Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 2

Go down

PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 2 Empty PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 2

Bài gửi by Admin 09/11/12, 10:18 am



VẤN: Kính Bạch Sư. Con có nhiều điều chưa hiểu về chú Đại Bi. Xin Sư hoan hỉ khai tâm giúp con :
- Chú Đại Bi do mẹ Quan Thế Âm nói ra để cứu độ chúng sanh, nhưng vì sao sau khi trì chú Đại Bi xong thì lại niệm "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ?" mà không niệm "Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát" ?
- Hằng đêm, con thường trì chú đại bi, niệm Phật… trước bàn thờ mẹ Quan Thế Âm. Trong nhà con có con cái đang học bài. Nếu con trì chú ra tiếng thì sợ ảnh hưởng đến các con đang học. Hoặc những lúc đi xe, con muốn trì chú. Vậy thay vì trì chú ra tiếng thì con có thể trì thầm trong tâm được không ?
- Con của con có hỏi ; "Mẹ ơi, trước khi con học bài, con đọc chú Đại Bi xin mẹ Quan Âm gia hộ cho con học giỏi có được không mẹ ?" . Con không dám trả lời vì sợ nói sai. Vậy con sẽ trả lời với cháu thế nào thưa Thầy ?
ĐÁP: Thần chú Đại Bi được phát xuất từ kim khẩu của Bồ tát Quán Thế Âm. Thường được gọi là thần chú, linh chú. Bởi vì ai tin và thành tâm hành trì thần chú nầy thì bản thân người ấy đã có đủ Đại bi tâm. Thần chú nầy do Bồ tát Quán Thế Âm nói ra và được chư Phật ấn chứng mà gần nhất là đức Thích Ca Như Lai Từ Phụ của chúng ta nghe và đức Thích Ca cũng ấn chứng. Chú Đại Bi có nhiều tên khác nhau như:
Quảng đại Viên mãn, Vô ngại Đại bi, Cứu khổ Đà la ni, Diên thọ Đà la ni, Mãn nguyện Đà la ni, Diệt ác thú Đà la ni, Phá ác nghiệp chướng Đà la ni, Tối siêu thượng Đà la ni,..
Những danh hiệu trên đây, đức Phật đã trực tiếp hướng dẫn cho ngài A Nan và Đại chúng biết. Nguyên Thần chú nầy tên rất dài: “Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát Quảng đại Viên mãn Vô ngại Đại bi tâm Đà la ni thần chú”. Bài chú gồm có 84 câu.
Căn cứ vào sự ghi chép trong kinh điển (kinh Đại bi tâm Đà La Ni, bản dịch Thích Thiền Tâm), lúc ấy Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nghe đức Phật hướng dẫn, Ngài liền phát nguyện trì tụng liên tục bài chú và ngài phát đại nguyện: Cầu cho kiếp sau phổ độ hết thảy chúng sanh đều được an lạc và mong cho Ngài có được ngàn cánh tay, ngàn con mắt để cứu vớt muôn loài.
Sau khi phát nguyện xong, phút chốc, toàn thân ngài đã đầy đủ cả ngàn tay, ngàn mắt; tất cả mười phương đều chấn động và mưa hoa cúng dường. Chư Phật cũng phóng hào quang rực rỡ, soi khắp đó đây. Từ đó, Thần chú nầy mới có nhiều danh hiệu như vậy.
Đức Phật bảo ngài An Nan rằng: Kết quả có được của Bồ tát Quán Thế Âm là do sự phát đại thệ nguyện vì chúng sanh.
Những ai phát nguyện nhất tâm trì tụng thì sẽ được tiêu trừ tội chướng trong đời nầy và kiếp vị lai. Trong giây phút lâm chung, nếu mình tự niệm hoặc được thiện tín thành tâm hộ niệm thì sẽ được vãng sanh hoặc đến quốc độ mà mình muốn đến. Có đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ tát thùy từ tiếp dẫn.
...
Tụng hết bài thần chú Đại bi thì niệm Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng được, không có gì phải trở ngại. Tuy nhiên ở Việt Nam không có ai hướng dẫn tụng niệm như thế.
Thường thì trước khi đến bàn Phật phát nguyện tụng thần chú Đại bi, người Phật tử đọc bài:

Kính lạy Quan Âm chú đại bi
Sức nguyện rộng sâu thân tướng đẹp
Ngàn mắt quang minh khắp chiếu soi
Ngàn tay trang nghiêm khắp nâng đỡ
Nơi tâm vô vi khởi lòng bi
Trong thể chân thật tuyên lời mật
Hay cho đầy đủ những mong cầu
Hay khiến dứt trừ nhiều tội nghiệp
Thiên long các thánh đều từ hộ
Muôn ngàn tam muội đã huân tu
Thân thọ trì là quang minh tràng
Tâm thọ trì là thần thông tạng
Rữa sạch trần lao khơi bể nguyện
Mở môn phương tiện đến bồ đề
Nay con khen ngợi thệ quy y
Nguyện chổ mong cầu được thành tựu

Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
Tiếp theo tụng thần chú Đại bi – Khi dứt bài thần chú Đại bi, thì niệm:
Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần, tiếp tụng bài kinh Bát nhã, niệm Phật, hồi hướng, tự quy y, lui ra khỏi bàn Phật) – Hết.
...
* Thường thì thần chú Đại bi được các Phật tử cư gia đến trước bàn thờ Phật tụng từ 3 biến đến 21 biến – tụng lớn tiếng (cao thinh trì), không có chuông mõ cũng được – nếu không có điều kiện thì niệm nhép miệng (kim cang trì), hay niệm thầm (niệm bằng tâm ý gọi là mặc trì), chủ yếu làm sao giữ thân trang nghiêm, khẩu đọc chú, ý không tán loạn để trì tụng thần chú sẽ đạt đến chánh niệm.
...
* Niệm chú là niệm chú, đi xe là đi xe, đó là 2 công việc - vừa niệm chú vừa đi xe là tạp niệm – không có lợi trong việc trì tụng thần chú đại bi. Tốt hơn hết là lái xe thì cứ giữ niệm lái xe tức là chánh niệm – tụng chú thì giữ niệm tụng chú đó là chánh niệm... như thế mới gọi là niệm chú Đại bi.
...
* Trẻ con niệm thần chú Đại bi rất tốt, nên dạy cho các cháu đến bàn Phật cùng với bố mẹ để cùng trì niệm, nhưng chỉ niệm từ 01 bài đến 03 bài là cùng. Ngoài giờ trì niệm, đến giờ học thì để cho các cháu học, dạy cho các cháu làm việc theo thời dụng biểu gia đình. Mỗi lần làm một việc, không nên cho cháu làm một lúc hai việc sẽ bị phân tâm, cháu sẽ bị rối mù lên và tâm loạn động, không còn thông minh nữa!

II . VẤN: Chồng con có hỏi : "Lễ cầu siêu cho người quá cố có ý nghĩa rất hay. Nhưng nếu con cháu người quá cố quá nghèo, không thể tổ chức lễ cầu siêu được thì sẽ làm gì để có công đức ngang hàng với lễ cầu siêu, nhằm đem lại lợi ích cho người quá cố ?" Vậy ý nghĩa của lễ cầu siêu là gì và cầu siêu như thế nào là đúng nhất để tròn đầy ý nghĩa và lợi ích cho cả người còn sống và người đã quá vãng? Nếu gia đình nghèo khó không có tiền để làm lễ cầu siêu, cúng dường trai tăng, mời thầy về lập đàn chẩn tế hoặc tụng kinh siêu độ thì nên làm như thế nào? Xin Sư hoan hỉ giúp con.
ĐÁP: Nghi lễ là một bộ phận quan trọng và thiết yếu trong sự tồn tại và phát triển của một Tôn giáo. Vì vậy, Phật giáo Ấn độ từ khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã biết vận dụng nghi lễ rườm rà của Bà La Môn giáo, thành lễ nghi của Phật giáo nhưng rất đơn giản, chủ yếu là nêu cao ý nghĩa cuộc sống chứ không đặt nặng về cầu nguyện. Đến khi Phật giáo truyền đến các nước, thì không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh qua việc giảng kinh thuyết pháp mà còn hòa mình vào phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, để giúp quần chúng trong những sinh hoạt xã hội như hôn quan tế lễ. Cho nên, bộ phận Nghi lễ Phật giáo được hình thành. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào văn hoá bản địa mà nghi lễ mỗi nước, mỗi vùng, miền có một sắc thái riêng biệt.
Việt Nam là một đất nước có một nền văn hoá tín ngưỡng rất phong phú từ ngàn xưa, nên Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đã sớm hòa vào nếp sống văn hoá tín ngưỡng của nước ta mà hình thành những Nghi lễ Phật giáo rất đặc trưng cho từng vùng, miền. Sự phát triển rộng rãi của Phật giáo Việt Nam ngày nay, có sự góp phần không nhỏ của yếu tố Nghi lễ Phật giáo. Chúng ta tìm lại ý nghĩa của danh từ “Nghi Lễ” là gì?
- Nghi: Là dáng, mẫu nghi, nghi lễ, khuôn phép…
- Lễ: Là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ cung kính… (trích tham luận hội thảo hoằng pháp 2011, tại Bình Dương).
Nói đến tôn giáo là nói đến lễ nghi khuôn phép, đạo đức, là thước đo nhân cách con người. Người có lễ là người hiền, người có nghi là người quý, sự giao lưu giữa người và người, sự cảm niệm giữa thế giới hữu hình và vô hình, sự tôn vinh một đấng cứu thế hay thần linh đều có qua lễ nghi khuôn phép, đó cũng chính là đạo đức cơ bản của con người trên hành tinh.
Đã thọ ân, làm con có cha mẹ, có ông bà, cửu huyền thất tổ phải trả ân, ân sanh thành là trọng đại.
Trả ân không phải chỉ có cúng kiến, có nhiều cách trả ân cho ông bà, cha mẹ hiện đời, ông bà cha mẹ nhiều đời:
• Những vị có phương tiện tiền bạc thì cúng kính trai tăng, chẩn tế cầu siêu.
• Có những vị rước quý Sư đến tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho người đã qua.
• Hoặc tự mình tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho cửu huyền thất tổ.
• Tham gia vào các đạo tràng tụng kinh niệm Phật, hồi hướng cho ông bà cha mẹ.
• Hằng đêm đến chùa tụng kinh niệm Phật cùng với chư Tăng Ni để hồi hướng...
Việc cúng kính cầu siêu không chỉ bằng vật chất, mà phải bằng cả trái tim của người con Phật phụng sự cha mẹ ông bà.

III . VẤN: Con năm nay 25 tuổi và bạn trai của con 28 tuổi, cả hai đều có nghề nghiệp ổn định. Chúng con dự định năm sau sẽ xin phép gia đình để được tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, chúng con đang gặp phải rào cản tôn giáo. Con là một Phật tử thuần hành, nguyện trọn đời trọn kiếp theo Phật còn bạn trai con là một người theo đạo Thiên Chúa, là một con chiên rất ngoan đạo. Nghe theo lời Phật dạy nên con tôn trọng tôn giáo của bạn trai con và gia đình bạn trai miễn sao biết sống hướng thiện. Tuy nhiên, cả bạn trai và gia đình bạn trai muốn con phải cải đạo nếu muốn lấy nhau. Mẹ của bạn trai con nói rằng con sẽ không thể là một người mẹ tốt nếu con lấy chồng mà không phải là một người Thiên Chúa Giáo và lấy chồng thì phải theo chồng. Ngược lại, gia đình con phản đối việc cải đạo và ba con tuyên bố nếu gia đình bạn trai bắt cải đạo để cưới là hai đứa nên chia tay để tránh nhiều việc đau khổ sau này.
Chồng con là con trai trưởng trong nhà, dù rất yêu thương con và cũng thường xuyên rào đón chuyện cải đạo của con. Gia đình bạn trai con ra áp lực nếu con không chịu cải đạo, không làm lễ thánh và học kinh thánh thì sẽ không được làm dâu con trong gia đình. Con đã có một buổi nói chuyện rất gay gắt với bạn trai con về chuyện này. Con đã hỏi bạn trai con là thật sự anh ấy thương con hay mang tôn giáo ra làm khó con, tại sao con tôn trọng tôn giáo anh ấy mà anh ấy lại không. Con đã hỏi bạn trai con rằng anh biết gì về Phật Giáo chưa mà dám xúc phạm con và tôn giáo của con như vậy? Con không hề yêu cầu anh cải đạo và cũng không hề mong anh cải đạo nhưng tại sao lại ép buộc con. Anh bảo vì còn áp lực gia đình và anh cũng rất khổ tâm.
Con đã đưa ra nhiều bằng chứng cho anh thấy rất nhiều người tự hành hạ họ rồi sinh ra đau khổ vì không tôn trọng tôn giáo quan điểm của nhau để dẫn đến cùng sống trong một nhà mà đồng sàn dị mộng nhưng anh không nghe và năn nỉ con thương anh thì cải đạo. Con mệt mỏi và chán chường. Con muốn chia tay anh nhưng lòng vẫn còn thương anh rất nhiều. Tuy nhiên, con không thể từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình được. Xin Sư cho con lời khuyên con nên làm như thế nào cho đúng ạ.
ĐÁP: Bạn chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời. Xin nói về tình thương yêu của Phật giáo:

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ.
Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc.
Không hiểu, không thể thương yêu đích thực.
Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.
"Từ" là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc mỗi ngày.
"Bi" là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.
Như vậy, "từ bi" theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. "Từ bi" trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải "tu tập". Cần nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.
"Hỉ" là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.
"Xả" là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.
Này người bạn trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có "từ bi hỉ xả" không? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng: "Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?..." Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ "từ bi hỉ xả"?
Từ cũng là tình yêu thương; Bi là nghĩ đến người khác; Hỷ làm vui cho người mình thương yêu và Xả là không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào để tình thương yêu dẫn đến hôn nhân thật sự "hạnh phúc".
Theo tinh thần Phật giáo thì việc tín ngưỡng là vô biên giới, không co cụm trong tín điều xơ cứng. Tình yêu thương giữa con người và con người cũng vô biên. Cụ thể các bạn đã vượt biên giới rào cản tôn giáo để thương yêu và tiến đến hôn nhân.
Thật sự các Bạn thương yêu nhau, thì không nên phân biệt tôn giáo nầy tôn giáo khác, Phật và Chúa là vô lượng, Chúa và Phật là vô biên, vị tha vô ngã vì thế nên đạo đức, giáo lý của các Ngài được phổ cập rộng rãi trên thế giới ngày nay.
Tại Quan Âm Tu Viện, Đồng Nai - Việt Nam có rất nhiều nam nữ Phật tử lập gia đình với người Thiên Chúa, đến xin Sư cho phép thương yêu nhau và tiến đến hôn nhân, trước khi đám cưới phải học một số phép tắc trong Kinh Thánh của Thiên Chúa, thời gian 3 tháng.
Sư bảo: cho phép con được lập gia đình với người khác Đạo – Nhiều người ngồi xung quanh nghe Sư nói như thế phải giựt mình, tại sao Sư cho phép như thế, sẽ mất một tín đồ của đạo Phật?
Sư bảo: không mất, đã chẳng những không mất, mà còn làm sáng danh giáo pháp Đức Phật, vì Bạn đang là những người truyền bá giáo lý Phật – Tại sao thế - giáo lý Phật là từ bi hỷ xả, mang lại hạnh phúc an vui cho con người – Cho phép Bạn lập gia đình với người khác Đạo là thực hiện lý tưởng giáo lý Phật: "mang lại hạnh phúc an vui cho con người" đó – Cấm không cho Bạn lập gia đình với người khác Đạo, hoặc đòi hỏi có điều kiện để được cưới nhau thì sẽ làm cho hôn nhân tan rã, hôn nhân tan rã thì mọi người khổ đau... như thế giáo pháp Đức Phật đã bị hạn chế rồi, phải không các Bạn ???
Nhân định riêng: Đạo Phật là vô lượng, hôn nhân cũng vô biên, hôn nhân có thực sự đến với các Bạn hay không là do các Bạn... Đứng về góc độ hôn nhân ngày nay, chúng ta có thể tạm chia thành 4 phần: 25% dành cho Cha Mẹ, 25% dành cho các ý tưởng tiến bộ và cho tín ngưỡng tôn giáo; còn lại 50% dành cho các bạn, có cân đối không?
Hôn nhân trên thế giới và Việt Nam ngày nay 50% ý tưởng thanh niên nam nữ đã vượt rào cản cha mẹ, ông bà, kể cả tôn giáo – nguyên nhân loài người tiến bộ, dân trí cao, không còn bị buộc ràng bởi bài học thuộc lòng :"tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử" từ trước công nguyên của Khổng Phu Tử bên Trung Hoa, phải không các Bạn?
Chúc hôn nhân của các Bạn không gặp trở ngại và thành công.

IV . VẤN: Gia đình con dù mang tiếng là gia đình theo Phật Giáo nhưng hầu như chẳng ai biết gì về Phật giáo, chỉ biết quỳ lạy van xin để được độ trì là chính. Ngoài ra, gia đình con, nhất là má con và các dì con rất là mê tín. Trong nhà ngoài thờ Phật còn thờ Quan Công, Thần Tài, Thổ Địa còn đám giỗ thì vẫn sát sanh cúng mặn như thường. Ba con còn bảo hồi xưa ông bà còn sống chỉ biết có ăn mặn nên giờ chết phải cúng mặn cho ông bà. Con có tìm hiểu về Phật pháp và biết như thế là không đúng nhưng không tài nào khuyên gia đình con được. Còn việc mê tín dị đoan của má và các dì con thì phải gọi là kinh khủng. Làm gì mọi người cũng đi xem bói, đi hầu đồng, đi nghe Mẹ phán, mướn thầy về cúng linh đình khi có vấn đề gì xảy ra. Mỗi khi con lên tiếng còn bị la mắng không biết thương cha thương mẹ, bất hiếu, trứng mà đòi khôn hơn vịt. Con thật sự rất chán nản nhưng không biết nên khuyên gia đình như thế nào và nên làm gì để giúp gia đình hiểu Phật Pháp đúng đắn. Xin Sư thương tình chỉ dạy cho con được biết ạ
ĐÁP: Vào thập niên 1950 về trước và xa hơn nữa, tại Việt Nam cũng thế thôi, bấy giờ đại đa số người tín ngưỡng Đức Phật như là đấng Thần Phật tối cao, thần linh, đấng vạn năng có quyền năng phép thuật ban phước giáng họa cho con người. Thần linh bảo giàu thì người đó giàu, bảo nghèo thì người đó nghèo v.v... Việc nầy xảy ra cách đây trên 25 thế kỷ trước khi Đức Phật ra đời và chính Đức Phật mang bức thông điệp đến với chúng ta: "hãy tự cứu lấy mình", không ai có quyền năng định đoạt cho ai cả.
Các tín ngưỡng thần Phật, thần thánh, Quan công, thần tài, thổ địa, bà chúa Tiên, chúa Ngọc, bà Thánh Anh, các Bà ngũ hành... thuộc tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng địa phương, tín ngưỡng cục bộ, phổ cập trong quảng đại quần chúng, ngày nay không còn nữa khi các Bạn quy y tam bảo, thọ trì ngũ giới cấm.
Ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Việt Nam, hiện nay còn một ít bộ phận tín ngưỡng thờ thần tài thổ địa... và một số tín ngưỡng dân gian khác do công việc làm ăn và cục bộ địa phương, như lập miễu thờ năm bà ngũ hành, miễu thành hoàng, miễu thờ Ông Quan công (Việt Nam thờ Quan Công, Trung Quốc thờ Trần Hưng Đạo cũng thế thôi), miễu thờ Tiên Sư (ông thầy giáo đầu tiên của dân làng). Đây là tín ngưỡng theo tập quán văn hóa, truyền thống làng quê Việt Nam, không bỏ được thì vẫn tín ngưỡng, nhưng trách nhiệm của người Phật tử là khuyến tấn mọi người không tập hợp thành tổ chức mê tín...
Còn một số tín ngưỡng đáng sợ ngày nay lan tràn trên thế giới, có tổ chức như: suy tôn vô tội vạ một số người làm giáo chủ phán quyết cuộc đời, xây trở con người phải theo họ, ...đồng bóng, mẫu mẹ nhập xác, ông cha nhập hồn, Quan công, thần linh mượn xác phàm ứng khẩu, tiên tri, bốc phệ, xem bói xủ quẻ định đoạt giàu nghèo cho người phàm mắt thịt... một số người bị xe đụng không chết, chó điên cắn không chết, bệnh giật dờ giật dưỡng, chết đi sống lại, bị mổ mất bộ phận trong thân, huỳnh môn bóng uế... rồi tự xưng là có thần linh nhập, Phật nhập, bồ tát nhập, tiên thánh nhập bắt buộc mọi người phải theo: theo thì sống, không theo thì chết, cho phép làm ăn, ăn nên làm ra, nhiều người mê si quỳ mợp kính phục sát đất, họ quên mất mình mới chính là người chủ của chính mình, chủ môi trường và xã hội. Những sự tín ngưỡng trên lạc hậu lắm rồi, người Phật tử tiến bộ không nên tin vào những bóng dáng mờ ảo, không thực tế đó nữa.
Riêng gia đình bạn, thờ Quan công, thần tài, thổ địa không có gì trở ngại. Việc đi hầu đồng, mẹ phán, thầy cúng... Đức Phật dạy: "Nhứt thiết hữu vi pháp – Như mộng huyển bào ảnh – Như lộ diệc như điện – Ưng tác như thị quán", ngày nào đó các pháp trên cũng đi vào quên lãng thôi các Bạn ạ!
Việc ăn chay:
Chư tổ có phân định việc người Phật tử ăn chay mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày, ăn chay rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, nhẫn đến ăn trường chay. Việc ăn chay là do phát tâm, không ai có thể bắt buộc người kia phải ăn chay, nhưng người Phật tử được phép nói những điều hay lẽ phải để sách tấn mọi người nên ăn chay.
Ngày nay sự tiến bộ văn minh, của khoa học làm lợi lạc cho con người, bên cạnh cũng làm tổn hại con người không ít, những thức ăn chế biến từ động vật không vệ sinh làm cho mọi người từ bỏ những chất hôi tanh nhơ bẩn. Các bệnh cúm gà, H5-N1, lỡ mồm long móng, bò điên... làm cho mọi người dù không phải là Phật tử cũng giác ngộ nhiều lắm rồi, họ tự giác tự ngộ mà ăn các loại thực vật, không cần sách tấn khuyên giải chi cả.
Một ngày nào đó, mọi người phải trở về với chính mình, nạp năng lượng sạch, tạo môi trường tinh khiết, ăn chay cũng không muộn... các bạn yên tâm.

( sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết