên ý niệm, ta phải chạy vào hang động, rừng rậm, núi đồi... để tránh các sự khủng bố này. Sau khi khởi ý niệm, trung ấm liền cố chạy ra xa, ngay đó liền nhập thai.

- Nếu trung ấm có phước, sẽ sanh vào nhà tôn quý. Bấy giờ, trung ấm cũng cảm thấy toàn thân nóng lạnh, bức bách khó chịu, tai nghe vô số âm thanh hoảng loạn, chát chúa, lại thấy cảnh mưa gió mù mịt, người đông đảo, nhiều thú dữ đến rượt đuổi... Ngay đó trung ấm khởi lên ý niệm, ta phải chạy lên lầu cao, lên cung điện, vào tháp miếu... để tránh các sự khủng bố này. Sau khi khởi ý niệm trung ấm cố chạy ra xa, ngay đó liền nhập thai.

II. Quá trình trụ thai.

1. Tiến trình sinh trưởng.

Chúng phàm phu khi ở trong thai mẹ, thai nhi ở dưới can cách và trên đại trường. Trong thời gian ở trong thai, thai nhi phải chịu muôn vàn khổ sở…

Sau khi đầu thai vào loài nào, thai nhi phải trải qua thời gian tương đương với loài ấy rồi mới được sanh ra. Thai tạng khi sanh trưởng đều phải trải qua tám vị sai biệt.

- Yết la lam vị: lúc tinh huyết mới đọng lại còn hơi lỏng như mũi tên.
- Yết bộ đàm vị: lúc thai tạng chưa sanh thịt, trong ngoài như sữa đặc.
- Bế thi vị: lúc thai nhi mới tượng hình có dáng hai tay khép lại, thịt đã sanh nhưng còn rất mềm.
- Kiền nam vị: lúc khối thịt đã hơi cứng có thể xoa rờ được.
- Bát la xa khê vị: lúc thai nhục lớn lên, hiện ra tướng tay chân và đầu.
- Phát mao trảo vị: lúc tóc, lông, móng tay và chân hiện ra.
- Căn vị: lúc phát sanh tay, mắt, mũi, miệng và đường đại tiểu tiện.
- Hình vị: lúc các tướng nơi thân hiện ra đầy đủ.

2. Tâm lý thọ báo.

Trong thời gian trụ thai, tâm lý thai nhi trải qua những tướng dị biệt, hoặc có khi vọng tưởng điên đảo, như thấy mình đang ngồi trên xe ngựa, hay đi thuyền ở lầu cao, nằm trên giường, nghe tiếng suối chảy… có khi thai nhi sanh niệm buồn chán đến tột độ, đau đớn bức bách.

Giai đoạn này, tâm lý thai nhi do bị sự dày vò của ái tâm, sân tâm, nhưng không có đối tượng để thỏa mãn, khiến thai nhi sanh ra vô số niệm bất như ý. Lại thai nhi phải chịu sự tù túng của thai bào, như ở trong ngục tối; xung quanh bao bọc đầy những máu mủ bất tịnh, khiến thai nhi cảm thấy bức bách khó chịu vô cùng. Lại do ảnh hưởng của người mẹ, trong khi mang thai không biết giữ gìn, khiến thai nhi đã thống khổ lại càng thêm thống khổ.

Chung quy, tâm lý thai nhi không ngoài các tâm lý, như tâm lý điên đảo vì khởi lòng mong cầu nhưng không được đáp ứng, tâm lý sân nộ chán ghét vì sự bất tịnh, tâm lý buồn bực vì sự hôi hám nhơ bẩn, tâm lý bức bách vì trong ngục tối, tâm lý chán nản đeo đẳng vì không lối thoát... Tất cả những tâm lý sầu khổ đó đều không ngoài nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ mà thai nhi đã tác tạo để biến hiện thành cảnh thọ dụng bất như ý khi ở trong thai mẹ.

3. Ảnh hưởng của người mẹ đối với thai nhi.

Trong thời kỳ mang thai, hoặc do năng lực của nghiệp, hoặc do năng lực những điều không quân bình bởi người mẹ không biết kiêng cử, khiến cho thai nhi hoặc là tóc, hoặc là màu sắc, hoặc là da, hoặc những chi phần khác bị biến dạng sau khi sanh ra.

Trong thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng, cũng như môi trường sống của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, hình sắc vóc dáng của người con.

Trong lúc mang thai, nếu người mẹ ưa hành dâm, thai nhi sẽ có làn da ghẻ chốc, sần sùi, hoặc người mẹ không khéo giữ gìn, thường chạy nhảy hoặc làm những việc nặng, do ảnh hưởng đó, có thể các chi phần của thai nhi cũng bị xiên vẹo, không được hoàn chỉnh.

4. Sự khó khổ của người mẹ khi mang thai.

Người mẹ trong chín tháng mang thai, thân thể nặng nề mỏi nhọc, tợ như người mang đá nặng ngàn cân bên mình. Trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi đều không được tự nhiên. Lại do sức nghiệp cảm của thai nhi tác động, người mẹ có những xáo trộn về ăn uống khác với lúc bình thường. Khi thai nhi vùng vẫy, người mẹ cảm giác tợ như có ai lấy cây đánh mạnh vào thành bụng. Khi thai nhi đói khát cấu xé, người mẹ dường như rách nát tâm can.

Kể từ khi mang thai, tâm người mẹ có những biến chuyển rõ rệt. Do tâm sân của thai nhi ảnh hưởng khiến người mẹ có những cơn nóng giận vô cớ. Lại do tâm tham dục của thai nhi, trong thời gian mang thai, người mẹ thích hành dâm nhiều hơn. Lại, có nhiều người mẹ trong khi mang thai ưa thích những cảnh ma quái, cảnh đâm chém lẫn nhau, và trong thời gian này thường có vô số ác quỷ đoanh vây phá hại người mẹ.

(sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

QUÁ TRÌNH NHẬP THAI , TRỤ THAI VÀ XUẤT THAI Empty Re: QUÁ TRÌNH NHẬP THAI , TRỤ THAI VÀ XUẤT THAI

Bài gửi by Admin 09/11/12, 09:37 am


III. Quá trình xuất thai.

1. Tiến trình xuất thai.

Thai tạng nếu là con gái sẽ ở bên hông trái người mẹ, tựa lưng vào xương sống, hướng mặt ra phía bụng. Nếu là con trai sẽ ở bên hông hữu người mẹ, tựa lưng vào bụng và hướng mặt ra xương sống.

Khi thai tạng đủ tháng đủ ngày, người mẹ không còn kham giữ được nữa, lúc gió bên trong nổi lên, người mẹ đau đớn vô cùng. Lại bởi nghiệp báo của thai tạng phát khởi, gió sanh phần dấy lên, khiến cho đầu thai nhi hướng xuống, chân quay lên, xuôi hai tay như sắp muốn ra, vỏ thai bao bọc xung quanh hướng ra sản môn. Đúng lúc thoát ra, vỏ bọc thai bị xé rách phân ra hai nách. Lúc thai nhi ra khỏi sản môn mới thực sự gọi là sanh.

Nếu đứa bé đời trước có tạo nghiệp đọa lạc, thì tay chân ngang dọc không xoay trở được, chết trong bụng mẹ, làm cho người mẹ rất đau đớn khổ sở hoặc có thể mạng chung. Như đứa bé đời trước tạo những nghiệp lành hay gây nhân sống lâu, thì sanh nở dễ dàng, khi sanh ra mẹ con đều an ổn.

2. Nỗi khổ đau của thai nhi khi xuất thai.

Tâm lý thai nhi khi xuất thai thật hoảng loạn vô cùng, thai nhi phải lộn ngược đầu xuống để chun qua sản môn người mẹ mà ra. Trạng thái khổ sở lúc xuất thai của phàm phu cũng ví như người, đầu phải lộn xuống đất, hai chân đưa lên trời.

Lại khi chun qua sản môn, thai nhi cảm thấy như bị hai tảng đá nặng ngàn cân ép chặt vào thân… Cộng với máu mủ tuôn trào, sự thay đổi môi trường, thời tiết khi xuất thai, khiến thai nhi đau đớn hốt hoảng và đầy lo sợ.

Phải chăng tiếng khóc đầu đời của hài nhi, nhằm báo hiệu cho mọi người biết đã có một sinh linh xuất hiện trên trần thế, đó là tiếng khóc thét, ngõ hầu làm vơi đi bao nỗi buồn chán, nỗi bực tức, nỗi hằn học... của thai nhi khi ở trong thai mẹ, và nỗi đau đớn tột độ khi sanh ra, cũng như nỗi hốt hoảng tột cùng, khi gặp phải một cuộc đời đen tối đang đón chào.

Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã nghe tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
(Cung oán ngâm khúc)

3. Nỗi nguy hiểm của người mẹ lúc sanh nở.

Mang thai đến tháng thứ mười, là lúc thai nhi lộn ngược, đầu hướng xuống sản môn, hình chất lần lần to lớn, thời gian này người mẹ luôn ở trong trạng thái hồi hộp khó thở, ăn không ngon miệng, ngủ không an giấc. Trước giờ chuyển bụng, người mẹ đau đớn vô vàn, khuôn mặt nhợt nhạt, mồ hôi tuôn trào, ruột gan cảm nhận dường như bị ai cấu xé, thân thể như bị ai phanh ra. Những cơn đau co thắt trong ruột, làm cho người mẹ đi, đứng, nằm, ngồi không yên.

Khi đứa con từ từ sinh ra, người mẹ cảm thấy như bị ai banh da xẻ thịt, đau đớn vạn trạng máu huyết dầm dề. Toàn thân người mẹ co giật, nghe trong người các cơ thịt co rút, lại mỗi lần sanh nở người mẹ phải mất biết bao nhiêu máu và tủy, khiến cơ thể yếu đi và các đốt xương đen và dễ gãy...

Trong khi sanh nở vô cùng nguy hiểm, thậm chí có trường hợp hy sinh người con để cứu sống mẹ, hay ngược lại hy sanh mẹ để cứu sống con, có trường hợp cả mẹ lẫn con đều chết trên giường sanh. Cảnh đau đớn vạn trạng và nhuốm đầy màu tang tóc lúc người mẹ sanh nở quả thật đáng kinh đáng sợ biết dường nào.

4. Giáo dục thai nhi.

Đạo Phật chủ trương giáo dục con người ngay khi còn ở trong thai bào. Việc giáo dục thai nhi trong đạo Phật được nhân gian đúc kết thành câu tục ngữ: “Đặt con vào dạ, mạ lo đi tu”.

Kinh Phổ Môn dạy chúng ta, muốn sanh được con cái hiếu thảo, trước và trong thời kỳ mang thai, người mẹ thường nên trì niệm thánh hiệu Quán-thế-âm Bồ-tát sẽ đạt được như sở cầu. Niệm Quán-thế-âm Bồ-tát, có nghĩa là chúng ta thường nhớ nghĩ đến tư tưởng thánh thiện trong nội tâm, tư tưởng thánh thiện là tư tưởng lắng nghe tiếng khổ đau của mọi người để tìm cách cứu giúp, đồng thời đừng để cho những ý niệm tạp loạn, ý niệm ác độc xâm nhập vào tâm trong thời kỳ này.

Do tư tưởng thánh thiện của người mẹ trước khi chuẩn bị mang thai, sẽ chiêu cảm các loại thân trung ấm là những bậc hiền thánh nhập thai vào làm con của mình. Cũng như trong thời kỳ thai nhi trụ thai, do tư tưởng thánh thiện của người mẹ, sẽ có tác động giáo dục rất lớn đối với thai nhi để sau này hình thành nhân cách thanh cao của người con.

C. KẾT LUẬN

Do nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ, mà phần nhiều chúng sanh sau khi chết đều phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm. Vì vậy, chúng sanh phải chịu vô vàn sự khổ khi ở trong giai đoạn trung ấm, rồi bao cảnh nhọc nhằn khi vào thai, ở trong thai và khi xuất thai. Để rồi dòng chảy cuộc đời cứ cuồn cuộn cuốn tất cả chúng sanh trôi nỗi dập dìu trong sông mê, biển ái đáng ngán đáng sợ dường nào.

Tất yếu đã có thân là có khổ, bởi khổ là do chúng ta có ý niệm chấp ngã về thân, như Lão tử nói : “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân” (ta có hoạn lớn vì ta có thân). Chúng ta chỉ có con đường “Thoát ly huyễn thân, chứng nhập pháp thân” mới chấm dứt sự khổ. Con đường đó chư Phật đã diễn bày rõ ràng trong kinh điển.
Nói tóm lại, chúng ta chỉ cần “Nói theo những gì Phật đã nói, làm theo những gì Phật đã làm, nghĩ theo những gì Phật đã nghĩ” tức chúng ta sẽ hoàn toàn thoát khổ. Khổ đau hay hạnh phúc, trói buộc hay giải thoát, việc đó hoàn toàn do mỗi cá nhân tự quyết định.

IV. Bồ-tát đản sanh.

1. Trạng thái thanh thoát của hoàng hậu khi đản sanh Bồ-tát.

Trạng thái sanh nở của hoàng hậu, khi hạ sanh Bồ-tát đầy an nhàn và tự tại, so với các sản phụ khác lúc sanh con quả thật là một trời một vực. Hoàng hậu không có những tâm lý biến loạn sợ hãi, không có những tâm lý tham đắm, không có những tâm lý đau đớn tột cùng khởi lên. Hoàng hậu trong tâm trạng an nhàn, tự tại, đi ngắm vườn hoa rực rỡ, vườn Lâm-tỳ-ni, để rồi đản sanh Bồ-tát.

Về thân thể, hoàng hậu không phải chịu sự đau đớn bức bách khi thai nhi đạp vào bụng để chuẩn bị xuất thai. Hoàng hậu không ở trong trạng thái lõa lồ bất tiện, rên la kêu khóc, máu huyết dầm dề, không rơi vào cảnh khó sanh nguy hiểm đến tánh mạng...

Sử ghi lại, trong khi hoàng hậu đứng ngắm hoa nở dưới cội cây Vô ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay mặt từ từ vịn cành hoa xuống, Bồ-tát từ bên hông hữu của hoàng hậu sanh ra. Quả thật, đây là một cảnh tượng sanh nở đầy an nhàn tự tại, mà từ ngàn xưa đến ngàn sau, không có bất kỳ một người mẹ nào có được trạng thái sanh con hy hữu như vậy.

2. Vì sao Bồ-tát hạ sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni.

Vấn đề đặt ra, tại sao Bồ-tát không đản sanh tại cung thành, mà lại sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni? Sự việc này không phải tự nhiên (tức đi qua vườn Lâm-tỳ-ni hoàng hậu chuyển bụng) mà đều có duyên cớ của nó. Sở dĩ Bồ-tát không sanh trong cung thành, mà sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni không ngoài hai lý do sau:

Thứ nhất, trong quá trình hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát thường ưa thích chỗ núi rừng thanh vắng yên tĩnh, chán ghét nơi phố thị đông đúc ồn ào, vì thế Ngài không sanh tại cung thành, mà lại đản sanh nơi khu rừng vắng. Quán sát cuộc đời của đức Phật, chúng ta sẽ thấy, không những khi đản sanh, mà ngay cả khi thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn, đức Phật đều ở tại những khu rừng vắng vẻ.

Thứ hai, sở dĩ Ngài đản sanh nơi khu rừng vắng, bởi khi có một vị Phật xuất thế sẽ có vô lượng chúng sanh đem các hương hoa, phan lọng, trỗi các kỹ nhạc... đến cúng dường. Do vậy, Bồ-tát đản sanh nơi khu rừng vắng để tiện lợi cho trời, rồng, quỷ thần... đem các phẩm vật đến cúng dường.

Nếu Bồ-tát sanh trong cung thành, thì trời, rồng, quỷ thần... không thể đem vật phẩm cúng dường, vì ác nghiệp chúng sanh ngăn cản, còn chúng sanh trong thành lúc đó chưa có tín tâm, tâm họ đầy ngã mạn… nên không thể đem phẩm vật đến cúng dường ngày Bồ-tát đản sanh.

3. Bồ-tát đản sanh.

a. Ý nghĩa quả đất rung động sáu cách.

Tất cả những cảnh vật xung quanh thay đổi tốt hay xấu khi có một chúng sanh xuất hiện, là nhằm nói lên phước nghiệp hay phi phước nghiệp của chúng sanh đó. Vì thế dưới tuệ nhãn của các bậc thánh, các Ngài có thể quán sát những biến đổi của trời đất khi chúng sanh đó sanh, mà biết được chính xác tương lai xán lạn hay đen tối của chúng sanh này. Do vậy, khi có một vị Phật đản sanh, sẽ có những hiện tượng tốt lành như các loài hoa chen chúc nở, ánh sáng rực rỡ bốn bề, quả đất rung động sáu cách... là lẽ tất nhiên vậy.

Quả đất rung động sáu cách, kinh Đại phẩm Bát-nhã chép như sau: phía đông quả đất vọt lên, phía tây quả đất chìm xuống; phía tây quả đất vọt lên, phía đông quả đất chìm xuống; phía nam quả đất vọt lên, phía bắc quả đất chìm xuống; phía bắc quả đất vọt lên, phía nam quả đất chìm xuống; phía bên ngoài quả đất vọt lên, phía bên trong quả đất chìm xuống; phía bên trong quả đất vọt lên, phía ngoài quả đất chìm xuống.

Quả đất rung động sáu cách khi Phật đản sanh nhằm nói lên hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là sự hộ trì của mười phương chư Phật khi có một vị Phật xuất hiện ở thế gian. Ý nghĩa thứ hai là sự hoan hỷ, sung sướng tột cùng của sáu đạo chúng sanh khi có một vị Phật xuất thế.

b. Ý nghĩa sanh dưới cội cây Vô ưu.

Vô ưu, phạn ngữ Asóka, dịch âm là A-thâu-ca, nguồn gốc cây này ở Hy mã lạp sơn, thân cây thẳng, lá tròn dài, hoa màu hồng, đặc biệt rất ít khi nở hoa (theo truyền thuyết Ấn Độ, khi nào hoa Vô ưu nở, tức có bậc thánh nhân xuất hiện). Vô ưu, theo ý nghĩa tôn giáo, có nghĩa là “Không có sự lo âu, buồn phiền”.

Tất cả chúng phàm phu, do nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ, nên hiện đời phải sanh ra để lãnh chịu những khổ cảnh, vì thế chúng phàm phu khi mới sanh ra đã lo âu, buồn phiền, run sợ, biểu hiện nỗi run sợ đó qua tiếng khóc của thai nhi khi vừa mới chào đời. Còn Bồ-tát thì khác, các Ngài là những bậc đã dứt sạch mọi ác nghiệp, thành tựu đầy đủ các công đức, kiếp này vì tình thương và đại nguyện độ sanh mà thị hiện vào đời, vì thế các Ngài sanh ra trong sự hỷ lạc, hoàn toàn khác với sự lo âu của chúng phàm phu.

Tóm lại, Bồ-tát sanh dưới cội cây Vô ưu nhằm nói lên ý nghĩa: Bồ-tát sanh ra trong niềm hỷ lạc, trong sự hoan hỷ, chứ không phải sanh ra trong sự lo âu, buồn phiền như bao chúng sanh khác trong cuộc đời.



c. Ý nghĩa sanh ở hông bên hữu.

Tất cả chúng sanh đều do ái dục mà sanh, do ái dục mà tồn tại và cũng do ái dục mà phải luân hồi trong các thú. Chính ái dục mới là động lực duy nhất có đủ sức mạnh để lôi kéo chúng sanh qua lại trong tam giới, chứ không một ai khác có đủ sức mạnh dù trời, rồng, quỷ thần... có thể lôi kéo chúng sanh được. Vì chúng sanh do ái dục mà sanh, nên cũng phải sanh ra từ nơi ái dục, sanh ra từ nơi nữ căn người mẹ (chỗ biểu thị tột cùng của ái dục), điều này cũng dễ hiểu mà thôi.

Còn chư Phật, Bồ-tát thì khác, các Ngài đã đoạn sạch vô minh và ái dục, do đó các Ngài không còn bị sự sanh tử luân hồi chi phối. Do vì tình thương và đại nguyện cứu độ chúng sanh mà các Ngài thị hiện vào cõi ngũ trược ác thế này. Vì thế các Ngài không sanh ra từ nơi nữ căn của người mẹ, mà sanh ra từ hông bên hữu, là nơi sạch sẽ thanh tịnh, không vướng chút bợn nhơ ái dục. Sanh ra từ hông bên hữu, sanh không có vết sanh nói lên ý nghĩa Bồ-tát sanh ra từ chỗ vô sanh, Bồ-tát không còn bị sanh tử luân hồi chi phối nữa, Ngài là bậc đã thực chứng vô sanh.

Bồ-tát sanh ra từ hông bên hữu còn nói lên một ý nghĩa nữa, là Bồ-tát tùy thuận tâm mong cầu của thế gian mà sanh. Bên hữu là chiều thuận, phù hợp với vòng quay của trái đất. Bồ-tát sanh từ hông bên hữu người mẹ, ý nói chúng sanh hiện đang khao khát có một vị đạo sư toàn năng toàn trí xuất hiện để làm hướng đạo cho mọi người. Ứng theo tâm nguyện mong cầu của chúng sanh, đức Phật đã xuất hiện để tuyên thuyết giáo lý vô ngã, đáp ứng nhu cầu thăng hoa chính đáng cho con người.

d. Ý nghĩa Đế Thích rãi hoa sen trên lối đi của Bồ-tát.

Khi Bồ-tát mới đản sanh, trời Đế Thích liền đem hoa sen rãi trên lối đi của Ngài. Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi không ngoài hai nguyên do sau:

Thứ nhất, sở dĩ Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát lúc Ngài đản sanh, là do lời phát nguyện trong tiền kiếp quá khứ của Đế Thích đối với Bồ-tát. Trong kiếp quá khứ Đế Thích đã từng có lời thệ nguyện: “Bất cứ vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ nào lúc mới đản sanh, tôi nguyện sẽ đem hoa sen rãi trên lối đi của các Ngài”.

Lý do thứ hai, là Bồ-tát muốn hàng phục tâm kiêu ngạo của các vị trời, rồng, quỷ thần, A tu la... bởi xưa nay các chúng sanh này đều tôn sùng Đế Thích. Nhân sự kiện Đế Thích cung kính đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát, họ sẽ tự nghĩ rằng: “Ngay cả trời Đế Thích, vị chúa tể mà chúng ta hằng tôn sùng, còn sanh tâm cung kính đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát, hà huống gì là bọn đệ tử chúng ta”. Do tâm suy nghĩ như vậy, lòng kiêu ngạo, tự đắc tự mãn của họ sẽ tiêu trừ, phát tâm quy hướng với Phật.

e. Ý nghĩa Bồ-tát chân đi trên hoa sen.

Sau khi Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi, Bồ-tát chân đi trên hoa sen bảy bước. Bồ-tát chân đi trên hoa sen nói lên ý nghĩa gì? Như chúng ta biết, hoa sen là một loài hoa rất tôn quý tại Ấn Độ. Hoa sen có các đặc tính mà các loài hoa khác không thể có, như hương tinh khiết, cánh hoa mềm mại, ai thấy cũng yêu thích... nhưng điểm quý hơn cả, hoa sen là loài hoa mọc giữa bùn nhơ nước đục nhưng không bị vấy nhiễm, hôi tanh mùi bùn.

Bồ-tát khi mới sanh ra chân đi trên hoa sen, nói lên ý nghĩa Bồ-tát thị hiện vào cuộc đời đầy đen tối nhưng không bị ngũ dục lạc cuộc đời làm vấy nhiễm. Sự trong sáng của Bồ-tát ví như hoa sen, tuy mọc từ bùn nhơ nước đục nhưng không vướng chút bợn nhơ.

Bồ-tát tuy sống giữa đám người ác độc, thù hằn, hãm hại... nhưng Ngài đã vươn lên trên tất cả với tâm hồn ngập tràn thánh thiện, làm cho những tâm hồn cấu uế của chúng sanh được hoán chuyển, chẳng khác nào hoa sen mọc giữa bùn nhơ nước đục, tỏa ngát hương thơm khắp hồ. Sự hiện hữu của các Ngài giữa cuộc đời là sự hiện hữu của hương và sắc làm thăng hoa sự sống. Hương ấy là hương đạo đức và sắc ấy là sắc trí tuệ, khiến Bồ-tát tỏa ngát và rực rỡ giữa vũng bùn lầy tội lỗi của vạn loại chúng sanh.

f. Ý nghĩa Bồ-tát chân đi bảy bước.

Bồ-tát khi mới sanh ra, chân đi bảy bước. Hình ảnh Bồ-tát đi bảy bước không phải là vô nhân hay tự nhiên, mà đều có mật ý trong việc đi bảy bước. Bồ-tát chân đi bảy bước không ngoài ba ý nghĩa sau:

- Bồ-tát chân đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ nhất, Ngài là chúng sanh duy nhất trong tam giới, đã thoát ly sáu đạo luân hồi.
Số bảy nói lên ý nghĩa, Ngài là bậc đã vượt thoát sáu cảnh giới luân hồi. Sáu cảnh giới luân hồi là thiên, nhân, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh.
- Bồ-tát chân đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ hai, Ngài là vị Phật thứ bảy xuất hiện ở thế gian.
Bảy vị Phật gồm ba vị thuộc Quá khứ trang nghiêm kiếp là Tỳ-bà-thi Phật, Thi-khí Phật và Tỳ-xá-phù Phật; bốn vị thuộc Hiện tại hiền kiếp là Câu-lưu-tôn Phật, Câu-na-hàm mâu-ni Phật, Ca-diếp Phật và Ngài Thích-ca mâu-ni Phật.
- Bồ-tát đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ ba, giáo pháp của Ngài trong mai hậu sẽ lan tràn khắp năm châu và bốn bể.

Số bảy là số bao quát cả không gian lẫn thời gian. Không gian không ra ngoài bốn hướng là Đông, Tây, Nam, Bắc; thời gian không ra ngoài ba thì quá khứ, hiện tại và vị lai.

g. Ý nghĩa mỗi bước chân.

Theo kinh Ưu bà di tịnh hạnh, Bồ-tát khi mới sanh ra đã đi bảy bước và nhìn về sáu phương. Ý nghĩa của mỗi bước chân của Ngài nhìn về một phương nhằm nói lên ý nghĩa gì?

- Bồ-tát đi bước thứ nhất và nhìn về phương Đông, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, Ngài là bậc đạo sư tối thượng xuất hiện trong đời này.
- Bồ-tát đi bước thứ hai nhìn về phương Nam, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài như đám ruộng phước mát mẻ đến với tất cả chúng sanh.
- Bồ-tát đi bước thứ ba nhìn về phương Tây, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, đây là thân cuối cùng của Ngài trong vòng sanh tử luân hồi.
- Bồ-tát đi bước thứ tư nhìn về phương Bắc, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, Ngài sẽ đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề trong đời này.
- Bồ-tát đi bước thứ năm nhìn xuống phương dưới, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài trong cuộc đời là để hàng phục tất cả các loài ma.
- Bồ-tát đi bước thứ sáu và nhìn lên phương trên, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài trong cuộc đời này là để làm chỗ quy y cho tất cả trời người.
- Bồ-tát đi bước thứ bảy, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói lời rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất, chỉ có một mình ta là tôn quý nhất).

h. Ý nghĩa câu kệ đản sanh.

Trong câu kệ Bồ-tát tuyên thuyết lúc Ngài đản sanh, ý Ngài muốn khẳng định cho tất cả chúng sanh khắp trong tam giới biết rằng, Ngài là bậc thù thắng nhất, bậc siêu tuyệt nhất, bậc tôn quý nhất ở thế gian, không có bất cứ một chúng sanh nào trong thế gian, dù phạm thiên, ma vương... có thể sánh phước đức và trí tuệ bằng Ngài.

Lại theo quan điểm kinh Đại Bảo Tích, Bồ-tát Hộ Minh khi mới đản sanh, tuyên bố lời này, ngoài việc Ngài tuyên cáo cho tất cả chúng sanh biết rằng Ngài là bậc tôn quý nhất của thế gian, còn là lời biểu lộ tâm đại từ bi, thương tưởng các vị như Phạm thiên, Chư thiên, Ma vương, Quỷ thần, A tu la… tức các vị giáo chủ đương thời. Bồ-tát muốn họ dứt trừ tâm kiêu căng, ngã mạn để thoát ly cảnh giới khổ đau đọa lạc. Đồng thời cũng là lời báo hiệu cho tất cả chúng sanh ở tam giới biết rằng Ngài, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện ở thế gian.

k. Ý nghĩa Long vương đem hai giòng nước ấm và mát đến tắm cho Bồ-tát.

Hình ảnh Long vương từ trên hư không phun hai làn nước ấm và mát, đến tắm cho Bồ-tát lúc đản sanh nhằm nói lên ý nghĩa gì? Hai luồng nước ấm và mát biểu trưng cho mọi nghịch duyên và thuận duyên mà trong cuộc đời hoằng hóa sau này Ngài gặp phải. Và trước mọi sóng gió của cuộc đời, Ngài đều hoàn toàn bất động, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị nghịch duyên tác động.

Nhìn lại cuộc đời tám mươi năm trụ thế của đức Phật, chúng ta sẽ thấy rõ được điều đó. Đức Phật đã được mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội từ vua chí dân hết lòng sùng kính ngưỡng mộ… Tuy nhiên, bên cạnh những người cung kính ngưỡng mộ, vẫn còn không biết bao nhiêu người thù hằn, chống đối, chửi mắng, dùng đủ mọi hình thức mưu toan phá hại Ngài.

Giữa hai hoàn cảnh thuận duyên nghịch duyên, hay sự vinh quang tuyệt vời cùng những sự khinh chê tột cùng mà xã hội ban tặng cho Ngài, ám chỉ qua hai làn nước nóng và mát mà Long Vương đem tắm cho Bồ-tát lúc mới đản sanh. Giữa hai hoàn cảnh ấy, đức Phật vẫn bình thản, không bị hoàn cảnh lay động, chi phối… Ngài không vì sự cung kính, ngưỡng mộ, lễ bái mà sanh tâm kiêu căng, ngã mạn, hống hách. Cũng như không vì sự khinh chê, chửi mắng mà sanh tâm thối thất, phẫn chí, đúng như Thánh hiệu của Ngài được thế gian xưng tụng “Năng Nhân Tịch Mặc”.

l. Ý nghĩa hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày rồi băng hà.

Theo lịch sử ghi lại, sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, hoàng hậu Ma-gia băng hà và sanh lên cung trời Đao-lợi? Với sự kiện, người mẹ sau khi sanh con một thời gian quá ngắn ngủi đã mất, thông thường theo quan niệm của thế gian cho đó là điềm dữ. Và có đôi người còn nghĩ rằng Bồ-tát sanh ra đã đem điềm họa tới cho hoàng hậu.

Vấn đề này, chúng ta đừng nên đem tâm niệm kiết hung theo thế gian để phán xét. Sự kiện hoàng hậu băng hà sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, không phải do điềm họa bởi hoàng hậu sanh Bồ-tát, mà vì nhân duyên thọ mạng của hoàng hậu chỉ có thời gian từng ấy mà thôi.

Trong kinh Đại Bảo Tích, có ghi lại nguyên nhân hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, băng hà sanh lên cung trời Đao-lợi. Nguyên nhân không phải lỗi của Bồ-tát, mà do thọ mạng của hoàng hậu đến giai đoạn này đã chấm dứt… Lúc bấy giờ, Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất, dùng Phật nhãn quan sát, thấy thọ mạng hoàng hậu Ma-gia chỉ còn mười tháng bảy ngày, Bồ-tát dùng phương tiện biết thọ mạng của hoàng hậu sắp hết nên Ngài đến thọ sanh. Vì thế hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày thì băng hà.

C. KẾT LUẬN.

Với thần lực bất khả tư nghì, nhưng Bồ-tát không thẳng xuống nhân gian thành Phật, mà thị hiện vào thai mẹ trước khi thành Phật, là vì Bồ-tát muốn khích lệ hàng phàm phu tiến tu đạo nghiệp ngõ hầu thoát ly sanh già bệnh chết, vì muốn ngăn ngừa tà thuyết của ngoại đạo sau này dựng lên có hại cho Phật giáo, vì muốn dẫn dắt hàng Thích chủng thân thuộc đi vào chánh pháp, vì muốn lưu thân giới cho chúng sanh cúng dường, để tô bồi cho chúng sanh phước điền… Phải chăng những sự thị hiện vi diệu đó của Ngài, cũng không ngoài trí tuệ vô biên và tình thương vô hạn của một vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ đầy lòng lân mẫn chúng hữu tình; tình thương không phân biệt đối tượng, như trong Di đà sớ sao nói “Phật ái chúng sanh, như phụ mẫu ái tử” (Phật thương chúng sanh, chẳng khác nào như cha mẹ thương con). ❑

Nguyên Liên

( sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết