PHẬT HỌC VẤN ĐÁP 2
Trang 1 trong tổng số 1 trang
PHẬT HỌC VẤN ĐÁP 2
VẤN: Con là một người mới vừa bước chân vào cửa đạo và con cũng chưa quy y tam bảo. Từ nhỏ con chẳng biết do duyên gì mà mỗi khi có chuyện, con nghe lời bà thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và thấy lòng thanh thản. Càng lớn con càng có cơ duyên và thích được đến chùa cũng như học hỏi về Phật pháp. Tuy nhiên, giữa muôn trùng mệnh mông sách vở, kinh điển, con ôm vào đọc quá nhiều và con cảm thấy loạn động. Con không có thầy tổ chỉ dạy tu hành và cũng không biết là sẽ nên tu tập như thế nào? Con thích tụng kinh sám hối và thế là mỗi buổi tối mang kinh ra tụng. Vậy con nên bắt đầu từ đâu, tu hành như thế nào, làm gì vì giờ đây con rất hoang mang sợ mình đi lạc lối.
ĐÁP: Chưa quy y Tam Bảo mà nghe hay biết niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ tát tức là căn lành lớn sâu rộng. Căn lành lớn là do nhiều duyên kết tập trong sự tu hành, tuy thân còn ở thế gian, nhưng duyên Phật Pháp lúc nào cũng gần gũi, mọi việc đến với Phật tử đều là Phật Pháp. Căn lành sâu, là vừa nghe giáo pháp Phật là khởi tâm tín niệm tôn kính, phát tâm tu tập, không nghi ngờ và không lui sụt bồ đề tâm.
Có duyên với tu Thiền thì tu Thiền, có duyên với Tịnh độ thì tu Tịnh độ, không có gì phải hoang mang. Tam tạng kinh điển là phương tiện thuyết giáo độ đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không có Kinh Luật Luận thì chúng ta không có phương hướng tu tập. Tuy nhiên khi phát tâm tu hành cần phải chọn một pháp môn thuận lợi nhất, tâm bất an thì tu Thiền, thân bất an thì tu Tịnh độ. Tâm bất an thì quán chiếu các pháp giai không, thân bất an thì quán niệm Phật cho thanh tịnh, đàng nào thì cũng là thuốc đặc chủng "a dà đà" phổ trị bệnh chúng sanh, không cao không thấp, không dỡ không hay, không phải không quấy... Phật tử nên tu tập như thế nầy cho đúng:
* NGHIÊN CỨU KINH SÁCH:
Nghiên tầm kinh điển thì cứ nghiên tầm, đến khi hạ thủ công phu thì nên chọn pháp tu cho phù hợp, trường hợp của Phật tử do căn lành lớn và sâu với pháp niệm Phật, mỗi đêm nên phát tâm niệm Phật hay trì kinh bái sám.
* NIỆM PHẬT:
Mỗi đêm vào lúc 20 giờ hay 22 giờ đều có thời niệm Phật, mỗi thời niệm 20 phút. Liên hữu mặc áo tràng chỉnh tề, dâng hương, cúng nước cho Tam Bảo, khi vào chánh điện điểm 6 tiếng chuông (nếu có), xá Phật 3 xá, quay ra phía sau xá hộ pháp long thiên 3 xá, quay trở lại quỳ lạy Phật 3 lạy (nhớ quay lưng theo chiều kim đồng hồ), tiếp niệm bài:
Cúi đầu đảnh lễ Phật phương Tây
Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh nầy
Con nay phát nguyện về lạc quốc
Xin Phật thương con độ vãng sanh
Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật (bắt đầu ngồi niệm Phật...)
Phật tử có thể ngồi bán già hay kiết già cũng được, thẳng lưng, hai bàn tay hiệp chưởng trước ngực, hai ngón tay cái chéo vào nhau (biểu tượng của tín tâm không lui sụt), đôi mắt ngó ngay chóp mủi (tức là mở 1/3). Không nên khép kín đôi mắt, vì khép kín thì hay ngủ gật, không nên mở to, vì mở to ý sẽ tán loạn...
Lần tràng niệm Phật 20 phút – quỳ lên tiếp tục niệm Nam mô Quan Thế Âm... - Nam mô Đại Thế Chí... - Nam mô Địa Tạng vương... - Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng... (mỗi câu 3 lần, niệm theo kinh Nhựt Dụng hằng ngày của Phật tử).
Tụng bài hồi hướng – Tam Quy y (lạy 3 lạy rồi lui ra nghỉ ngơi)
Về sám hối thì mỗi nữa tháng mới có tụng kinh sám hối, có thể tụng kinh Sám hối hồng danh Phật, mỗi Đức Phật lạy 1 lạy – đọc bài sám hối ở đầu kinh Pháp Hoa – hay đọc 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, mỗi nguyện lạy 1 lạy là đủ rồi.
Có người hỏi: con niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát được không?
Xin trả lời: Niệm danh hiệu Quan Thế Âm, hay các danh hiệu Bồ Tát khác cũng được, nhưng phải chí tâm chánh niệm là được rồi.
Hành giả tu niệm Phật, chí tâm chánh niệm thì thiên ma cũng không quấy phá được, huống gì người phàm phu châm biếm...
* TRÌ KINH BÁI SÁM:
Đã là liên hữu thì khi phát tâm tụng kinh Đại Thừa, như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Niết Bàn, kinh Ma Ha Bát Nhã... cần phải khai khóa lễ cho nghiêm túc, nhưng khai kinh vào những thời điểm mùa tuyết rơi, mùa mưa thì mới tụng kinh liên tục cho đến khi huờn kinh, hồi hướng công đức được; không nên khai khóa lễ vào các mùa giao dịch, sinh hoạt xã hội rộ lên đồng đều, vì lúc bấy giờ các gia đình Phật tử phải giao lưu làm việc với xã hội, không tụng kinh điều hòa được.
* LẠY PHẬT:
Phật tử không có phương tiện thời gian tụng kinh, niệm Phật thì lạy Phật, mỗi đêm nên phát tâm đọc 12 danh hiệu Phật A Di Đà (trong kinh Nhựt Dụng, sau phẩm kinh A Di Đà của Phật tử), mỗi câu lạy 1 lạy, bao nhiêu đấy thôi cũng là cách tu tập đúng.
Đối với người đi làm việc, làm công nhân, thì mỗi buổi sáng trước khi lên xe đi làm việc, đến trước bàn Phật niệm mười câu danh hiệu Phật (mỗi hơi không biết bao nhiêu niệm, nhưng cũng gọi là 1 câu danh hiệu Phật).
Câu 2:
VẤN: Gần đây xem trên mạng con có nghe mọi người nói về pháp luân công. Vậy con muốn hỏi pháp luân công là gì? Đó có phải là một pháp của nhà Phật không? Pháp luân công giống và khác với pháp Phật ở chỗ nào ạ?
ĐÁP: Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, hay gọi là Đại Pháp) là môn tu luyện (khí công) cả tâm lẫn thân chiều theo đặc tính của vũ trụ.
Pháp Luân Đại Pháp có một lịch sử rất xa xưa, được đơn truyền qua các thời đại khác nhau, mỗi một thế hệ có một người thầy truyền cho một nguời đệ tử duy nhất. Sau đó người đệ tử này lại truyền cho người đệ tử thế hệ tiếp theo, cứ như vậy cho đến thời kỳ hôm nay.
Năm 1992, ông Lý Hồng Chí bắt đầu truyền Pháp Luân Đại Pháp ra công chúng trong thành phố Trường Xuân, Trung Quốc và sau đó ông tiếp tục giảng Pháp ở khắp nơi trong nước. Những người mà tham dự các buổi thuyết giảng đó truyền lại cho bạn bè và gia đình. Kết quả là số lượng các học viên tăng rất nhanh, chỉ bằng cách truyền miệng như vậy. Tới năm 1998, theo thống kê có trên 70 triệu người ở Trung Quốc theo tập môn này.
Phương pháp luyện pháp luân công được cho là có ảnh hưởng đến Đạo Phật và Đạo Lão do biểu tượng của hình ảnh chữ Vạn và Thái cực... đây là một học thuyết không phải của Nhà Phật (ngoại đạo); không nên bận tâm chỉ vì lý do có chữ Vạn của Nhà Phật.
Phật tử đừng vì sự tín tâm chữ Vạn của Nhà Phật nằm trong ký hiệu của Pháp Luân công mà bỏ đi chơn lý của Nhà Phật. Tu Phật thì tu Phật, tu pháp luân công thì tu pháp luân công, không nên nay tu pháp nầy, mai tu pháp khác trở thành "loạn pháp", thầy thuốc gọi là "đa sư hư bệnh".
Câu 3:
VẤN: Con nghe mọi người thường hay nói đạo Phật là ở tánh không và tính không? Vậy tánh không là gì và tính không là gì? Có người lại nói với con Phật giáo là “sắc sắc không không, không không sắc sắc.” Vậy câu này có nghĩa là gì ạ và con nên tu như thế nào ạ?
ĐÁP: Tánh không và Tính không cùng một ý nghĩa, một pháp không hai; từ ngữ Phật học "Tánh không" do người miền Nam Việt Nam thuyết giảng biên soạn; còn "Tính không" do người miền Bắc Việt Nam thuyết giảng biên soạn. Cả hai có ý nghĩa:
1/. Nói đến tính chân như thực tướng của các pháp: ví dụ người Phật tử không khởi tâm sát sanh, nên không khởi tâm giữ giới sát sanh, đó mới chính là giữ giới sát sanh.
2/. Các pháp là hư huyển, không thật có: ví dụ nghe tiếng nhạc bên tai, cùng một lúc nghe tiếng kèn xe, cùng một lúc nghe tiếng nói của bố mẹ v.v... Khi tai nghe cái nầy thì cái kia diệt, nghe cái kia thì cái nầy phải diệt... nhưng cùng một lúc nghe các tiếng sanh diệt, diệt sanh liên tục đến với ta nên gọi các pháp là hư huyển.
3/. Các pháp vốn không tự tánh mà có: như nói Phật thị hiện cứu đời là vì có chúng sanh trần luân nên nói có Phật thị hiện; vả như không có chúng sanh trần luân thì cũng không có Phật thị hiện cứu đời.
4/. Các pháp vốn giả danh do đặt tên mà có: ví dụ như "ban ngày" đối với "ban đêm", "sáng" đối với "tối", "tội" đối với "phước", do mình đặt tên mà có. Các pháp ngày, đêm, sáng, tối, tội, phước tự nó không có.
5/. Hư cấu bời các duyên hợp mà có, nên không thật: như 1 tách trà ngon thơm, xuất phát từ người công nhân lấy đất làm cao lanh, người nắn, người vẽ vời, người nun thành 1 cái tách; người chế trà, người pha trà, rót trà... cộng lại thành "tách trà ngon thơm". Tách trà thơm ngon do các duyên mà có, chứ tự nó không thật có.
Trong phẩm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Phật dạy: "...Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị..."
"Sắc sắc, không không", nghĩa là cũng có đó rồi cũng không đó, tuy có mà không; trong quá trình pháp giới duyên khởi, thân tâm ta tuy có mà không; các pháp thế gian như gia đình, xã hội, giàu sang, quý phái, nghèo hèn, địa vị, danh vọng, quyền cao, tước trọng, tên tuổi, tiền bạc tuy có nhưng giả, không thật có, thế giới nầy hợp để rồi tan, ánh trăng vũ trụ có khi tròn khi khuyết v.v... Người tu hiểu được lý nầy thì không còn tham sân si, ví dụ: khi ta đang có niệm buồn (sắc), có người đến an ủi, tức là niệm vui đến, niệm buồn vụt tắt (không), buồn tuy có nhưng nó nào có thật đâu. Trong một niệm của ta có 4.900.000.000 lần sanh diệt (trích Phật Học Tinh Hoa – Nguyễn Duy Cần), sinh là có, diệt là không, quá trình sinh diệt đó gọi là mộng huyển, mộng ảo, giấc mộng, phù du, ảo giác, cuộc đời chẳng có chi bền chắc, Phật tử quán chiếu như thế thì cuộc đời của ta không còn bị tung hứng theo thế sự buồn vui nữa.
"Không không, sắc sắc", các pháp vốn không (chân không), nhưng không phải là không có (diệu hữu); tự tánh các pháp vốn không sanh không diệt (tự tính chơn như), các pháp có sanh thì có diệt và có diệt thì có sanh (mộng huyển), với nhãn quan nầy các bậc đại tổ sư như Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng đã từng chứng đắc.
Tâm Phật vốn chơn như nên nhìn các pháp bất sanh, bất diệt không còn gì phải có tu, có chứng, có đắc (chơn không), tâm chúng sanh là tâm sanh diệt, nên khi tu hành thấy các pháp như mộng huyển, bào ảnh, như lộ, như điện mà chứng đắc nên thấy có tu, có chứng, có đắc (diệu hữu). Phật tử quán chiếu như thế mà tu hành.
Câu 4:
VẤN: Con thích niệm Phật và thích tu nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Tuy nhiên, nhiều bạn tu của con, nhất là các bạn tu thiền thường hay nói với con rằng kinh điển đại thừa và nhiều pháp tu sau này không phải là pháp Phật vì theo kinh điển Pali không có nói đến. Những kinh pháp sau này khi truyền sang Trung Hoa rồi do người Trung Hoa họ theo tôn giáo tín ngưỡng bản địa họ tạo ra sinh ra rất nhiều pháp khác nhau rồi cho là của pháp Phật. Việc tu hành niệm Phật nguyện vãng sanh giống như là của ngoại đạo, mong sự cứu rỗi tâm hồn ở một cảnh giới khác như các đấng cứu thế của các tôn giáo hứa hẹn cho đệ tử của mình. Bạn con còn bảo những pháp tu đó ngày xưa thời Đức Phật trong kinh điển Pali đâu có nói đến đâu. Con thật sự bối rối vì khi niệm Phật con thấy bình an. Mong Sư chỉ dạy thêm cho con ạ. A Di Đà Phật!
ĐÁP: Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn, pháp môn tu nào cũng là của ba đời chư Phật, nếu pháp đó giúp ta tiến đến an tâm và giải thoát, dù pháp đó là Thiền, Tịnh, Luật hay Mật cũng đều là của ba đời chư Phật nói ra.
Người có duyên với tu Thiền thì nói pháp môn Thiền là của Phật, các pháp môn khác không phải của Phật ở xứ khác chế biến chứ không phải xuất sanh từ Ấn Độ; người có duyên với Tịnh độ thì nói pháp tu Thiền là của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma sáng chế dạy cho dân Đông Độ (Trung Hoa) tu hành chớ Phật không có dạy thiền "Đốn giáo" bao giờ ! Rốt rồi tu đâu chấp đó, đem pháp giải thoát của Phật đấu lý chê bay, thật là đời mạt pháp ngông cuồng !
Phật thì chẳng nói Thiền, nói Tịnh, mà vịn vào căn duyên của đệ tử để giáo hóa. Như buổi ban đầu thuyết giáo, Phật dạy đệ tử quán chiếu đề mục đất, đề mục hoa sen... (tất cả đều nắn từ đất sét) để chánh niệm rồi tiến dần lên từng bậc chánh định (tam muội); từ đó trí tuệ sanh, trí tuệ sanh tức là cứu cánh giải thoát, lúc bấy giờ không có niệm danh hiệu Phật nào cả. Tuy nhiên khoảng 20 năm sau đó, dân trí lên cao, các Tôn giả thông suốt giáo pháp Phật, Đức Phật tiếp tục mở rộng tầm nhìn của đệ tử, nên ngài thuyết các bộ kinh giới thiệu về các thế giới "Tịnh độ", bên ngoài thế giới "Ta Bà khổ đau" nầy, để các vị giữ vững niềm tin mà nguyện sanh về thế giới đó, nhằm có cơ sở giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương. Đây là ý tứ của Pháp Phật có nhiều pháp môn tu, chớ không chỉ có pháp môn "Thiền" hay "Tịnh".
Việc nói Thiền chê Tịnh là việc xưa, lạc hậu lắm rồi, Phật tử chưa thấy đó thôi, chúng ta là những đoàn người bị cuộc rượt đuổi của "thời gian vô thường" tới tấp cận kề bên ta, không mau xuống thuyền qua sông thoát nạn, ở đó mà đem Thiền với Tịnh chê nhau.
Pháp Phật lưu truyền là vô biên giới, không có Ấn Độ, Trung Hoa gì cả, ai duyên tu pháp môn nào thì tu pháp môn đó, ai khéo tu thì giải thoát, ai vụng tu thì mê lầm. Người đem Thiền chê Tịnh là người vụng tu, sau không tự chê mình còn ở bên bờ vực thẳm mê lầm nơi bến tử sanh, mà lại chê khen giáo pháp Phật.
Lẽ ra thì Sư không phân trần làm gì, nhưng vì sự kém hiểu biết của những người chê bai Tịnh độ, Sư sẽ trích một vài đoạn kinh trong kinh điển Pali nói đến pháp tu Niệm Phật, để quý vị nghiên cứu tu hành.
Cõi Tịnh Độ qua các kinh nói về Phật Di Đà từ Hán Tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh Độ hay Cực Lạc được mô tả là một cảnh giới tuyệt vời với tất cả những thứ du dương, mát mẻ, thơm ngát và không có chuyện đói lạnh. Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà.
Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pàli, nguồn giáo lý căn bản của Phật Giáo Nam phương xem sao. Dĩ nhiên, trong Tam Tạng Pàli cũng có khái niệm Tịnh Độ với những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những bậc thiện tri thức ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh Độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam Truyền.
Thời Đức Phật tại thế, chư Tôn giả thường thường hướng về nơi ngài xưng niệm danh hiệu của Như Lai, đầy đủ thập hiệu, để tỏ lòng cung kính tri ân và cầu nguyện, chư Tôn giả cản thấy được an lạc nhiều lắm.
Trong kinh An Hàm và các kinh cho thấy niệm Phật, tức là sự cung kính đảnh lễ vâng lời, tán thán, nhớ nghĩ Đức Thích Tôn, các tâm bất thiện từ đó không phát sanh.
Niệm Phật theo kinh tạng Pali có 3 cách: một là nhớ nghĩ, hai là quán tưởng tướng hảo của Phật, ba là xưng niệm danh hiệu Phật.
Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy các Thầy Tỳ kheo: "Hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết Bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật" (Đại chính 2, trang 532).
Đức Phật giải thích thế nào là niệm Phật: "Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời, trong khi mắt không hề rời, niệm tưởng công đức Như Lai". (Đại chính 2, trang 554).
Ở thời gian khác, Đức Phật dạy: "Có một pháp, nầy các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật, Chính một pháp nầy, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn" (Tăng chi bộ I.16. HT Minh Châu dịch).
Xin trích một vài lời kinh ngắn để dẫn, xem pháp môn niệm Phật xuất xứ từ Đức Phật hay người Trung Hoa?
( sưu tầm )
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
|
|