Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 3

Go down

PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 3 Empty PHẬT TỬ VẤN ĐÁP 3

Bài gửi by Admin 09/11/12, 10:20 am


Câu 1:
Con năm nay 33 tuổi còn chồng con 37 tuổi. Chúng con lập gia đình được 6 năm và hiện nay có hai cháu gái bốn tuổi và hai tuổi. Con là một Phật tử còn chồng con là một người Thiên Chúa Giáo. Ngày xưa khi lấy nhau, con đồng ý đi học lễ thánh và làm lễ ở nhà thờ. Tuy nhiên, chồng con tôn trọng tôn giáo của con và cũng thỉnh thoảng chở con đến chùa và con cũng đi đến nhà thờ. Khoảng gần hai năm nay, chồng con không còn thiết tha và tôn trọng tôn giáo của con. Con cố gắng vun vén tôn trọng chồng con, giải thích khi cố gắng dạy các con cũng biết lạy Phật, dẫn con đi chùa. Cả con và chồng cũng khá mệt mỏi và căn thẳng khi không biết để con theo tôn giáo nào. Con cố gắng hướng dẫn cho con nghe kinh và niệm Phật thì chồng con và gia đình chồng phản đối ép buộc phải đi nhà thờ.
Con dù cố gắng nhưng cảm thấy mệt mỏi, không còn thiết tha và vợ chồng con hay cãi cọ với nhau. Đến niềm tin tâm linh của mình, con chỉ muốn có nơi được thờ tự hay để ảnh Phật cũng không được vì đang sống ở nhà chồng. Nếu tình trạng này xảy ra dài lâu con không biết mình có chịu nổi không. Con thấy mình cô đơn và hụt hẫn ngay trong chính căn nhà của mình. Con đã nghĩ đến việc ly dị nhưng thương các con còn nhỏ dại sợ con bị khổ vì không có cha, còn sống phải bị nhồi nhét, không ai chịu nghe con thế này con quá mệt mỏi dù con đã cố gắng vun tròn bổn phận dâu con. Xin Sư cho biết con nên làm sao để hài hòa hạnh phúc trong gia đình?

ĐÁP:
Lập gia đình với người khác đạo, hiện nay không còn là sự việc hy hữu, đồng thời theo tiền lệ xát suất giữ được hạnh phúc cũng rất cao, nhiều gia đình vợ chồng sống đến răng long đầu bạc, truyền nối cho nhau tử tôn miên viễn. Đấy là cách xử thế khéo léo của nhiều đôi vợ chồng khác đạo khi thương nhau và biết giữ gìn hạnh phúc cho nhau, không thông qua những tập quán tín ngưỡng.
Ở Việt Nam hiện nay phần đông đôi vợ chồng khác đạo, hơn bao giờ hết, thường thì người ta hay nghĩ suy đến việc: "vợ chồng là việc của nhau", việc tín ngưỡng là việc bên ngoài, hoặc cũng là một công việc mà mỗi người phải làm tròn bổn phận, thế thôi! Đôi khi họ giữ gìn, xem như là công việc chung, nên rất bảo vệ sự tín ngưỡng cho nhau: vợ nhắc chồng đến ngày đi lễ nhà thờ, chồng nhắc vợ đến ngày đi lễ chùa; hay vợ chồng cùng đi lễ nhà thờ, đồng đi lễ chùa...và con cái cũng vui lòng theo bố mẹ.
Bình thường, sống trong gia đình, người phụ nữ thông minh, tiến bộ, lịch sự là người biết cách xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương với chồng và ngược lại là phương cách hữu hiệu của một đôi vợ chồng, cần được thể hiện như trong tình huống trên. Nhất là đối với người vợ, chìu chồng còn mang ý nghĩa tích cực vì nhờ sự tùy thuận này, một người vợ khéo léo có thể làm cho người chồng hướng đến chiều hướng tích cực, vươn lên cùng với ý nghĩ của vợ. Ở đây không bàn đến chuyện vợ chồng phải chìu chuộng lẫn nhau, mà bàn đến việc làm sao lúc nào cũng bảo vệ ý tưởng đẹp (Phật, Chúa) của nhau, lời nói dễ thương không còn cáu ghét nữa, chính là để bảo vệ hạnh phúc cho nhau.
Kinh Tương Ưng đã chỉ rõ, nếu như một người phụ nữ biết khéo léo vận dụng khả năng trình độ, khả năng giới hạnh… một cách tối ưu thì sẽ tạo nên sự vui tươi trong gia đình. Với hạnh lành đó, người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì, Kinh gọi rằng cuộc đời sẽ nằm trong tầm tay của nàng; hoặc được khẳng định mạnh mẽ hơn: mong rằng vợ sẽ được lòng người chồng. Vấn đề ở đây, Sư mong mõi các Bạn lúc nào cũng quan tâm đến việc góp phần xây đắp một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa, cụ thể, không nghĩ đến chuyện viễn vông, hơn thua, phải quấy với bạn bè, vì bạn bè đến một lúc nào đó thì "đèn nhà ai nấy sáng rồi", ai mà giúp cho ai được, vì vậy không nên ngó bên ngoài mà so đo suy nghĩ, mà phải nghĩ đến hạnh phúc gia đình, bảo vệ hạnh phúc gia đình, cũng chính là bảo vệ tín ngưỡng của nhau. Người muốn xây đắp gia đình hạnh phúc thì vợ chồng đừng bao giờ nhìn những tật xấu của nhau, không soi bói nhau, nhường nhịn lẫn nhau... làm gì có chuyện để nói đến những chuyện khác ý tưởng (khác đạo).
Gia đình Bạn đã sống chung 6 năm rồi, không phải là thời gian dài, nhưng cũng không ngắn, có 2 con tức hạnh phúc tuyệt vời, theo Sư nghĩ không có gì phải cãi cọ phiền muộn lắm đâu, chẳng có gì phải mệt mõi hụt hẫn cô đơn hay ly dị cả, Đạo của ai nấy thờ như ngày xưa khi mới gặp nhau, vợ chồng mỗi người tôn trọng lẫn nhau, tự nghĩ thật phong phú cho các việc: là mình đang có trách nhiệm với các con, vì tương lai các con, bổn phận với ông bà cha mẹ, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đối với việc tín ngưỡng, vợ chồng phải nghĩ: "việc giữ đạo truyền bá phổ biến Đạo là trách nhiệm của các đấng cao cả, của quý Linh mục, quý Thượng Tọa, của nhà thờ, của nhà chùa, không phải là việc của vợ chồng...", sẽ giải bớt những căng thẳng về tín ngưỡng tôn giáo, dẫn đến hài hòa hạnh phúc gia đình.
Bạn ạ! Đạo Phật là đạo tâm, thuộc duy tâm, người Phật tử thờ đức Phật ở trong tâm hồn của mình cũng chẳng sao cả, Đức Phật ngài quý sự tín ngưỡng ở trong tâm hồn hơn, vì thế cho đến nay đã trên 26 thế kỷ rồi mà Đạo của Phật vẫn sáng tỏ không hề thay đổi nền giáo lý bất tận. Đức Jésus, Phật Thích Ca các ngài phóng khoáng và thoáng đạt lắm, không có kỳ thị lẫn nhau đâu các bạn; tuy nhiên do con người phân chia biên giới quốc gia, tranh giành kinh tế, địa vị quyền tước, công danh cá nhân, thêm vào đó là thời tiết, phương hướng, thổ nhưỡng, thời gian, không gian, biên giới, màu da, tâm sinh lý có khác, nên sự tín ngưỡng có khác, nhưng đừng bao giờ đem sự tín ngưỡng của mình áp đặt cho người khác, sai đi với ý tưởng cao đẹp của các đấng cứu thế, chỉ trừ người ấy giác ngộ.
Tín ngưỡng các đấng giáo chủ như Jésus, Phật Thích Ca bằng hình thức thờ phượng có đôi khi cũng không phù hợp trong gia đình vì gia đình không có phương tiện tối ưu. Vã lại Đức Jésus, Phật Thích Ca có chịu cho chúng ta thờ phượng không, thờ các ngài mà xung đột ý tưởng lẫn nhau, không bảo đãm hạnh phúc gia đình của nhau chắc chắn các ngài không cho phép chúng ta thờ các ngài đâu các bạn!

Câu 2:
Con là một Phật tử và rất thích ăn chay. Con chẳng biết sao từ nhỏ đến giờ con đã thích ăn chay nhưng ba mẹ con lại không cho con ăn. Dù gia đình con theo Phật Giáo nhưng lại thường xuyên sát sanh hại vật. Mỗi lần như thế con thường hay khóc thương và không muốn ăn nhưng ba mẹ lại ép con ăn. Càng lớn con lại sợ ăn thịt nhưng mẹ con không cho con ăn đậu hủ và đồ chay vì bảo rằng sẽ không đủ chất dinh dưỡng. Vì thế mẹ con hầu như giới hạn món chay trong nhà cho con. Đọc thêm và hiểu về Phật pháp con càng thương cha mẹ mình nghiệp sát nhiều quá và cố gắng niệm Phật, làm việc thiện hồi hướng cho cha mẹ cũng như mong cho cha mẹ con sớm được giác ngộ hoặc không thì cho con được ăn chay. Xin sư cho con biết con nên làm gì để bố mẹ có thể cho con được ăn chay không ngăn cản con ạ?

ĐÁP:
Trước nhất xin nói về quan điểm ăn chay của Phật giáo: Vấn đề ăn chay đối với Phật tử Việt Nam và thế giới ngày nay không còn xa lạ trong việc phát tâm hoặc ăn chay (ngôn ngữ chính là trai, lâu ngày đọc trại thành chay) kỳ, ăn chay trường. Như chúng ta đều biết xưa nay trong giới tu Phật thường truyền đạt cho nhau: "những người Phật giáo Đại Thừa ăn chay và những người Phật giáo Nguyên Thủy ăn thịt", điều nhận định này hoàn toàn không đúng hẳn. Thông thường Phật Giáo Nguyên Thủy không có những cấm đoán về ăn thịt cá mặc dầu vẫn có những vị sư và cư sĩ Phật tử ở Tích Lan ăn chay thuần túy và có những người khác không ăn thịt nhưng ăn cá. Tại Việt Nam có nhiều vị sư danh tiếng thuộc truyền thống Nguyên Thủy, như Hòa Thượng Thích Minh Châu suốt đời dùng chay.
Những tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa và Việt Nam đều ăn chay thuần túy và nhiều cư sĩ Phật tử cũng cố gắng theo gương họ mặc dầu cũng có một số không ăn chay.
Dầu là Đại Thừa Phật Giáo, một số tu sĩ Nhật Bản và Tây Tạng cũng không ăn chay. Có dư luận cho là dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, do sức ép của nhà vua, một số tu sĩ đã phải hoàn tục và sinh sống như dân thường, có gia đình và không còn ăn chay nữa, mặc dầu vẫn trụ trì chùa.
Còn Tây Tạng thì do điều kiện thiên nhiên ác nghiệt quanh năm sống trên đỉnh núi đá cao, ít đất đai trồng trọt, lại cần nhiều nhiệt lượng, nên thói quen ăn thịt không từ bỏ được.
Quan điểm ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy: Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành. Họ cho rằng sự ăn chay không có mặt trong thời kỳ bắt đầu của Phật Giáo và chính Đức Phật cũng không phải là người ăn chay, ăn chay là một nét đặc thù của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa, bắt đầu từ triều đại nhà Minh, tức thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) và dĩ nhiên truyền mạnh qua Phật giáo Bắc Tông Việt Nam. Trước đó Phật Giáo Trung Hoa cũng không đặt vấn đề ăn chay mặn (ăn mạng chúng sanh) là việc quan trọng cho sự tu hành.
Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng chính Phật không đặt thành vấn đề ăn chay mặn, sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng các đệ tử của Ngài đều ăn theo truyền thống khất thực, "ăn để mà sống và hành đạo", chứ không phải "sống để mà ăn để thụ hưởng". Nói thế, nhưng thời Đức Phật sinh tiền ngài vẫn ăn chay.
Tuy nhiên đây chỉ là những nguồn dư luận do một số người ngoại quốc tham quan du lịch, có tìm hiểu về đời sống tu sĩ của các quốc gia trên.
Ở bài thuyết pháp tại Việt Nam, Sư có trả lời về vấn đề ăn chay, có truyền thống tại đất nước Trung Hoa cổ đại, trên vùng đất thuộc nhà Lương như sau: "Việc ăn chay của tăng sĩ Trung Quốc, được hoàn toàn tuân thủ là từ lúc vua Lương Võ Đế lên nắm quyền cai trị và có chiếu chỉ truyền lệnh Tăng sĩ Phật giáo phải ăn chay trường. Lương Võ Đế là vị vua vô cùng kính trọng và mến mộ đạo Phật, ở thời kỳ đầu, khi Phật giáo mới truyền bá vào Trung Hoa, nền tảng chưa vững chãi, trước sau lại bị nạn Ngụy Vũ, Châu Vũ, nếu không có Lương Võ Đế thì Phật giáo khó mà tồn tại được. Niên hiệu Thiên giám thứ ba, nhà vua cùng hàng vạn người tập trung tại điện Trùng Vân tuyên bố từ bỏ Đạo giáo, chỉ tuân hành pháp của đạo Phật, và ông cũng là người chính thức đề xướng triệt để việc ăn chay đối với hàng Tăng sĩ đương thời.
Vào thời đức Phật, việc ăn chay chưa được thực hành trong Tăng đoàn; và đức Phật cho phép người xuất gia được dùng ba loại thịt gọi là tam tịnh nhục, đó là thịt của con thú mà người thọ dụng không nhìn thấy con thú đó bị giết, thịt con thú mà người thọ dụng không nghe tiếng kêu gào của nó, và thịt của con thú mà người thọ dụng không nghi là giết thịt cho mình ăn. Nhưng tại sao đức Phật lại cho phép ăn tam tịnh nhục mà không khuyến khích ăn chay? Điều này tùy thuộc vào những điều kiện xã hội thời bấy giờ. Và khi mà thực phẩm hàng ngày của các Tỳ-kheo tùy thuộc vào việc khất thực thì họ khó có thể lựa chọn lối ăn chay trong khi dân chúng đều ăn mặn.
Nhưng dù đức Phật cho phép ăn tam tịnh nhục, thì Ngài vẫn luôn đề cao lòng từ bi và khuyên ngăn việc giết hại chúng hữu tình. Trong kinh có thuật rằng, một ngày nọ, đức Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên dân chúng ở đó nên bắt chước theo những làng khác, trồng trọt rau trái, lúa gạo để làm thực phẩm sinh sống, chứ đừng quá say sưa vui thú trong việc săn bắn. Ngài cũng từng khuyên vua Tần-bà-sa-la không nên giết hại thú vật để tế thần. Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dù Phật có chế pháp tam tịnh nhục nhưng Ngài không khích lệ đệ tử ăn thịt gia súc. Ngài không bắt buộc Tăng chúng phải ăn chay vì thực phẩm khất thực có được là do dân chúng tự nguyện cúng dường, cho nên dân chúng có lòng thành cúng dường phẩm vật gì thì dùng thứ ấy. Nhưng dù đức Phật cho phép dùng tam tịnh nhục, thì có mười loại thịt sau các Tỳ-kheo không được dùng, đó là thịt người, thịt voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu. Sở dĩ đức Phật cấm ăn những loại thịt này là vì những lý do sau: thịt người thì không thể ăn vì quá dã man; thịt voi và thịt ngựa không được ăn vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu không được ăn vì rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù...
Bạn ạ! Khuyên một người ăn chay không dễ đâu Bạn, huống gì khuyên nhiều người ăn chay, ăn chay trường hoặc Cha Mẹ biểu đồng tình với Bạn để ăn chay. Sư ghi lại nơi đây những ngày ăn chay theo quy định, có mức độ dành cho người phát tâm ăn chay, tập ăn chay, giúp cho mọi người có thể chấp nhận được trong việc tìm đến ăn chay. Theo quy tắc thiền lâm quy chế, có quy định việc ăn chay trường, ăn chay kỳ cho người Phật tử, mỗi tháng người Phật tử có thể phát tâm ăn chay kỳ, theo thời gian như sau: ăn chay vào ngày rằm, mùng một (2 ngày) - ăn chay vào ngày 14,rằm, 30,mùng một (4 ngày) - ăn chay vào ngày mùng 8,14,rằm, 18, 30,mùng một (6 ngày, tháng thiếu thì ăn chay 29, mùng 01) - ăn chay vào ngày 8,14,rằm, 18, 23,24,28,29, 30,mùng một (10 ngày, tháng thiếu thì ăn vào ngày 27,28,29, mùng 01) – nhẫn đến phát tâm ăn chay trường, công đức vô lượng.
Mặc khác, xin cung cấp thông tin về nguyên nhân ăn chay theo ý tưởng khoa học của Bác sĩ Vũ Hướng Văn; theo Bác sĩ thì các trường phái ăn chay đều có những quan điểm chung tuy mức độ có khác nhau chút ít, nhưng đều thống nhất là: con người không phải là loài ăn thịt, mà là ăn ngũ cốc và rau quả, bởi vậy đã ăn chay là không ăn thịt. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều bằng chứng nhằm chứng minh rằng con người là sinh vật ăn ngũ cốc:
So sánh nanh vuốt thấy con thú ăn thịt có móng vuốt sắc như dao là để vồ, cấu xé con mồi. Sự chuyển động độc nhất lên xuống của quai hàm, sự bén nhọn sắc cạnh của những chiếc răng nanh dài và thiếu răng để nghiền. Ruột rất ngắn (chỉ bằng 3 lần chiều dài cơ thể), dạ dày lại tiết nhiều acid (gấp 10 lần so với các loài thú không ăn thịt), vì việc tiêu hóa thịt đòi hỏi không ứ đọng thức ăn lâu trong ruột, không gây lên men thối sản sinh nhiều chất độc.
Con người là sinh vật ăn ngũ cốc, rau quả, có cấu tạo của bộ tiêu hóa khác với sinh vật ăn thịt. Răng người là để nghiền hạt, ruột rất dài (gấp 6 lần chiều dài cơ thể) thức ăn đi qua mất từ 18-24 giờ. Trên thực tế, loài người thời nguyên thủy là những người ăn trai (chay) tuyệt đối, khi chưa tìm ra lửa để nấu nướng, thì phải ăn sống, thức ăn tiêu hóa chậm hơn càng cần phải có thời gian ở trong ruột lâu để được lên men lactic. Cho đến mãi sau này khi biết sử dụng lửa họ mới biết cách ăn thịt. Nếu ăn ngũ cốc và rau quả thì chỉ có sự lên men lactic, hầu như phân không có mùi thối và không chứa chất độc. Khi thức ăn thực vật chứa nhiều glucid dễ lên men thì sự lên men xảy ra sớm và tự nó ngăn cản được việc thối rữa vốn thường xảy ra chậm hơn. Vi khuẩn lên men lactic hoạt động trong môi trường acid, còn vi khuẩn lên men thối rữa không phát triển được trong môi trường này. Sự thối rữa lên men sản sinh nhiều chất vi sinh độc hại sẽ tàn phá cơ thể con người.
Nghiên cứu các nguyên nhân trên, người Phật tử nên biết, việc ăn chay cũng xuất phát từ nhơn duyên thân sinh lý và nhằm bảo vệ thân sinh lý, đồng thời cũng phát huy căn lành và sự hiểu biết của Phật tử, nhất là ở Việt Nam có người ăn chay thì mạnh khỏe, ăn mặn thì bệnh, có người sanh ra và lớn lên ăn chay, có người ăn chay không được. Nhìn chung đa số xuất phát từ sự khởi tâm thanh tịnh của mọi người mà ăn chay.
Trên đây là những luận giải về ăn chay, xin nhắn với những người con Phật nên phát tâm ăn chay, ăn kỳ hay ăn trường cũng đều được chấp nhận. Bạn ăn chay, thương cha mẹ, muốn báo hiếu giúp cha mẹ tu Phật, tập lần ăn chay, tránh bớt sát sanh đến không còn sát sanh nữa, tạo thành môi trường trong sạch trước mắt trong thân thể mọi người là điều quý báu. Chắc chắn bố mẹ sẽ không ngăn cản Bạn ăn chay. Chúc Bạn thành công.

Câu 3:
Con năm nay 18 tuổi và là con trai một trong gia đình. Gia đình con cũng theo Phật giáo và rất khá giả. Con học khá giỏi ở trường và cha mẹ con có ý muốn cho con đi du học sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên con lại muốn được đi xuất gia hơn là đi học. Càng ngày con càng cảm thấy sợ hãi với cuộc sống tranh dành hơn thua ở ngoài. Con thấy mệt mỏi. Vì thế ngoài thời gian đi học con chỉ biết đọc kinh, đi chùa hoặc giúp quý thầy làm Phật sự. Dần dần con chỉ thích cuộc sống ở chùa nhưng gia đình con không ủng hộ việc con đi xuất gia. Cách đây mấy năm có lần con đề cập đến vấn đề này mẹ con đã khóc rất nhiều và dần dần lại càng sợ con đến gần tam bảo.
Mẹ con bảo nhà chỉ có mình con, ba mẹ trông đợi tất cả ở con nên ba mẹ không thể sống thiếu con. Do đó, ba mẹ con tính cho con đi du học thì ý định xuất gia sẽ tan dần và con sẽ vẫn lập gia đình, sinh con như ba mẹ mong muốn có người kế nghiệp gia đình. Dầu con đã mang câu chuyện cuộc đời về Đức Phật từ bỏ ngai vàng điện ngọc xuất gia đó là đại hiếu nhưng ba mẹ bảo đó là Phật còn con là con. Con đi tu là bỏ ba mẹ và tất cả tài sản ba mẹ làm là để cho con nhưng từ nào đến giờ con hiếm khi cần gì dù ba mẹ đã lo tất cả xe cộ nhà cửa để dành cho con. Từ nhỏ đến giờ dưới mắt ba mẹ con là một đứa con rất ngoan và là niềm tự hào về mọi mặt của ba mẹ. Còn họ hàng và bạn bè thì cho con là có vấn đề, là điên rồ khi đầy đủ tất cả tiền tài, học hành lại rất giỏi, tương lai rộng mở lại vào chùa xuất gia nên ra sức ngăn cản. Sư ơi, con thật sự rất muốn được xuất gia nhưng lại không hề muốn ba mẹ con bị đau phiền vì con mà muốn ba mẹ vui vẻ chấp nhận cho con được xuất gia vậy con phải làm sao ? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:
Chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của sự xuất gia:
Nghe Bạn tâm sự thì Bạn là "con một" thuộc vào hàng "quý tử" của gia đình, có đầy đủ tố chất của con nhà gia giáo kính tin Tam Bảo. Bạn giác ngộ và phát tâm xuất gia đầu Phật, nhưng Bố Mẹ không cho, Ban khổ tâm.
Nay nhằm hóa giải những ưu tư của Bạn, Sư sẽ nói về ý nghĩa của xuất gia và 2 từ ngữ Phật học xuất gia, chắc chắn khi đã hiểu ý nghĩa xuất gia thì Phật tử không còn "bị trở ngại" trong việc phát tâm xuất gia tu hành.
Xuất gia tiếng Phạn gọi là Pravray, là ra khỏi nơi tăm tối, ràng buộc, rắc rối và bất an. Định nghĩa chữ xuất gia như thế có nhiều người không đồng ý. Cớ sao lại cho gia đình là nơi tối tăm, bất an. Thế cụm từ "mái ấm gia đình" nghĩa là gì, hay là hạnh phúc gia đình, hoặc là "Home sweet home" mà người Âu Mỹ thường nói ? Đối với người tu, chữ xuất gia không đơn giản là rời nhà sống kham khổ trong tu viện, mà được phân tích thành ba nghĩa rõ rệt:
Nghĩa thứ nhứt là xuất Hồng trần gia, cũng gọi là xuất Thế tục gia. Hồng trần gia hay Thế tục gia đều là nơi dễ tạo nghiệp nhất. Ta có khuynh hướng chạy theo ngũ dục lạc, luôn sống trong tâm trạng bất an. Người hiểu đạo phải rời ngay căn nhà thế tục đó, và gởi thân nơi cảnh chùa. Xưa kia, chùa chiền thường được gọi là chốn không môn hay cửa không. Tiếng Phạn gọi là A Lan Nhã. Chữ ’Không’ hàm ý chỉ cái tâm không còn thấy gì của thế gian, không tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Một khi ở chùa, phải bỏ hết tâm thế gian, tâm đời, phải y giáo phụng hành, chớ nên giữ lại những tâm hơn, tâm thua, tâm thương, tâm ghét. Nếu còn những tâm đó thì sao gọi là vào chốn không môn. Khi xưa, đức Thế Tôn tu khổ hạnh nơi rừng sâu núi thẩm, nơi đó cũng gọi là chốn không môn.
Nghĩa thứ hai của xuất gia là xuất Tam giới gia. Nghĩa này khó hiểu hơn nghĩa trên rất nhiều. Tam giới là ba giới : dục, sắc và vô sắc giới. Ra khỏi nhà dục giới thì quý vị, dù ít dù nhiều, cũng hiểu rồi, còn ra khỏi nhà ở cõi sắc và vô sắc, là những cảnh giới của cõi trời, vui sướng an lạc vô cùng, nơi mà "tưởng y y chí, tưởng thực thực lai". Nghĩa là muốn gì được nấy. Có ai muốn ra khỏi cái nhà sung sướng như thế để làm ông thầy tu khổ hạnh ? Do đó xuất Tam giới gia có vẻ khó hiểu. Càng khó hiểu hơn, khi tuổi thọ ở cõi vô sắc lâu không thể tưởng, phước báo nhiều không thể tưởng. Lý luận như thế, ta cố tình hướng nguồn suy tưởng của ta đi theo một chiều nhất định. Ta phải nhìn vấn đề rộng sâu hơn. Nên biết, xuất gia không phải vì thiếu thốn, khổ cực, không phải vì cái gọi là thế thái nhân tình. Xưa kia, thái tử Sĩ Đạt Ta sống trong cung vàng điện ngọc, chẳng khác gì các cõi trời sắc giới, vô sắc giới, mà thái tử vẫn xuất gia, giũ bỏ một cách dễ dàng. Điều này chứng tỏ rằng, đi tu không phải vì hoàn cảnh, hay vì những khổ lụy của đời, như nhiều người tưởng. Những người như thế, sự ra đi của họ nhẹ như lông hồng. Đó mới thật là xuất Tam Giới gia.
Tu hành, lắm lúc ta gặp nhiều thuận duyên. Ví dụ như ta xuất gia ở một ngôi chùa nào đó, vật chất quá đầy đủ. Họ trọng về ăn, mặc, ở ; nghĩa là đời sống vật chất rất dồi dào. Trong hoàn cảnh đó, người với chí "xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng" thời không chấp nhận. Đó là hành động xuất tam giới gia. Bằng không, tu không đặng, tiến không lên, tâm linh trở nên lu mờ vì vật chất sung túc. Ý chí không kiên cường, không có được cái đại hùng đại lực.
Nghĩa thứ ba của xuất gia là xuất Vô minh gia. Nghĩa này thật tuyệt diệu. Trong Cảnh Sách, khi luận về kẻ sĩ xuất gia, có nói "phát túc siêu phương, tâm hình dị tục". Ý nói bước chân đến chốn siêu thoát, chốn chùa chiền thì tâm với hình phải khác thế tục. Bằng như giống thế tục, khó tu lắm. Cũng có người trong hoàn cảnh nào tu cũng được cả, để tóc kiểu nào cũng tu được hết, những người như thế tâm họ thường sáng và tịnh. Đó là nhờ thắng duyên đời trước dầy công tu trì. Trường hợp này rất hiếm. Hành động cạo tóc, mặc áo cà sa tự chúng đã là thắng duyên rồi đó. Khi đã đầu tròn áo vuông thì phải "thiệu long thánh chưởng", để luôn luôn làm cho dòng thánh hưng thạnh. Dòng thánh là đạo Phật đó. Mà đạo Phật hưng thạnh để làm gì ? Chỉ để làm cho chúng sanh thức tỉnh, tự biết có ánh đèn sáng trong tâm. Một khi đốt lên, ánh sáng vô cùng tận. Đó là minh, là xuất vô minh gia.

Vấn đề xuất gia đối với Phật tử "con một" và "trẻ tuổi":
Gia đình hạnh phúc là gia đình có phước duyên từ nhiều đời các thành viên trong gia đình làm việc phước thiện, nay gặt hái được quả lành nên cùng sống chung trong gia đình trong ấm ngoài êm. Tuy nhiên, trong cái hạnh phúc chân chính đó cần được nhân lên, gia đình Bạn tiếp tục tu nhơn tích đức theo tiến trình của cuộc sống thì cơ đồ hạnh phúc sẽ miên viễn. Gia đình Bạn là con nhà Phật, tuy nhiên việc tu Phật cũng có 2 cách tu: một là tại gia, hai là xuất gia.
1/ Cư sĩ tại gia: Phát tâm và tiếp nhận quy y Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới cấm, tín tâm tín niệm Phật tại nhà mà tu hành cũng rất quý báu trên đường Đạo, tiến đến làm bạn với thánh hiền, thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ.
2/ Tu sĩ xuất gia: cắt ái từ thân, không còn sống chung với Bố Mẹ, người thân, xả bỏ việc thế gian, vợ chồng con cái, đối với vật chất chỉ còn sử dụng tối thiểu những gì cần thiết cho bản thân, không xa hoa phung phí tinh thần lẫn thể chất, sống đời sống phạm hạnh đạm bạc nơi chốn A-Lan nhã thanh cao, tiến đến đắc đạo thành Phật cứu độ chúng sanh.
Thế thường, làm bậc cha mẹ hay nghĩ suy: sinh con, nuôi con khôn lớn, mong cho con nên người, nên sự nghiệp, nối dõi tông đường, phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi già: "tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão". Xa con không nỡ không đành, đó là tình cảm của Bố Mẹ với con cái. Về thể chất Bố Mẹ chắc chắn sẽ để lại cho con tài sản nhà cửa, tiền bạc, đất đai v.v... Về tinh thần dạy cho con biết dòng biết giống, biết tộc họ tông phong, giữ gìn gia môn viềng mối, không để mất gốc tổ tông. Việc Bố Mẹ không ưng thuận theo lời cầu xin của Bạn là đúng.
Nhưng tất cả những tinh thần và thể chất cục bộ ấy theo quan niệm Phật giáo thì Đức Phật dạy: Chỉ là nhất thời trong cuộc thế trăm năm, quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Quan điểm của nhà Phật còn tiếp: "Gia đình có người xuất gia tu Phật là gia đình đại phước đức, đấy là nhân chủng phước thọ miên trường cho gia đình Phật tử, hi hữu trên thế gian, vượt bực thế gian, biến thế gian thành Tịnh Độ.
Trong Kinh Hiền Ngu, phẩm Hoa Thiên, Phật dạy:
"Xuôi về quá khứ ở vào thời ký chánh pháp Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời giảng Kinh thuyết pháp, có một "bần nhơn" phát tâm muốn nghe pháp, nhưng ngại nỗi không có tiền bạc để cúng dường, trong khi mọi người có nhơn duyên đủ điều kiện được đến nghe Phật thuyết pháp.
"Bần nhơn" đi tới đi lui trước giảng đường mà không sao vào được, chợt nhìn bên vệ đường thấy cỏ hoa đang trổ, "bần nhơn" mừng rỡ liền hái các cành hoa cỏ đem rửa sạch rồi dâng cúng cho Đức Phật, Phật liền nhận và đặt bó hoa cỏ kế bên gối của Ngài, lúc bấy giờ "bần nhơn" được chấp thuận cho vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp và phát đại giác ngộ.
Đến 500 kiếp sau, Phật thị hiện vào cung vua Tịnh Phạn, làm Hoàng Thái Tử Vương quốc Ca Tỳ La Vệ, bên chân núi Hy Mã Lạp Sơn tu đắc đạo thành Phật với danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn "bần nhơn" thì được tái sinh làm con nhà Trưởng giả quyền quý cao sang, chú bé ra đời trong nhung lụa, lúc mới sanh được chư thiên tung hoa trời mừng rỡ, khi lớn lên bước chân đi đến đâu đều có ngàn hoa đỡ chân, tung hô đón chào. Tuy nhiên khi lớn lên được 14 tuổi, Bé xin cha mẹ cho theo Phật Thích Ca xuất gia, Ông Bà Trưởng giả là người giàu có nhưng hiền đức quảng đại vô biên, tâm lành luôn xuất hiện, vui lòng ưng thuận cho con trai xuất gia theo Phật tu hành, lúc bấy giờ được Đức Phật nhìn thấy căn lành của chú Bé thuộc vào hàng đại căn đại ngộ, ngài chấp thuận thọ ký được xuất gia và đặt pháp danh là Hoa Thiên, tinh tiến tu hành dẫn đến đắc quả A-la-hán".
Qua câu chuyện tiền thân Đức Phật và vị A-la-hán Hoa Thiên chúng ta thấy gì:
Một là: Sinh nhằm thời Đức Phật ra đời là chuyện hi hữu trong thế gian, thật quý báu vô cùng, phát tâm nghe pháp là lực phát, huệ sanh, trí mở tiến đến giải thoát, giải thoát tri kiến.
Hai là: Nhơn duyên Phật pháp thật là tối thắng, trong các pháp không pháp nào hơn pháp Phật nên gọi vô thượng chính đẳng chính giác.
Ba là: Nghe pháp lợi ích vô lượng, xuất gia tu hành là cao thượng. Người có thể bỏ tất cả tài sản thế gian, những hạnh phúc nhất thời để theo Phật và rốt ráo thành Phật như Phật Thích Ca.
Hạnh phúc là kết quả của việc tu hành giữ tròn tam quy ngũ giới, thập thiện, dứt các việc ác làm các việc lành; nhưng đôi khi cũng lắm ràng buộc con người và chúng sanh làm cho lạc lỏng giữa rừng đời trong tam giới, không có lối thoát. Hạnh phúc hay nghèo nàn rốt rồi cũng chán ngán kiếp phù hoa sớm nở tối tàn, kiến cánh phù du chết bởi ánh sáng. Nói như thế không có nghĩa Phật giáo chủ trương yếm thế bi quan, nhưng muốn nói đến chỗ cứu khổ ban vui, làm cho tăng phước, tăng huệ, đã phú quý vinh hoa thì càng phú quý hơn khi gia đình kính tin Tam bảo.
Khi còn trẻ, Sư muốn xuất gia nhưng không được vì bận bịu thôn lân Gia quyến, Ông Bà và Bố, Thầy rồi Chị, còn Mẹ thì mất lâu lắm rồi. Lúc bấy giờ tự thân lên chương trình sinh hoạt gia đình, sáng trưa chiều tối phải làm gì và có thời biểu tụng Kinh, niệm Phật như trong chốn Thiền lâm. Đến giờ lần tràng niệm Phật thì nghiêm chỉnh niệm Phật, cảm nhận tâm hồn cũng thanh thoát như chốn cửa thiền, nên "thân tuy ở thế tục mà tâm giải thoát tự bao giờ, cũng không sợ thiên hạ gọi mình là "Thầy tu", mà còn vinh dự được làm "Thầy tu" của Phật
Tuổi trẻ phát tâm xuất gia của Bạn cũng chính là sự tinh tấn tu hành trong thời niên thiếu của Sư, nay Sư ghi lại vài dòng, Phật tử lấy đó mà nương tu sẽ được như ý nguyện.
Nhớ lại vào năm 1959, cách đây 53 năm trước khi xuất gia, tâm huyết lúc nào cũng hướng thượng non cao tĩnh mặc, sơn lâm tịch tĩnh, nhưng làm sao được khi mình chưa đủ điều kiện, nên thỉnh thoảng đọc bài:
Thị nhựt dĩ quá
Mạng diệc tuỳ giãm
Như thiểu thùy ngư
Tư hữu hà lạc
Đại chúng!
Đương cần tinh tấn
Như cứu đầu nhiên
Đản niệm vô thường
Thận vật phóng dật

Nghĩa:
Ngày nay lại đã qua rồi
Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan
Dường như cá cạn ở ao
Khổ thêm thì có chớ nào vui đâu
Cần tu như lửa đốt đầu
Đừng cho sái buổi như chầu Đế Vương
Tấm thân mỏng mảnh vô thường
Sớm còn tối mất tầm phương cứu mình
Sư được phụ thân là cư sĩ tu hành thuần thục, đệ tử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị Bồ tát tự thiêu năm 1963 để bảo vệ chánh pháp, dạy bài:
Nhứt hồi hướng chân như thật tế tâm tâm khế hiệp.
Nhị hồi hướng vô thượng Phật quả Bồ đề
Tam hồi hướng nhứt thiết chúng sanh đồng sanh Tây phương Cực lạc thế giới đồng thành Phật đạo – Nam mô A Di Đà Phật.
Tâm bạn lúc nào cũng hướng đến Phật quả "tâm mình là Phật, tâm mình làm Phật và khả năng đó mọi người đều có"; tâm lúc nào cũng hồi hướng Phật quả vô thượng thanh tịnh, giải thoát sanh tử luân hồi; bao nhiêu công đức, tâm quyết tu hành của mình đều hướng về đạo vô thượng, cầu cho mọi người cũng đều được như mình không khác để được vãng sanh Tây phương Cực lạc, đồng được trọn đạo vô thượng.
Mỗi đêm tụng bài:
A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ tu di
Hám mục trừng thanh tứ đại hải
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa bồ tát chúng diệc vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn
Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại bi Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật (đọc 3 lần, tiếp niệm câu):
Nam mô A Di Đà Phật (108 lần)
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát (3 lần)
Nam mô Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ tát (3 lần)
Tụng bài Hồi hướng (trích trong Kinh Tam Bảo Nhựt Tụng thông dụng) – Tự Quy y – lạy 3 lạy rồi lui ra nghỉ ngơi.
Ngoài các bài tụng thông dụng mà Bạn phải thực hành, một đôi khi đi vãng cảnh với bạn bè, Bạn cần phổ biến đọc bài nầy cho các bạn nghe, rất dễ hiểu và cảm thông với bạn:
Dục ít tinh thần khỏe
Lo nhiều khí huyết suy
Không chun nào loạn tánh
Một nhịn khỏi hao tài
Sang tại siêng năng đổ
Giàu nhờ tiện tặn dai
Dịu mềm sau có ích
Hung dũ sẽ mang tai
Khéo xử nên quân tử
Xui mưu lắm họa thay
Chốn thầm đừng bắn lén
Cảnh nghịch giả ngây hoài
Tánh tốt gìn tam thiện
Lòng gian uổng thập trai.
Nha môn đừng kiện cáo
Làng xóm chớ chê bai.
Bổn phận nương cơ tạo
Thị phi lắp lỗ tai
Lời nầy ai giữ đặng
Nạn khỏi phước lâu dài.

Tu hành như trên không khác tu sĩ xuất gia chút nào phải không Bạn! Như vậy khi chưa được xuất gia chúng ta cũng có khả năng tu hành như người xuất gia thôi, không có gì phải bận bịu đau thương phiền não. Không có gì quý bằng thân Bạn chưa xuất gia nhưng tâm Bạn đã xuất gia. Thân xuất gia bị lắm điều trở ngại, nhưng tâm xuất gia thì không còn bị trở ngại. Bạn có thể phát tâm tu hành dù ở hoàn cảnh nào tu cũng được, không phải phiền não vì nguyên nhân gia đình hay tình cảm Bố Mẹ, trường hợp của Bạn rơi vào hàng xuất gia với danh nghĩa "xuất vô minh gia".
Bạn ạ! Theo ý nghĩa của Bậc chơn tu giải thoát, theo Lục Tổ nói :" Xuất gia hay tại gia đều chẳng khác". Xuất gia hay tại gia là tùy theo hoàn cảnh cá nhân, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhân duyên khác nhau, xuất gia hay không là tùy duyên, chứ không phải có sự nhất định...".
Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm nhất định sẽ toại nguyện.

Câu 4:
Con là một Phật tử chỉ vừa mới bước chân vào cửa đạo. Vì thế khi vào chùa và đọc sách, con bị tán loạn không biết Phật giáo thật sự là như thế nào? Nhiều bạn cũng chỉ dạy cho con về nhân quả luân hồi nhưng con như bị ngợp. Vào chùa con lại không biết tại sao người ta thờ quá nhiều tượng Phật, nhiều hình ảnh các vị tổ sư nhưng có chùa lại không thờ gì cả? Và các danh từ Phật giáo con lại càng rối hơn. Vậy tại sao người ta gọi là chùa, là tu viện, là đạo tràng, là tổ đình v.v...? Vào chùa con nên thực hành nghi lễ như thế nào là đúng? Con có nên thắp nhang khi vào chùa không? Thật lòng con thấy người ta thắp nhang quá nhiều ở chùa và con không thích vì toàn khói bụi ô nhiễm nhưng không biết nên làm thế nào? Xin Sư hoan hỉ chỉ dạy cho con được biết. Con xin thành kính cảm ơn.

ĐÁP:
Những nghi vấn của Bạn là việc chung của Phật tử khi mới quy y Tam Bảo, nhưng là Phật tử có tâm chí thành học đạo, tuy chưa hiểu sâu giáo lý Phật, nhưng có ý hướng thượng, quý hơn người quy y thâm niên mà không thông hiểu gì về Phật Pháp mới đáng ngại.
Người ít thông hiểu giáo lý Phật hay dễ bi sa đà, ngã ngựa trong quá trình làm con của Đức Phật: nay theo đạo nầy, mai theo đạo kia, mốt theo đạo nọ... hất là Bạn ở bên chân trời Âu Mỹ rất dễ bị lôi cuốn theo những ý tưởng lệch lạc với giáo lý Đức Phật, mặc dù họ không từ bỏ giáo lý đức Phật!
Dù ở đông hay tây bán cầu, nhưng khi quy y Phật rồi Bạn cần thực hành giới luật Phật, những bài vỡ mà Bạn đã được làm phép quán đỉnh và thọ học. Ở trường hợp nầy, Ban hiểu biết ít hay nhiều cũng không sao, vì hiểu đến đâu thực hành đến đó, cố công nghiên tầm học tập giáo lý thật nhiều, hiểu biết sâu rộng sẽ tránh được những lạc lầm theo ý tưởng tà kiến ngoại đạo. Ban nói là vào chùa đọc sách bị tán loạn, lý do Bạn chưa hiểu từ ngữ Phật học, sao bạn không gần gũi Thầy Cô để được học Phật Pháp, giáo lý Phật học; muốn hiểu được Phật pháp trước phải học giáo lý Phật học để biết những điều hay lẽ phải của Phật dạy. Trong đại luật, sách Yết Ma Chỉ Nam của Hòa Thượng Thích Trí thủ biên soạn, có ghi lời Đức Phật dạy cho hàng tín tâm cư sĩ như sau:" làm Phật tử có 4 việc chính cần phải thực hiện: Một là gần gủi thiện sĩ (thầy Bổn sư, chư Tăng Ni) gần người lành tìm học Phật pháp để tu, học giáo lý Phật học để biết. Hai là, trọn đời thực hiện các việc lành, thánh thiện, tránh xa các điều ác, mê lầm; Ba là học Giáo lý Phật học để biết, tại sao giáo lý Phật có sức thu hút chúng sanh và mọi người khi phát tín tâm quy y Tam Bảo không đánh mất niềm tin; Bốn là thực hiện những điều Phật dạy mà Phật tử đã học. Các Ban thực hiện đủ bốn điều nầy thì đủ duyên, đủ tố chất người Phật tử; chẳng những thế mà còn là người xuất gia mẫu mực trong nội tâm của người cư sĩ.
Thế thường trong học đường Việt Nam thì nói: "học Thầy không bằng học Bạn"; tuy nhiên học Ban thì học, nhưng nếu muốn tu hành đúng đắn phải tầm minh sư, minh sư là người học cao hiểu rộng, có đạo hạnh, có trí huệ, thiền gia chân chính, tố chất cuối cùng là nhơn duyên, học Phật pháp thì nhờ bạn, đến khi thực hành phải nhờ Thầy mới không "choán ngợp", vì Thầy là sứ giả của Phật, lão thông giáo lý, tri và hành hiệp nhất, nói được lời Phật, phân tích cạn kẽ những áo nghĩa lời Phật dạy.
Việc thờ phượng cốt tượng Phật:
Tại sao có chùa nơi thờ nhiều tượng Phật, có nơi thờ một tượng Phật?
Thật sự thì người con Phật chỉ thờ một Đức Phật, mà Đức Phật đó tức là Phật Thích Ca Mâu Ni, như các chùa Nam tông Phật giáo, Tịnh xá Khất Sĩ, một số Thiền viện, Tu viện, chùa Bắc tông Phật giáo
Hiện nay sở dĩ các chùa thờ nhiều tượng cốt, có nhiều nguyên nhân:
Một là do sự tín tâm của Phật tử, cúng dường tượng cốt Phật thật nhiều vào chùa buộc lòng vị Trụ trì phải tôn thờ để cho đệ tử được phước, và vui lòng.
Hai là các ngôi Chùa Bắc tông ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam ngoài việc thờ tượng Phật Thích Ca, còn thờ thánh tượng Tây Phương Tam Thánh, Di Lặc Tôn Phật, Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền tại ngôi Tam Bảo, thờ chư lịch đại tổ sư kế thế Trụ trì, thờ Phật mẫu chuẩn đề, Giám trai Sứ giả bao nhiêu đó cũng thấy nhiều lắm rồi. Các chùa cổ Trung hoa, Việt Nam còn thờ Phật Địa Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập điện Diêm vương v.v...
Một số ít chùa thờ ngôi Tam Bảo Thánh tượng Quán Thế Âm, có chùa thờ Thánh tượng Di Lặc Tôn Phật (Tam Bảo mười phương), các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam có liên quan đến Đạo Phật, như Phật giáo Tứ Ân thờ "tấm vải trần điều", Phật giáo Hòa Hảo thờ tấm "vải nâu", chùa của Phật giáo Tứ Ân thờ Phật Thích Ca nhưng không có tượng Phật Thích Ca, nhẫn đến các vị Phật, Bồ tát khác cũng thế (gọi là thờ vô vi).
Học giáo lý Phật học:
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật dạy: "giáo pháp Phật chỉ có một thừa là Phật thừa, nhưng vì phương tiện độ sanh nên nói ba thừa Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn thừa để có nhiều phương tiện độ sanh; giúp cho giới trí thức cũng tu được, người giàu, người nghèo, nam nữ trẻ già, không luận sắc tộc màu da cũng đều tu được. Thường thì mọi người khẳng định vào chùa tâm an lạc, khi nghe pháp luôn sanh lòng hoan hỉ, nhưng Bạn thì nói học kinh, học từ ngữ Phật học lại rối hơn là tại Bạn dễ tin, gặp đâu tin đó, dễ bị lung lạc mê lầm, nên Bạn cần phải tập trung tu học và tác pháp hành pháp tu có mực thước thì không có gì phải rối. Rối là việc của thế gian, việc Phật thì không rối, mà còn làm cho Bạn thêm tĩnh tâm chánh niệm.
Bạn có nhớ, những lúc đi siêu thị, bạn có rối lắm không, chắc chắn là không rồi, siêu thị tuy nhiều mặt hàng, nhưng khi Bạn đến để mua hàng, thì trong đầu Bạn có tính sẳn mua cái gì? và hàng ở đâu? thì đâu có gì phải rối.
Các từ sử dụng cho cơ sở thờ tự:
Cơ sở thờ tự, nơi thờ Phật thường gọi là ngôi Tam Bảo, Chính điện, Đại hùng Bửu điện là trái tim của người con Phật, nơi mình gởi gấm tâm tư của đời người tu sĩ, cư sĩ Phật tử đệ tử của Đức Phật.
Ở Việt Nam, nơi thờ Phật gọi là Chùa, Tu viện, Thiền viện, Tịnh xá, Tinh xá, Tăng xá, Ni viện, Thiền Tự, Tịnh thất, Niệm Phật Đường, xưa nhất gọi là Cổ tự hay Tổ đình.
Tổ đình nơi thờ Phật, Bồ tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, lưu trữ kinh sách Phật, nơi chư Tăng hoặc chư Ni cư trú tu hành, có nhiều người kế thừa Phật pháp, nơi xuất thân chư Tăng Ni tu hành và được bổ nhiệm đi hành đạo.
Chùa nơi thờ Phật, Bồ tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, lưu trữ kinh sách Phật, nơi chư Tăng hoặc chư Ni cư trú tu hành.
Tu viện nơi thờ Phật, thờ Tổ sư Tịnh độ Lô Sơn Huệ Viễn, Tổ sư khai sơn môn phái, lưu trữ kinh sách Phật, nơi đào tạo chư Tăng hoặc chư Ni tu Tịnh độ niệm Phật.
Thiền viện nơi thờ Phật, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, lưu trữ kinh sách Phật, nơi đào tạo chư Tăng hoặc chư Ni tu Thiền.
Tịnh xá nơi thờ Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang, lưu trữ kinh sách Phật, nơi chư Tăng hoặc chư Ni tu theo pháp hạnh Khất sĩ.
Các chùa, Thiền viện Nam tông thờ Phật và chư vị A La Hán, lưu trữ kinh sách, chư Tăng viên tịch.
Tịnh thất là nơi thờ Phật, Bồ tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, lưu trữ kinh sách Phật, nơi chư Tăng hoặc chư Ni cư trú tu hành. Tuy nhiên chỉ có một vài vị Tăng, Ni hay Cư sĩ cư trú tu hành mà thôi.
Niệm Phật Đường, Đạo tràng là nơi thờ Phật dành cho Phật tử chiêm bái, tụng kinh niệm Phật.
Tinh xá, Tăng xá, Ni viện, Thiền tự tuy có tên khác, nhưng chủ yếu cũng thờ tự như trên.
Ngoài ra còn có các cơ sở Viện Phật Học, Phật Học Viện, Phật Học Đường, Trường Trung Cấp Phật Học, Lớp Cao Đẳng Phật Học, Lớp Sơ cấp Phật học là nơi đào tạo chư Tăng Ni.
Việc vào chùa lễ Phật thắp nhang (hương)
Đạo Phật có nhiều môn phong pháp phái, mỗi môn phong pháp phái đều có nghi lễ riêng gọi là biệt truyền, làm đệ tử thì có Thầy, Phật tử của môn phong nào thì lễ bái theo môn phong đó, chẳng có gì khó thực hành. Điều cần yếu là không có ý niệm hay mở lời chê khen tôn giáo mà mình tín ngưỡng, dù nơi đó không phải là thầy của mình, không phải là chùa của mình quy y.
Trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, người Phật tử rất tiến bộ và có ý thức khi đi chùa, họ chỉ dâng hương tượng trưng, hoặc khi trên bàn đã có hương, thì họ không còn dâng hương nữa mà chỉ lễ Phật, lễ Tổ và rất thích được diện kiến Trụ trì, chư Tăng hoặc chư Ni để học Phật Pháp và giáo lý Phật học.
Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn (2012), thay mặt toàn thể chư Tăng Ni môn phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Quan Âm Tu Viện chúc Phật tử và gia quyến thân tâm an lạc, vô lượng kiết tường như ý.

( sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết