Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Sanh và TỬ

Go down

Sanh và TỬ  Empty Sanh và TỬ

Bài gửi by minh đài 21/11/12, 09:10 am

Bài giảng hôm nay với đề tài Cội nguồn sanh tử và giải thoát, quí vị
cố gắng lắng nghe, nếu lãnh hội được thì rất tốt, ứng dụng tu tập sẽ
thấy lợi ích rất lớn. Chúng ta trầm luân sanh tử đã vô lượng kiếp rồi,
vì không biết nguồn gốc tại sao phải trầm luân sanh tử, nên theo đó tạo
nghiệp nối tiếp sanh tử mãi mãi. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, phải biết
nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử, đoạn trừ nguyên nhân ấy mới có thể
giải thoát sanh tử được.

Trong kinh Phật nói, chúng sanh do si mê tạo nghiệp đi trong sanh tử
luân hồi. Si mê là gì? Là vật trắng mà nói đen, phải nói quấy, đúng nói
sai, cái nhìn lệch lạc không đúng sự thật gọi là si mê. Như vậy chúng ta
có đồng ý mình đang si mê không ? Chắc không đồng ý, vì ai nói mình si
mê thì giận lắm. Sự thật chúng ta đang si mê. Si mê cái gì? Thân này giả
mà nói thật hoặc cũng biết nói giả, nhưng thực tế chưa sống được với
cái thấy giả ấy. Đa số đều thấy thân này thật, thấy như vậy có đúng với
sự thật không? Nếu thật thì ông cố, ông sơ, ông nội, ông ngoại mình tới
giờ còn nguyên, vì thật nên đâu có mất. Chúng ta kiểm lại còn người nào
không, tới cha mẹ, rồi lần lần tới mình, ai có mặt rồi cũng phải chết
hết. Có mặt một thời gian rồi mất thì nói thật được không? Vậy mà chúng
ta cứ thấy thật.

Sự còn mất của chúng ta trên thế gian này không ai lường trước được. Có
cơ quan bảo hiểm nào dám bảo hiểm cho mình sống trăm tuổi không? Bảo
hiểm khi nào chết bất đắc kỳ tử thì họ bồi hoàn, chớ không ai dám bảo
hiểm tới một trăm tuổi. Đó là một lẽ thật. Vì mạng sống chúng ta mong
manh, bất thường. Nếu xét kỹ chúng ta không biết mình sống được bao lâu,
hết duyên thì đi chớ không ai biết mình sống tới lúc nào. Đức Phật dạy
“mạng người trong hơi thở”, hít vô không thở ra là chết. Thở ra không
hít lại thời gian bao lâu? Chừng vài giây đồng hồ. Có nhiều người đang
ngồi nói chuyện với mình, bất thần nhồi máu cơ tim tắt thở. Hồi đang nói
chuyện mình thấy họ thật, khi tắt thở thấy không thật. Những hình ảnh
này luôn xảy ra trước mắt chúng ta. Như vậy thân giả mà ngỡ thật, có
phải si mê không? Si mê rồi. Đó là nói theo thời gian.

Trong cái giả mà ngỡ là thật thì có những tai hại vô cùng. Thân giả mà
ngỡ là thật, nên những gì nó đòi hỏi chúng ta chiều theo, chạy theo nó,
mới có tranh giành vật chất. Ít thì tranh giành trong phạm vi giới hạn
của gia đình, còn nhiều thì tranh giành không thể kể. Bởi vì thấy thân
là thật, nên tất cả những nhu cầu vật chất chúng ta quí và muốn giành
phần hơn về mình. Có ai chịu nghèo hơn người khác đâu, cái gì người ta
hưởng thụ mình cũng muốn hưởng thụ cho được. Muốn mà không toại nguyện,
sanh ra bực tức, hung dữ. Như vậy từ mê lầm sanh ra tham lam.

Tham lam muốn thụ hưởng tất cả mọi thứ trên đời, người ta có mình cũng
phải có. Từ tham lam nên giành giựt với nhau, nhỏ thì giành giựt trong
chòm xóm, lớn nữa thì giành giựt cả làng cả nước. Đó là lý do tại sao
nước này đem quân đánh nước kia, cũng tại tham mà ra. Từ thấy thân thật
nên con người sanh ra hung dữ, giành giựt với nhau. Hung dữ giành giựt
là cái cớ để giết hại tàn sát lẫn nhau, gốc từ si mê mà ra. Khi nhìn
thấy tường tận thân này là giả thì không còn tham nữa. Nó không thật thì
tham cái gì, tham để làm gì, tự nhiên hết tham. Tham hết thì tự nhiên
không giành giựt đấu tranh giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta nhìn thấy
đúng như thật, thân không thật thì gốc tham hết. Tham hết thì sân cũng
hết, bao nhiêu đó thành Thánh chưa? Không tham gì hết, không giành giựt
với ai, không nổi giận ai, không chống đối ai… Chỉ cần một cái nhìn đúng
về con người của mình thì mọi xấu xa hết. Mọi xấu xa hết thì tự nhiên
chúng ta trở thành người hiền lương, tốt đẹp. Cho nên, biết thân này
duyên hợp, tạm bợ không thật để chúng ta không còn lầm mê nữa. Đó là cái
nhìn thứ nhất.

Người đời chấp thân thật rồi, còn chấp tâm thật nữa. Những suy nghĩ hơn
thua, phải quấy, tốt xấu, được mất, thành bại v.v… đều cho là tâm mình
và luôn chấp tâm suy nghĩ ấy đúng. Bây giờ trong gia đình chồng hoặc vợ
trình bày suy nghĩ của mình, chồng trình bày, vợ bảo sai, chồng giận
không? Bên nào cũng cho mình đúng, một hồi nổi nóng cãi lộn nhau, mà
chắc gì cái nghĩ của mình đúng. Suy nghĩ của mình trong một giai đoạn
nào đó là hợp lý, nhưng thời gian sau thay đổi nó không còn đúng nữa.
Tất cả đều chuyển biến, mà chúng ta cứ cho kinh nghiệm cũ là đúng, lấy
đó làm chuẩn bắt mọi người nghe theo. Ai không nghe mình giận, mình
ghét. Có phải si mê không?

Quí vị thử tìm xem cái suy nghĩ ở đâu, ra sao? Nếu nó không có chỗ nơi,
bỗng dưng dấy lên rồi một lát mất tiêu, thì nó thật không? Quả là không
thật. Cái không thật mà bắt người ta nghe theo mình, nghĩ theo mình, thì
có độc tài không? Như vậy cả thế gian độc tài hết trơn. Bởi vì ai cũng
muốn thiên hạ nghe lời mình, theo cái suy nghĩ của mình. Nhưng thử đặt
câu hỏi lại, chúng ta nghĩ đúng trăm phần trăm không? Không ai dám chắc.
Không dám chắc mà bắt người ta theo, có khổ chưa! Đó là điều tất cả
chúng ta đang mắc phải. Nhỏ thì trong gia đình, lớn thì ngoài xã hội,
lớn nữa thì cả thế giới. Nhóm nào cũng phải, cũng hay hết thành ra cãi
lộn nhau, mạnh nữa thì giết chóc luôn. Đó là điều hiểm nguy của nhân
loại. Thân và tâm không thật mà thế gian ngỡ thật là lầm lớn, dẫn đến
khổ lớn. Đó là căn bản đau khổ của loài người.

Có người đặt câu hỏi, nếu thấy thân không thật, tâm không thật thì con
người hết muốn làm ăn, chán đời chết. Phải vậy không? Không phải vậy.
Bồ-tát thấy thân không thật, thấy tâm sanh diệt giả dối, nên lăn vào cứu
đời. Tại sao? Vì thương chúng sanh lầm tưởng cái không thật mà cho là
thật nên si mê đau khổ. Bồ-tát thấy thế tạo phương tiện để gần gũi, giúp
đỡ, hướng dẫn chúng sanh. Thấy chân lý rõ ràng rồi mới thương những kẻ
si mê chịu đau khổ vì sự mê lầm, muốn tìm cách kéo họ lên. Cho nên trong
nhà Phật có những phương tiện dạy người tu bằng cách đồng sự hóa. Chúng
sanh làm việc gì, Bồ-tát cũng làm việc đó để gần gũi giáo hóa họ. Vì
lòng từ bi, khi thấy đúng lẽ thật rồi tự nhiên thương người còn mê. Đã
thương thì đâu nỡ bỏ, phải làm sao hướng dẫn chỉ dạy dìu dắt họ. Do đó
Bồ-tát lăn xả vào đời hơn người thế gian nữa. Biết cuộc đời không thật,
bản thân mình không thật, những suy nghĩ không thật, càng thương người
càng cố gắng tìm dạy dỗ họ, nên càng sống tích cực hơn.

Đạo Phật là con đường hay phương pháp giác ngộ. Giác ngộ là thấy đúng
như thật. Phật thấy đúng như thật nên nói thân người hư dối. Chúng sanh
thấy sai sự thật nên nói thân này thật. Từ thấy thân thật dẫn đến bao
nhiêu sai lầm khác, chớ không dừng một chỗ. Đó là do chúng ta không tỉnh
giác. Nếu thấy thân này giả, lúc đó mê hay giác? - Giác. Thấy thân thật
là mê, thấy thân giả là giác. Như vậy tu muốn giác ngộ dễ hay khó? Chỉ
đổi cái nhìn thôi, nhìn sai lầm chuyển lại nhìn đúng, hợp với chân lý,
đó là giác. Tu theo Phật là giác ngộ tức nhìn đúng, nhìn đúng thì sự tu
hành rất dễ. Bình thường nếu thấy thân thật, ai chửi mình không thể nào
nhịn nổi. Mình thật thì chửi cũng thật. Bây giờ thấy thân giả thì lời
chửi cũng giả, nên Bồ-tát nghe chửi bới, khinh miệt, các ngài cười thôi,
vì có dính gì đâu. Đức Phật ngày xưa, khi bị người ta chửi Ngài cũng
ung dung tự tại, không một chút buồn giận. Còn chúng ta ngày nay bị chửi
thì sao? Đỏ mặt đỏ mày. Cho nên người thấy đúng lẽ thật thì dễ tu, còn
thấy sai lẽ thật thì rất khó tu.

Phật tử nói tu không nổi, khó quá. Nhưng thật ra tu không khó mà trái
lại rất dễ, chỉ đổi cái nhìn thôi. Cái đó trắng nhưng hồi xưa mình nói
đen, bây giờ thấy rõ lẽ thật rồi, trắng mình nói trắng. Đổi cái nhìn như
vậy có tốn bao nhiêu công đâu, tại sao chúng ta không chịu đổi? Không
chịu đổi rồi nói tu khó, đó là tại mình cố chấp chớ đâu phải tu khó.

Hồi xưa có một anh chàng bán thịt ngoài chợ. Hôm đó được vị thiện tri thức giáo hóa thức tỉnh, anh liền làm bài kệ sau:

Tạc nhật dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện,
Bồ-tát dữ dạ-xoa,
Bất cách nhất điều tuyến.

Dịch:

Hôm qua tâm dạ-xoa,
Ngày nay mặt Bồ-tát.
Dạ-xoa cùng Bồ-tát,
Không cách một đường tơ.

Không cách một đường tơ, chỉ đổi cái nhìn thì thành liền. Thấy tất cả
pháp là thật cũng như tay úp, bây giờ thấy nó giả giống như lật ngửa tay
lại. Có gì khó đâu mà chúng ta không chịu đổi, rồi cứ kêu trời kêu Phật
khó quá. Tu không khó mà khó là do ta không can đảm chuyển đổi cái nhìn
của mình. Như vậy mê và giác chỉ là đổi bàn tay úp thành ngửa, một chút
xíu thôi, không cách một đường tơ. Không cách một đường tơ mà chúng ta
cứ nói khó là sao?

Hôm qua tâm dạ-xoa tức là tâm giết hại. Bữa nay đổi lại thấy tất cả đều
giả hết, đó là tâm Bồ-tát. Như vậy chuyển mê thành giác không phải nặng
nề như xô ngã cả núi đá, mà nhẹ như tờ giấy thổi liền bay, nhưng không
hiểu sao chúng ta không chịu đổi? Bồ-tát với chúng sanh đâu có gì lạ,
một bên thấy đúng như thật là giác là Bồ-tát, một bên thấy sai sự thật
là mê là chúng sanh. Ta cứ ngỡ Bồ-tát với mình cách xa muôn trùng nhưng
sự thật không cách một đường tơ nữa, xoay qua liền xong. Chúng ta biết
điều đó sai sự thật, mà cố giữ hoài là đồng ý đi trong đường mê muôn đời
rồi.

Tu là phải chuyển đổi từ mê ra giác, chớ không phải cầu Phật cho cái
này, cái kia. Nhiều người tu Phật mà cứ cầu xin, ham Phật cho mà không
ham chuyển tâm mê thành tâm giác. Đó là sai lầm của đa số người tu ngày
nay. Đường giác thì muốn đi, mà đường mê lại không chịu bỏ. Có lạ chưa!
Bồ-tát là phần giác tức giác ngộ từng phần. Những gì ta thấy đúng, thực
hiện đúng thì thành Bồ-tát. Nếu đúng ít gọi là Bồ-tát con, lớn hơn là
Bồ-tát lớn, như các vị Bồ-tát Sơ địa chẳng hạn.

Thế gian cứ cãi lý với nhau hoài, cái phải luôn thuộc về “tôi”. Một trăm
cái “tôi” thì một trăm cái phải, cho nên càng phải chừng nào càng cãi
chừng đó. Nếu biết được tất cả phải quấy đều không có lẽ thật thì thiên
hạ đâu còn cãi nhau nữa. Năm rồi tôi qua bên Mỹ, có một Phật tử kể lại: Ở
Mỹ tới bữa cơm, mấy đứa bé trèo lên ngồi trước, rồi cha mẹ, ông bà lên
sau. Còn ở Việt Nam dọn cơm ra mời ông bà, cha mẹ rồi con cháu mới lên
sau. Phật tử hỏi như vậy bên nào phải? Tôi nói tùy theo phong tục tập
quán của mỗi địa phương, không quyết định phải quấy thuộc về bên nào cả.
Nếu chúng ta ngồi cãi phải quấy với nhau, chừng nào mới xong. Người này
thấy phải thì người khác thấy quấy. Người khác thấy phải thì người này
thấy quấy. Hai cái phải gặp nhau thì chỉ còn có cách cãi nhau, không gì
khác hơn.

Như hồi xưa tổ tiên mình theo đức Khổng Tử, quan niệm phái nữ phải khuê
môn bất xuất, tức người con gái phải ở trong nhà không được ra ngoài
đường. Hoặc tam tòng tứ đức, tam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng
phu, phu tử tòng tử, nghĩa là ở nhà theo cha, xuất giá theo chồng,
chồng mất theo con, người phụ nữ không có chút quyền hạn gì cả. Quí vị
phái nữ ngày nay có đồng ý với quan niệm tam tòng không, có khuê môn bất
xuất không? Dĩ nhiên không ai chịu nữa rồi. Bây giờ người nữ chạy xe
vùn vụt ngoài đường. Rõ ràng những gì dưới thời phong kiến là phải, đến
thời này thì hết phải rồi.

Cho nên tất cả lập thuyết, triết lý này, triết lý nọ không phải là chân
lý, nó chỉ đúng ở khía cạnh nào thôi. Đức Phật nói tất cả những gì có
hình tướng đều tạm bợ, giả dối. Kinh Kim Cang Phật nói: “Phàm sở hữu
tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như
Lai.” Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng không thật
(phi tướng) tức là thấy Phật. Như vậy Phật gần hay xa? Chỉ thấy đúng là
thấy Phật vì Phật là giác. Lẽ thật hết sức gần gũi mà chúng ta lại không
chịu thấy lẽ thật.

Người tu Phật là người đi đúng với chân lý đức Phật chỉ dạy. Nhưng ngày
nay người tu Phật đi sai lệch nhiều quá, nhiều đến gần tám mươi phần
trăm. Cứ theo Phật, xưng đệ tử Phật, vào chùa thắp hương xin Phật đủ thứ
hết. Phật gia hộ cho con khỏe mạnh, cho con thi đậu, cho con làm ăn
phát tài v.v… Nếu Phật cho được thì không còn lý nhân quả nữa. Nhân ai
gây thì quả người đó phải hưởng, chớ Phật đâu có can dự vào mà cho quả
này quả nọ được. Vậy mà Phật tử cứ cầu xin đủ thứ, đó là sai lầm. Cho
nên người học Phật phải đi thẳng vào lẽ thật, nguyện con giác ngộ thấy
đúng như thật. Thân giả biết giả, tâm suy nghĩ phân biệt giả biết giả,
không tạo nghiệp trong sanh tử nữa, đó mới là người học Phật tu Phật
chân chánh.

Chúng ta thấy mê và giác thật quan trọng. Từ mê chấp thân, chấp tâm suy
nghĩ hơn thua, phải quấy là thật, nên con người tạo đủ thứ nghiệp, không
biết bao nhiêu nỗi khổ. Thân tuy chấp thật nhưng ít nguy hiểm bằng tâm.
Vì tâm sai khiến thân, tâm nghĩ bậy thì miệng nói bậy, thân làm bậy.
Cho nên tâm là chủ sai khiến, chủ đã sai lầm các bộ phận tùy thuộc cũng
sai lầm theo. Ba nghiệp cứ thế mà tạo nghiệp không có ngày dừng, trôi
lăn trong đường sanh tử không bao giờ dứt. Trong nhà Phật nói thân,
khẩu, ý tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Trong ba nghiệp thì ý
nghiệp là tối trọng. Khi chúng ta lầm cho ý nghiệp là thật, rồi chạy
theo nó, nó lôi đâu mình đi đó, như vậy luân hồi muôn kiếp.

Phật tử tu hành thành lập đạo tràng cũng là điều hay. Vì sao? Ví dụ Phật
tử hiểu đạo, ra đường bị kẻ xấu khinh miệt chửi bới, người đó làm thinh
đi, những người chung quanh thấy tức, nói ngu quá. Phật tử sống tốt mà
bị chê. Nếu có tu trong đạo tràng, huynh đệ cùng hiểu đạo, hôm nào bị
người ta chửi, mình nhịn được về khoe với anh em “hôm qua tôi bị người
ta chửi quá mà không giận”, anh em sẽ vui mừng động viên thêm “anh, chị
tu khá rồi đó”. Như vậy, có một nhóm cùng chung tu, hiểu biết nhau mới
dễ thông cảm. Một người giác sống trong trăm ngàn người mê thì rất khó
tu. Người nhịn nhục không được khen mà còn bị chê ngu dốt nữa. Thành ra
người ấy bị hai ba cái phiền, bên này đã phiền, bên kia còn phiền hơn.

Chỗ khó của tu hành là vì không có người thông cảm cho mình. Người tỉnh
sống với người tỉnh thì rất dễ. Một người tỉnh sống với trăm ngàn người
mê rất khó. Khó là tại vì họ mê mình tỉnh. Mình nói cái gì cũng giả họ
nói mình điên, còn họ nói thật là đúng. Như vậy để thấy đạo lý khó khăn
không phải vì đạo khó, mà vì nhiều người mê quá. Chúng ta muốn tỉnh cũng
khó tỉnh vì số đông mê sẽ lôi mình theo họ. Đó là lý do phải có chùa để
Phật tử cùng đi chùa, có đạo tràng để cùng tới đạo tràng tu tập, anh em
huynh đệ thông cảm nhau. Những gì hay chúng ta khích lệ nhau tiến lên,
những gì dở cùng khuyên nhau chừa bỏ. Ngoài thế gian không được tâm đó
nên sống gần họ rất khó tu.

Chúng ta tu thiền để được định, nên nói thiền định. Định cái gì? Định
cái tâm lăng xăng lộn xộn nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua của
mình. Như khi những vọng tưởng giả dối hư vọng dấy lên, chúng ta biết nó
giả không theo, lần lần nó mòn yếu, rồi tới lặng yên. Khi nó lặng hết
chúng ta mới không bị nó dẫn đi nữa. Còn nghiệp dẫn đi thì còn luân hồi
sanh tử, hết nghiệp dẫn đi tức là giải thoát sanh tử. Như vậy nghiệp là
nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử, mà vọng tưởng là gốc tạo
nghiệp. Những ý niệm lăng xăng lộn xộn là gốc tạo nghiệp. Bởi vì khởi
nghĩ là nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ
thương nghĩ ghét v.v… những cái đó là nhân tạo nghiệp. Bây giờ nhân tạo
nghiệp dừng lặng rồi thì hết tạo nghiệp. Hết tạo nghiệp là giải thoát
sanh tử.

Người tu thiền dùng trí tuệ nhìn sâu, nhìn thẳng vào nội tâm. Trong ba
nghiệp, ý là số một, mình nhắm thẳng vào chú mà dẹp. Dẹp chú, chú lặng
rồi thì miệng và thân cũng hiền lành theo. Vậy gốc là phải diệt trừ niệm
sanh diệt lăng xăng. Chúng ta tu muốn được an lạc, giải thoát thì dừng
hết niệm. Nhiều người đặt câu hỏi, khi những suy nghĩ lặng hết rồi mình
còn cái gì? Tôi nói rõ khi suy nghĩ lặng, chưa phải hết. Như khi quí
Phật tử ngồi thiền, niệm khởi biết niệm khởi, niệm lặng biết niệm lặng.
Ai biết được niệm khởi, niệm lặng? Rõ ràng mình biết chớ ai! Niệm là cái
bị mình biết, còn cái biết “biết được niệm khởi niệm lặng”, cái biết đó
không sanh diệt. Cái biết đó trong nhà Phật cũng gọi là Trí tuệ
Bát-nhã, dùng nó để thấy thôi, chớ chưa phải cứu kính.

Quí vị nhớ, mười mục chăn trâu trong nhà thiền thường nhắc đi nhắc lại.
Mục thứ nhất là chú mục đồng đi tìm trâu. Mục thứ hai gặp trâu rồi tới
những mục sau là điều phục trâu, cuối cùng trâu mất. Trâu mất nhưng mục
đồng còn, qua mục nữa mục đồng mất luôn, chỉ có một vòng sáng. Đó là
tượng trưng khi chúng ta tu, vì còn vọng niệm nên phải vận trí Bát-nhã
chiếu phá nó. Nó còn khởi thì mình còn dẹp, chừng nào niệm lặng hết rồi
thì trí Bát-nhã cũng buông luôn, lúc đó mới thể nhập cái chân thật. Như
vậy, hằng ngày chúng ta nhìn thấy nội tâm dấy động là bỏ, dấy động là
quở trách nó hư giả… đó là sử dụng Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên trong nhà
Phật nói muốn phá dẹp hết vọng tưởng điên đảo phải dùng trí Bát-nhã. Khi
dẹp hết tâm lăng xăng rồi, buông luôn Trí tuệ Bát-nhã, lúc đó mình còn
cái gì? Nó ra làm sao? Ở đâu?

Bây giờ tôi nói một ví dụ, quí vị nương vào đó nhìn lại sẽ thấy. Khi
chúng ta đang tỉnh táo thế này, bỗng dưng quên hết mọi niệm lự, không
nghĩ suy tính toán gì cả. Lúc đó chim kêu có nghe không, gió thổi mát có
mát không, tất cả những tướng động qua lại bên ngoài có thấy không? Tất
cả đều rõ ràng. Tâm có hai thứ: một, tâm sanh diệt gọi là vọng tưởng;
hai, tâm chân thật gọi là Chân tâm. Tâm là cái biết, cái biết theo vọng
tưởng sanh diệt là cái biết hư dối, cái biết hằng hữu nơi mình không bao
giờ thiếu đó là cái biết chân thật.

Quí vị không suy nghĩ mà biết, cái biết đó tướng mạo gì? Không có tướng
mạo. Còn cái biết suy nghĩ đều có tướng mạo. Cái chân thật hiện tiền
luôn ở bên mình mà mình bỏ quên. Tại sao bỏ quên? Ngài Thần Hội dùng một
ví dụ rất hay để chỉ điều này. Như cái gương sáng, khi ta nhìn gương
thấy bóng thì chỉ nhớ bóng mà quên gương. Bóng ấy từ đâu ra? Từ gương mà
có, nhưng có bóng liền quên gương. Cũng vậy, Tâm thể mình trùm khắp,
vừa dấy niệm lên mình theo niệm nên quên Tâm thể. Bây giờ muốn trở lại
Tâm thể thì phải dừng niệm. Cũng như muốn gương hiện rõ trước mắt thì
đừng có bóng, lúc đó ta thấy gương rõ ràng. Đó là lẽ thật mà lâu nay
chúng ta không biết, cứ ngỡ cái suy nghĩ là mình, mất nó chắc mất mình.
Không phải, mất nó rồi cái mình thật mới hiện ra. Phật dạy chúng sanh có
hòn ngọc quí mà bỏ quên, có tánh Phật mà không chịu giác để mê. Tánh
Phật luôn sẵn có, không vắng thiếu lúc nào. Còn suy nghĩ khi có khi
không, nhưng chúng ta chạy theo cái sanh diệt có không đó mà quên mất
cái thật. Đó là si mê đáng thương.

Chúng ta tu Phật là để giác ngộ. Giác ngộ thân này không thật, giác ngộ
tâm sanh diệt không thật, để nhận cái chân thật của chính mình, trong
nhà thiền gọi là trở về quê cũ. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Ta là Phật
đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Tại sao mình chưa tu mà nói Phật
sẽ thành? Bởi vì đã có sẵn tánh Phật rồi, chỉ lúc nào nhớ bỏ cái mê lầm
thì trở lại ông Phật chớ gì. Như vậy tánh Phật không phải riêng đức Phật
có, mà tất cả chúng ta đều có. Phật định được tâm, nên sống trở lại
Tánh giác gọi là thành Phật. Còn chúng ta tâm rong ruổi tạo nghiệp luân
hồi hoài, vì vậy lang thang mãi trong dòng trầm luân sanh tử.

Thế thì con đường trở về quê hương dài hay ngắn? Nói sao cho đúng? Dường
như dài mà thật là ngắn. Chỉ biết rõ tâm sanh diệt không thật, khẳng
định như vậy. Chúng ta hiện đang có tâm thật hiện tiền, mà chạy theo
bóng thì quên cái thật. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dụ, như chàng
Diễn-nhã-đạt-đa sáng lấy gương soi mặt. Nhìn vào gương thấy mặt mày đẹp
quá, khi úp gương lại anh ôm đầu chạy la “tôi mất đầu rồi”. Mình có
giống anh chàng đó không? Khi khởi nghĩ hay dở nói mình hay mình khôn,
đến khi hết nghĩ mình hoảng la “mất tôi rồi”. Đó là giống
Diễn-nhã-đạt-đa, chấp bóng quên đầu. Hiểu như vậy mới thấy chúng ta mê
lầm thật đáng thương! Từ mê lầm này nối tiếp mê lầm khác, không có ngày
ra khỏi. Tu là để giải thoát sanh tử, muốn giải thoát sanh tử phải dừng
gốc mê lầm đó. Muốn dừng gốc mê lầm phải thức tỉnh nhìn bằng lẽ thật,
nếu không như thế dù tu công quả phước đức bao nhiêu, cũng ở trong sanh
tử thôi.

Tâm không suy nghĩ hiện tiền của chúng ta chừng bao lớn? Không có giới
hạn. Tại sao trong hội Linh Sơn, Phật không nói một lời? Ngài đưa cành
hoa sen lên nhìn khắp hết mọi người, tới ngài Ca-diếp thì ngài Ca-diếp
mỉm cười. Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật
tướng vô tướng, nay trao cho Ca-diếp.” Thế là ngài Ca-diếp được Phật
truyền tâm ấn. Chánh pháp nhãn tạng là cái gì? Là kho con mắt, là cái
chân thật mà lâu nay chúng ta quên. Cái thấy không có tướng mạo, hằng
có. Có người nói khi nhắm mắt đâu còn thấy. Nhắm mắt thấy không? Như khi
chúng ta đang ngủ, mở đèn lên biết sáng không? - Biết. Lỗ tai thường
nghe không? - Thường. Khi ngủ có người gõ cửa cộc cộc ta liền nghe. Như
vậy nó thường trực ở đó, nơi mắt nơi tai đều sẵn có đó. Khi Phật đưa
cành hoa lên, Ca-diếp nhìn, Phật nhìn lại, Ngài liền cười, đủ biết hai
thầy trò thông cảm: con có cái đó, con biết được cái đó. Cho nên Phật
mới nói chánh pháp nhãn tạng, tức chánh pháp ở kho con mắt, ngài Ca-diếp
ngộ được, bây giờ Phật trao cho. Nói trao mà không có gì để trao cả, vì
ngài Ca-diếp đã có sẵn rồi. Từ đó Thiền tông truyền mãi, cho tới ngày
nay cũng vẫn như vậy. Phật Tổ chỉ cho chúng ta cái chân thật thường có
nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Các Thiền sư dùng phương tiện bằng một tiếng hét hoặc bằng câu nói vô
nghĩa. Ví dụ sau khi Phật niết-bàn rồi, hôm đó A-nan hỏi ngài Ca-diếp:
“Ngoài y bát ra, Thế Tôn còn truyền cho Sư huynh cái gì khác không?”
Ngài Ca-diếp kêu: “A-nan!” A-nan: “Dạ.” Ngài Ca-diếp nói: “Cây phướn
trước chùa ngã.” A-nan liền ngộ. Như vậy truyền cái gì? Đó là truyền ở
con mắt, truyền ở lỗ tai. Nghe nói cây phướn trước chùa ngã, mình cứ
tưởng nói chuyện cây phướn.

Sau này, Thiền sư Hoàng Bá tới ở nhờ một ngôi chùa nọ. Một hôm, Tướng
công Bùi Hưu tới chùa, thấy có tượng Cao tăng mới hỏi Trụ trì: “Tượng
Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Trụ trì trả lời không được. Bùi Hưu
hỏi: “Ở đây có Thiền sư không?” Đáp: “Có.” Vị Trụ trì mới mời ngài Hoàng
Bá ra, Bùi Hưu hỏi: “Vừa rồi tôi hỏi một câu, ngài Trụ trì tiếc lời
không đáp. Xin Thầy đáp giùm.” Hoàng Bá nói: “Ngài hỏi đi.” Bùi Hưu lặp
lại: “Tượng Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Ngài Hoàng Bá kêu: “Bùi
Hưu!” Bùi Hưu đáp: “Dạ.” Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ở đâu?” Bùi Hưu liền ngộ.

Rõ ràng cái thật đó sẵn nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, trùm
hết mà mình không hay. Chúng ta cứ nhớ những lăng xăng trong đầu, chạy
theo nó rồi quên hết cái thật hiện tiền. Cái lăng xăng trong đầu thì
duyên theo bóng người, bóng vật, bóng cây, bóng cỏ, còn cái sẵn nơi mắt
tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta, nó hiện tiền mà chúng ta quên lửng.
Như vậy, chúng ta bỏ Phật hay Phật bỏ chúng ta? Ai bỏ ai? Ai cũng quí
Phật, trọng Phật mà không ngờ lại bỏ Phật. Trọng Phật ở ngoài, Phật bằng
gỗ, bằng xi măng, còn Phật thật thì lại bỏ, thật đáng thương không!
Chúng ta tu là trở lại Phật thật của chính mình. Vì tượng bên ngoài đâu
có giác ngộ được, chính tâm sẵn có của mình mới giác ngộ.

Trong kinh nói Tánh giác trùm khắp không giới hạn. Bởi vì nó không tướng
thì đâu lấy gì giới hạn được. Cái to như vậy mình bỏ quên, còn cái thân
mấy chục ký đây ta lại quan trọng. Đó là điều mê lầm. Nếu chúng ta thấy
được lẽ thật ấy thì đời mình mới có giá trị. Tu là trở lại ông Phật
thật của chính mình. Đó là Tánh giác không sanh không diệt, hoàn toàn
không còn sanh tử nữa. Chúng ta muốn tu tới nơi tới chốn thì phải quyết
tâm. Tất cả luôn nhớ rõ cội nguồn sanh tử là vọng tưởng, cội nguồn giác
ngộ là Tâm chân thật hiện tiền của chúng ta. Thân này có bại hoại, nhưng
ta có ông Phật thật rồi, không sợ chết nữa. Bại hoại thân hư giả, chớ
cái thật đâu có mất. Hiểu như vậy thì sự tu an ổn vô cùng, không còn gì
sợ sệt nữa.














__________________

minh đài
Mod

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 6
Join date : 06/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Sanh và TỬ  Empty Re: Sanh và TỬ

Bài gửi by minh đài 21/11/12, 09:13 am

Trích:



Nguyên văn bởi silverwolf256
Sanh và TỬ  Viewpost


Cô nói rõ hơn về cuộc đối thoại giữa Hoàng Bá và Bùi Hưu đc không ạ?

Con muốn hỏi câu này trong đoạn văn phải không?
Sau này, Thiền sư Hoàng Bá tới ở nhờ một ngôi chùa nọ. Một hôm, Tướng
công Bùi Hưu tới chùa, thấy có tượng Cao tăng mới hỏi Trụ trì: “Tượng
Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Trụ trì trả lời không được. Bùi Hưu
hỏi: “Ở đây có Thiền sư không?” Đáp: “Có.” Vị Trụ trì mới mời ngài Hoàng
Bá ra, Bùi Hưu hỏi: “Vừa rồi tôi hỏi một câu, ngài Trụ trì tiếc lời
không đáp. Xin Thầy đáp giùm.” Hoàng Bá nói: “Ngài hỏi đi.” Bùi Hưu lặp
lại: “Tượng Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Ngài Hoàng Bá kêu: “Bùi
Hưu!” Bùi Hưu đáp: “Dạ.” Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ở đâu?” Bùi Hưu liền ngộ.

Trong đoạn này người tu hãy còn chấp cái danh ,tượng cao tăng chỉ là
thế hệ sau ,vị cao tăng là thế hệ trước ,cũng như thời đức PHẬT thì gọi
là thời kỳ chánh pháp ,khi PHẬT nhập niết bàn thì gọi là thời kỳ tượng
pháp hoặc còn gọi là tợ pháp .
Người tu thường trọng cái gì gọi là chánh gốc ,trực tiếp ,người được
nối truyền thì không được gọi là chánh ,thực chất dù mình tu trực tiếp
nhưng trí tuệ không đủ để được truyền thụ thì tu ở thời kế đi nữa nhưng
trí tuệ đạt sự thành tựu thì cũng như thời chánh pháp .
Thời ngày nay người đắc thành có đó nhưng họ không lộ tướng ,người tu
học có trí chánh niệm có thể nhìn ra ,tất cả là nhân duyên để kết nối
lưu truyền ,chỉ dạy lẫn nhau ở nơi đồng TÂM tương ứng.
Đoạn văn đó như câu ta là ai?tới rồi danh cũng xã vậy mà có người đi
hỏi vị nào là cao tăng ,nên Hoàng Bá kêu: “Bùi Hưu!” Bùi Hưu đáp: “Dạ.”
Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ở đâu?”.
GIỐNG như ta là ai?hỏi làm gì?(con đã hiểu không)?








Trích:



Nguyên văn bởi silverwolf256
Sanh và TỬ  Viewpost


Con còn 1 câu hỏi nữa, ở phần thân
xác và tâm đều k thực, con thấy Cô cũng đã đặt ra câu hỏi, nhưng con vẫn
chưa hiểu lắm. Ví dụ như con nếu với suy nghĩ đó thì công danh tất
nhiên cũng là ảo, vậy đâu cần phải học nữa. Con tự giải đáp = suy nghĩ:
Chân tâm là thật, vậy ta biết việc ta học hành chăm chỉ đc chân tâm cho
là thật, vậy đó tất là thật, đã là thật thì ta làm theo...
Nhưng thực con vẫn còn nhiều mâu thuẫn, mong Cô chỉ bảo ạ


Trong kinh BÁT NHÃ có câu: sắc bất dị
không,không bất dị sắc ,cái thấy hữu hình không phải do ảo tưởng mà có
,mà nó hoàn toàn thực thấy từ nhãn ,từ nhỉ ,từ vị xúc pháp ,từ 6 căn của
mình chạm là thọ ,mình nói đó là ảo thì thật là cố chấp ở cái TÂM cho
rằng không.
Nhưng có sanh thì sẽ có hoại ,như cái ly nó kết cấu do đất ,nước lửa
và gió từ tay con người nhào nặn thì nó sẽ bị bể ,bị tan trở về từ nơi
nó sanh (khởi)tất cả công danh ,sự nghiệp ,cho đến mọi thứ có trên thế
gian tất cả đều bắt đầu từ con số 0.
Khi mình được cũng là cái được của cái có của thế gian ,vì cho hữu vi
là giả tạm nên tưởng nó không có ,nhưng tất cả có vì nhân duyên mà sanh
khởi ,Tâm chúng sanh là TÂM tham chấp nên cái gì có rồi mất thì lại sanh
vọng niệm đảo điên ,nên dùng kinh KIM CANG để nói cái gì cũng là giả
,biến hoại của nó .
Có rồi mất ,sanh rồi diệt đó là tự nhiên ,vì một nhân duyên nên nó có
kết cấu tạo ,cũng vì nhân duyên tự nó tan biến hoại ,vì vậy vì sao mình
chấp có hay không ,không gì phải triền miên với cái có hay không sự hiện
diện của nó ,như vậy mình không còn bị đảo điên nữa ( con đã hiểu
không?)


Con đã hiểu ạ

minh đài
Mod

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 6
Join date : 06/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết