Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC

Go down

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC Empty VẤN ĐÁP PHẬT HỌC

Bài gửi by Admin 09/11/12, 10:29 am



CÂU 1:
Con đọc trong kinh có nội dung sau: "Tương lai của cõi Tịnh Độ khi Đức Phật A Di Đà diệt độ thì sẽ do Bồ Tát Quán Thế Âm giáo hóa". Đức Phật nhập niết bàn: với suy nghĩ đơn giản của một phàm phu như con là chết, là từ bỏ thân phàm phu này. Vậy khi đã là thân Phật thì diệt độ là thế nào vì đã là thân Phật thì không sanh không diệt, vượt thoát luân hồi sao còn diệt độ?

ĐÁP:
"Diệt độ" là cụm từ Phật học "hóa độ và tịch diệt", như Đức Phật thị hiện trong cõi Ta bà hóa độ chúng sanh, sanh vào cung vua Tịnh Phạn, xứ Ca tỳ la vệ. Ngài thị hiện có sinh ra, lớn lên trốn hoàng cung xuất gia tu thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, rồi giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm dài cho đến khi 80 tuổi tịch diệt nhập niết bàn, gọi là "diệt độ".
Trong hành trình giáo hóa, Đức Phật Thích Ca có những sự thọ ký, như phó thác cho Ngài Di Lặc, trong tương lai khoãng 16.800.000 năm sẽ thành Phật dưới cội cây Long Hoa, nhân hạnh của ngài Di Lặc cũng giống như Phật Thích Ca (Phật học tinh yếu của Thích Thiền Tâm), tiếp đến trước khi nhập Niết bàn, Đức Thích Ca phó thác cho Ngài Đại Ca Diếp (cùng thời gian với Đức Phật) nối thừa giáo pháp của Ngài (Phật tổ thuyền uyển kế đăng lục) đến vị Tổ sư thứ 28 là Bồ đề Đạt ma (470-543). Dòng pháp được truyền sang Trung quốc đến Lục tổ Huệ Năng (638-713), thì không còn thọ ký phó thác nữa. Lục tổ Huệ Năng sau khi ngài viên tịch, thì tông chỉ của ngũ tổ Hoằng Nhẫn được chia thành hai dòng (nam Năng bắc Tú), nghĩa là pháp của Tổ sư Hoằng Nhẫn được truyền về phương Nam Trung quốc là thuộc về Lục Tổ Huệ Năng, truyền về phương Bắc của Trung quốc thuộc về ngài Thiền sư Thần Tú .
Từ đó đến nay chư vị Tổ sư không còn lập lại sự truyền thừa bằng cách đem y bát giáo pháp của Đức Phật truyền cho "một người" nữa; mà được phân ra nhiều phương tiện pháp môn tu hành, sanh sanh hóa hóa mà truyền giáo "truyền đạt cho nhiều người" và cụ thể giúp cho con người tiến hóa vượt qua mọi thử thách theo dòng sinh mệnh của thời gian.
Hiện nay, Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ của cõi Ta Bà, vì ở cõi Ta Bà chúng sanh có tham sân si, có buồn vui khổ giận, có sống có chết, có luân hồi quả báo...Đức Phật vì muốn độ chúng sanh trong cõi Ta bà nên thị hiện có sanh ra (đản sanh) có chết (nhập Niết bàn) có sự thọ ký (giao việc cho người sau kế thừa) theo lịch trình tiến hóa của chúng sanh trong cõi Ta Bà gọi là "diệt độ".
Trên đây là nói về nhân hạnh Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nói về nhân hạnh Bồ tát Quán Thế Âm
...sau khi A Di Đà Như Lai nhập Niết Bàn rồi, thì cõi Cực Lạc lại đổi tên là: “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”, y báo càng tốt đẹp hơn trước đến bội phần. Chừng đó, đương lúc ban đêm, độ trong giây phút, có hiện ra đủ thứ trang nghiêm, thì ngươi sẽ ngồi trên tòa Kim Cang ở dưới cây Bồ Đề mà chứng ngôi Chánh Giác hiệu là: “Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”, phước tròn hạnh đủ, muôn sự vẻ vang, đạo Pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, rất tôn rất quý, không ai sánh bằng mà lại sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, rồi khi diệt độ thì Chánh Pháp còn truyền bá lại đến sáu mươi ba ức kiếp nữa.
Bất Huyến Thái Tử nghe Phật Bảo Tạng thọ ký rồi, liền vui mừng mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu sự thề nguyện của tôi quả đặng hoàn mãn như lời Ngài nói đó, thiệt là hân hạnh biết bao! Nay tôi lạy Ngài xin làm thế nào cho các Đức Phật hiện ở hằng sa thế giới cũng đều thọ ký cho tôi và khiến cho cả thảy thế giới đều đồng thời vang ra những tiếng âm nhạc, và các chúng sanh nghe tiếng ấy đều đặng thân tâm thanh tịnh mà xa lìa mọi sự dục vọng trên đời”.
Lúc Bất Huyến Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu Lễ Phật, tức thì các Thế giới tự nhiên rung động vang rền, kêu ra những tiếng hòa nhã, ai ai nghe đến cũng sanh lòng vui vẻ, là cho các điều dục vọng bổng nhiên tiêu tan cả.
Khi ấy, thoạt nghe các Đức Phật ở mười phương đồng thinh thọ ký cho Quan Thế Âm rằng: “Đương khi thời kiếp Thiện trụ, ở tại cõi San Đề Lam thế giới, nhằm lúc Phật Bảo Tạng ra đời mà giáo hóa chúng sanh, có con của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử phát tâm cúng dường Phật và Đại chúng trong ba tháng: Do công đức đó, nên trải hằng sa kiếp sẽ thành Phật, hiệu là: Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sơn Vương Như Lai, ở về thế giới Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”.
Bất Huyến Thái Tử khi đặng Chư Phật thọ ký rồi, thì lòng rất vui mừng. Đến khi mạng chung, thì Ngài thọ sanh ra các đời khác, trải kiếp nọ qua kiếp kia, hằng giữ bổn nguyện, gắng công tu hành, cầu đạo Bồ Đề, làm hạnh Bồ Tát, chăm lòng thi hành những sự lợi ích cho chúng sanh, không có khi nào mà Ngài quên cái niệm đại bi đại nguyện.
Hiện nay Quan Thế Âm đã chứng được bực Đẳng Giác Bồ Tát, ở cõi Cực Lạc mà hầu hạ Đức Phật A Di Đà, hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương đem về cõi ấy.
Đến sau, Đức Phật A Di Đà nhập Niết Bàn rồi, thì Ngài kế ngôi Phật vị mà giáo hóa chúng sanh (trích Phật học tạp chí Từ Bi Âm, số 200-204 nói về nhân hạnh đức Bồ tát Quán Thế Âm...)
Đoạn kinh trên đây là nói về nhân hạnh của Đức Bồ tát Quán Thế Âm tu hành đắc đạo được Phật A Di Đà thọ ký phó thác giao việc cho Bồ tát thay thế Phật A Di Đà giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên không phải ở cõi ta bà mà ở cõi “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”, tức là tên khác của cõi Cực lạc.
Phật thị hiện độ đời bao giờ cũng có ba thân: một là Pháp thân, hai là báo thân, ba là hóa thân.
Pháp thân là thân thường trụ không sanh không diệt, không sống không chết, từng giờ từng phút, từng niệm luôn có trong tâm chúng sanh khắp mười phương.
Báo thân là thân quả báo như thân Phật Thích Ca sanh ra nơi thế giới khổ đau, vui buồn; thân Phật A Di đà sanh ra nơi thế giới trang nghiêm không khổ chỉ toàn là vui.
Hóa thân là thân tùy theo cảm ứng của chúng sanh mà Đức Phật phát nguyện thị hiện, như Đức Phật thị hiện cõi ta bà cứu độ loài người thì Ngài thị hiện thân người có hóa sanh có diệt độ...
Chư Phật là bậc giác ngộ, tâm không, tâm trong sạch, không sanh không tử, không hóa sanh không diệt độ, nhưng vì sự giáo hóa chúng sanh mà phát nguyện có thị hiện có hóa sanh có diệt độ.

CÂU 2:
Đức Phật và con người được vãng sanh Tịnh độ có hình tướng người hay hình tướng cụ thế không? Hay chỉ là hình ảnh trong không trung? Nếu là hình tướng không trung thì làm sao có thể mô tả hình ảnh của các Ngài?

ĐÁP:
Đã là Phật, là bậc giác ngộ, giác ngộ ở cõi tâm, tâm thì không sanh không diệt, không đến không đi làm gì có tướng vãng sanh tịnh độ. Thế giới Phật là thế giới thanh tịnh, chúng sanh thanh tịnh thì chính đó là Phật. Đã là thanh tịnh tức không còn khổ đau phiền não bám níu, thì cần gì cầu vãng sanh Cực lạc, chính đó là lý vãng sanh Cực Lạc.
Chúng sanh mê lầm có khổ đau nên có Cực lạc, chúng sanh không mê lầm tức không khổ đau nên không có Cực lạc. Chúng ta, gia đình các bạn có nổi khổ niềm đau nên mới mưu cầu hạnh phúc. Vả như gia đình các bạn hạnh phúc thì đâu còn cầu hạnh phúc nữa.
Trong Tam kinh Tịnh độ, Đức Phật Thích Ca thuyết giảng, có nói đến việc chúng sanh cầu vãng sanh Cực lạc, trong đó có con người, cụ thể kinh A Di Đà, Phật dạy:
...Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó.
Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Xá-Lợi-Phất! Ta thấy có sự lợi ích ấy nên nói những lời như thế.
Nếu có chúng sinh nào, nghe những lời trên đó, nên phải phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc.
Đứng về gốc độ của Phật Thích Ca, ngài đang giáo hóa chúng sanh trong cõi ta bà, nên ngài khuyên thiện nam từ, thiện nữ nhơn khởi tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc là điều tất yếu. Đức Phật đâu có kêu gọi các bạn cầu về chổ khổ?
Khi nghe Phật dạy như thế thì các bạn niệm Phật, tưởng Phật các bạn sẽ được như Phật, được như Phật thì an lạc, đã an lạc thì đâu còn cầu sanh về đâu nữa, chính đó là vãng sanh; cho nên không cần biết thân thể của người bên thế giới Cực lạc như thế nào, ở đâu, đời sống ra sao! Bạn hãy xem thực tại giới và hạnh của các Bạn, hoặc Bạn là ai? thì chính đó là tướng trạng của Bạn.

Bạn hỏi: Tại sao chư Phật đều có hạnh nguyện rộng lớn, thương chúng sanh như con, thần thông biến hóa khôn lường lại không cứu vớt tất cả chúng sanh mà để cho chúng sanh trầm luân trong bể khổ muôn kiếp muôn đời?

Phật ra đời vì để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, nhập tri kiến Phật thì hiểu rõ cội nguồn của thế giới khổ đau, sanh tử luân hồi; thấu suốt chơn lý như thật, không còn lạc lầm đi vào rừng tà kiến. Nhưng ngại nổi chúng sanh mê lầm, lạc lối nẻo về, xa lìa chân tánh, không muốn đi theo đường Phật nên không đạt tri kiến đó thôi.
Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Niệm Phật viên thông, khi Đức Phật Thích Ca hỏi về pháp môn tu hành, Bồ tát Đại Thế Chí cho biết Ngài tu theo pháp môn niệm Phật mà được thành tựu. Bồ tát bạch Phật: “Con nhớ hằng sa kiếp về trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang, lúc đó có mười hai Đức Như Lai thành Phật trong một kiếp, Đức Phật sau hết hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai dạy cho con pháp môn niệm Phật… Nhân hạnh của con là dùng tâm niệm Phật mà vào Vô sanh pháp nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ”.
Theo lời Bồ tát dạy, người niệm Phật muốn khi lâm chung được vãng sanh Tịnh độ thì trong khi niệm Phật phải có tâm chuyên nhất. Ngài dạy: “Mười phương chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con… Nếu tâm chúng sanh tưởng Phật nhớ Phật, thì hiện tiền hay đương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, không cần tu phương tiện nào khác mà được thành Phật”.
Bồ tát Đại thế chí còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát... Đại Thế Chí Bồ tát vì Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sanh trong mười phương thế giới thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới điều phục và tiếp độ hạng chúng sanh cang cường khó độ. Đại Tinh Tấn Bồ tát vì Bồ tát có sức tinh tấn vĩ đại, điều phục các phiền não và giáo hoá chúng sanh không bao giờ mệt mỏi. Vô Biên Quang Bồ tát vì nơi thân Bồ tát có màu vàng tử kim chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sanh nào có duyên thấy liền được thấy ánh quang minh tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở khắp mười phương thế giới.
Theo kinh Quán vô lượng thọ, vô lượng hằng sa kiếp về trước thời Phật Bảo Tạng, ngài là thái tử Ni Ma và Bồ tát Quán thế âm là thái tử Bất Huyền con của vua Vô Tránh Niệm. Bấy giờ vua Vô tránh niệm cùng với hai vị thái tử đến đạo tràng cúng dường Phật Bảo tạng. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, vua cùng hai vị thái tử phát Bồ đề tâm... được Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật.
Vua Vô tránh niệm tương lai sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà Như lai ở thế giới Tây phương Cực Lạc, thái tử Bất huyền sẽ thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như lai, còn thái tử Ni Ma sẽ thành Phật hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như lai.
Đức Đại Thế Chí, với nhiều hạnh nguyện khác nhau, dùng nhiều phương tiện khéo đến với chúng sanh, thay Phật mà giáo hóa chúng sanh, lúc nào cũng gần gủi chúng sanh, sở dỉ chúng sanh còn khổ đau chỉ vì do thiếu sự giác ngộ và quyết tâm như đại nguyện của Bồ tát đó thôi.

CÂU 3:
Cõi Tịnh Độ có tuân theo quy tắc Thành-Trụ-Hoại Không, có sanh ắt có diệt như cõi Ta Bà hay không? Theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Đà những ai sinh về được cõi Tịnh Độ sẽ không còn sanh tử luân hồi, không còn tham sân si thì tại sao cõi Tịnh Độ lại vẫn nhập diệt theo lẽ luân hồi vô thường? Nếu là có thì con người sanh về cõi ấy sẽ như thế nào nếu cõi ấy diệt?

ĐÁP:
Trước nhất, xin trích một đoạn kinh A Di Đà nói về cõi Tịnh độ:
Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.
Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.
Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v... Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ.
Xá-Lợi-Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.
Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy (HT Trí Tịnh biên dịch).

Tiếp đến xin dẫn chứng về cõi ta bà:
Ta bà có nghĩa là kham nhẫn: ráng chịu đựng, vì chúng sinh ở trong cõi này chịu các phiền não, tham sân si bức bách, làm các điều ác, xoay quanh trong ba nẻo sáu đường, lại cứ cam lòng nhẫn chịu không mong ngày ra khỏi. Ta bà không phải chỉ có một thế giới ta đang ở, mà nó gồm cả ba nghìn đại thiên thế giới, trong phạm vi hóa độ của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật dạy rằng :Ta bà chẳng khác gì quán trọ, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô thường, không thật. Tại sao không thật? Vì suốt cả cuộc đời bị sinh, lão, bệnh, tử, tiền tài, danh vọng chi phối, bức bách thật là khổ não. Tất cả đời sống vật chất cho dù làm vua, làm quan, giàu sang đến cỡ nào đi nữa nhưng khi ra đi không mang được gì cả, cho nên mới gọi là không thật. Chúng ta là người hiểu đạo, phải sớm giác ngộ ngay chỗ này, sống có đạo đức để làm lợi ích cho mọi người. Có như vậy, mới không uổng phí đời người.
Ngoài cõi Ta-bà là Cực Lạc, Cực là rất, lạc là vui. Như vậy, Cực lạc là cõi thuần vui. Trong Kỳ Viên hội, đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất dạy rằng: “...vì sao gọi là Cực lạc? Vì chúng sinh trong cõi đó không có các điều khổ, chỉ hưởng thuần những sự vui, nên gọi là Cực lạc”.

Ta bà thật là đau khổ, tại sao chúng ta không sớm giác ngộ để một lòng nhớ về cố hương Cực lạc? Cố hương là nơi chúng ta chôn nhau cắt rốn, là ngôi nhà vững chắc cho chúng ta ngơi nghỉ sau những ngày tháng vất vả với cuộc đời.
Đức Phật Thích Ca, vì hiểu cuộc đời ngắn ngủi, kiếp phù sinh tạm bợ, mong manh nên đã quay mặt với vinh hoa, độc hành vào núi thẳm, rừng sâu tìm chân lý. Bao ngày tháng miệt mài tu tập, cuối cùng giác ngộ, đem đạo mầu soi tỏ cuộc đời. Giáo lý Ngài dạy rất nhiều, trong đó, vô thường (không thường còn, luôn đổi thay biến dạng) là một trong những giáo lý căn bản.

Cõi Tịnh độ không có thành trú hoại không...
Theo ý tưởng chung, cũng như lời Phật dạy: Ta bà là thế giới khổ đau, sanh diệt, chúng sanh sanh vào đó đều chịu theo quy luật luân hồi nhân quả.
Thế giới Cực lạc là thế giới có vui không khổ, một thế giới do Đức Phật A Di Đà phát nguyện kiến tạo biến hóa để làm phương tiện hướng chúng sanh phát nguyện sanh về. Thế giới Cực lạc, sở dĩ có là do hạnh nguyện trang nghiêm của Phật A Di Đà, ngài phát nguyện xây dựng một thế giới giúp cho mọi người sống nơi đó chỉ có vui không khổ, chúng ta có thể hiểu bằng hai ý tưởng như sau:
1/. Cực lạc là một thế giới không có ba đường ác, không có đường sanh tử luân hồi. Những ai phát nguyện sanh về nơi đó, được hóa sanh trong hoa sen báu một lòng chuyên tâm trì niệm thì được như ý chấm dứt sanh tử luân hồi. Đấy là do ý tưởng của Đức Phật A Di Đà.
2/. Cực lạc thế giới thuộc về cõi tâm, người niệm Phật khi đã thuần thục chứng đắc rồi, thì thế giới Cực lạc tại tâm, nên nguyện sanh mà không sanh, vì không sanh nên không diệt độ. Tâm thì vốn bất sanh bất diệt, cõi Cực lạc thuộc cõi tâm nên không có sanh diệt, không có vấn đề diệt độ, không nằm trong quy luật thành trú hoại không.
Lục tổ Huệ Năng dạy: “Nhất hạnh tam muội” tức là cái chơn tâm thường hằng trong tất cả mọi thời cũng như mọi hành vi đi, đứng, nằm, ngồi. Thế Tôn lúc ở Xá Vệ quốc, thuyết giảng về Tây phương để dẫn hóa chúng sanh. Kinh văn nói rõ ràng rằng: “...người mê niệm Phật hy vọng vãng sanh Tây phương, người ngộ chỉ thanh tịnh tâm mình”, cho nên Phật nói: “Tùy tâm mình tịnh, là Phật độ tịnh”. Kinh Tịnh Danh nói: “Chơn tâm là đạo tràng, chơn tâm là Tịnh độ” (Pháp Bửu Đàn Kinh - Lục Tổ Huệ Năng) các Bạn an tâm mà tu hành niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc cho có kết quả.

CÂU 4:
Bạch sư chỉ giúp cho con. Con đã có gia đình nhưng mà con thích đọc tụng kinh chú, không biết là mình trì kinh chú mà vẫn quan hệ vợ chồng không biết có sao không? Đôi khi con cũng thích treo tranh ảnh Phật Giáo trong nhà và kể cả phòng ngủ để nhắc nhở con tu hành vì đôi khi con không ra trước bàn thờ tụng kinh niệm Phật mà ở trong phòng, đối chứng với ảnh của các Ngài mà trì niệm. Tuy nhiên, vì có gia đình nên chúng con vẫn quan hệ vợ chồng với nhau vậy con có mắc tội không khi treo ảnh Phật trong phòng? Xin sư khai sáng tâm con.

ĐÁP:
Trong kinh Thiện Sanh, Đức Phật rất quan tâm đến pháp tu dành cho Cư sĩ, xin giới thiệu với các Bạn một đoạn kinh văn:
“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương; thì đời này tốt đẹp và cả đời sau cũng được quả báo tốt đẹp; đời này có căn cơ và đời sau có căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả bậc nhất , sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện.
1/. “Này Thiện Sinh, nên biết, hành bốn kết là: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ.
2/. “Thế nào là bốn trường hợp ác? Đó là: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Ai làm những việc ác theo bốn trường hợp đó sẽ bị hao tổn. Nói như vậy xong, Phật lại nói bài tụng:
Ai làm theo bốn pháp,
Tham, sân, sợ hãi, si,
Thì danh dự mất dần,
Như trăng về cuối tháng.
“Này Thiện Sinh, người nào không làm ác theo bốn trường hợp thì sự ích lợi ngày càng tăng thêm.”
Người nào không làm ác,
Do tham, hận, sợ, si,
Thì danh dự càng thêm,
Như trăng hướng về rằm.
Đấy là một đoạn kính văn, nói lên sự quan tâm của Đức Phật đối với người Phật tử ngày xưa cũng như hôm nay. Cư gia tu hành có gia trị của cư gia, chi nên chúng ta cũng phải nghiêm túc giữ gìn phẩm hạnh cốt cách của Phật tử, không nên tự ti mặc cảm, rồi lại làm một số việc mà chúng ta nghỉ là không sao, thì thật là uổng phí công phu tu tập, phí cuộc đời làm Phật tử đi theo Đức Phật, những lời bạn hỏi, Sư sẽ lần lược giải đáp và khuyến tấn:
Sanh ra trong cuộc đời, chúng ta vốn dĩ là đã đa mang một khối phiền não sanh tử luân hồi, quả báo cưu mang, thật biết bao lần không lối thoát. Con người sanh ra là di dục ái chúng sanh mà có, việc các Bạn lập gia đình là điều tất yếu, là việc riêng của Bạn, không liên quan gì đến việc quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm. Tuy nhiên làm người Phật tử tu cư gia cũng có một số việc mà chúng ta phải quan tâm: - một là không nên lập gia đình bừa bãi, vợ đôi vợ ba, chồng hai chồng ba, thay đổi vợ chồng liên tục thì không nên - hai là khi đã quy y Tam Bảo, là một động lực xây đắp tình cảm vợ chồng ngày càng hạnh phúc hơn. Sự quan hệ vợ chồng là việc riêng, không ảnh hưởng gì đến Phật pháp, việc tụng kinh chú và làm Phật tử của Bạn. Tuy nhiên chúng ta cần thiết lập một số hạnh lành, để không làm ô uế Phật pháp Bạn sẽ trọn vẹn trong việc làm Phật tử.
Việc treo ảnh Phật,
Việc hành pháp tu tại nơi nghỉ ngơi, thì được các bậc Đại sư, Tổ sư cho phép các Bạn thực tập tu hành tại nơi nghỉ ngơi. Tuy nhiên không phải vì sự cho phép đó mà bạn treo ảnh Phật trong phòng ngủ. Về ảnh Phật phải được tôn trí nơi cao thoáng, tinh khiết, không nhơ uế và Bạn đã thờ phượng tại bàn Phật rồi; vì vậy không nên treo ảnh Phật nhiều, và treo nơi sinh hoạt gia đình.
Trường hợp, những gia đình ở trọ, căn hộ có không gian hẹp quá (2,5x2,5) Bạn nên bố trí thờ nơi cao nhất, để nói lên sự tôn kính Đức Phật của người Phật tử.
Ở một trường hợp khác, không nên treo ảnh Phật và xem như là một bức tranh đẹp, sánh với các bức tranh thế tục, sẽ làm giảm giá trị sự tôn kính Đức Phật; không nên để ảnh Phật trong ví, bỏ vào túi quần theo thói quen của nam nữ không phải là Phật tử.
Nên giữ gìn kỷ cương trong việc tôn kính Phật, thờ Phật. Chúc Bạn thành công trên đường Đời và làm Phật tử ngoan Đạo.

( sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết