Diễn Đàn Phật Pháp , Phật Học , Phật Tử . Phật Giáo
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP 4

Go down

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP 4 Empty PHẬT HỌC VẤN ĐÁP 4

Bài gửi by Admin 09/11/12, 10:23 am



1/. VẤN: Con may mắn thỉnh được cuốn kinh Chú Mãn Nguyện Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, trong đó có nói về công năng và thần lực khi trì Chú Đại Bi và Chú Om Ma Ni Pad Mé Hum (108 biến). Trong đó có chỉ cả cách bắt ấn theo những cánh tay Thiên Thủ Thiên Nhãn của... Chú Đại Bi Tâm rồi tùy theo sở nguyện của mình mà có các cách bắt ấn khác nhau. Xin Sư cho con biết liệu một người ngoài đời thường như con có thể bắt ấn và trì chú theo hình các cánh tay đó đó, liệu có đủ lực để thực hành? Và cả về việc những cánh tay đó mang hình cầm trượng, cầm kinh, cầm cung,... khi con bắt ấn thì con chỉ để tay theo hình như vậy thôi hay thế nào? Kính mong Sư từ bi chỉ dạy.

ĐÁP: Ngày nay người Phật tử tiến bộ thường phát tâm thực tập tu hành, mỗi người gieo duyên với một môn tu, có người tu thiền, có người tu tịnh, có người tu luật, có người tu mật. Tu môn nào cũng thành tựu như ý nguyện tiến đến giải thoát, giải thoát sanh tử luân hồi, đạt đạo cứu cánh viên mãn. Tuy nhiên trong pháp giáo Tịnh độ tông, chư Đại sư xưa cũng thường phổ cập các môn tu thiền, luật, mật kết hợp với thuần tịnh mà tu tập cũng không có gì trở ngại.
Người tu Tịnh độ niệm Phật là có duyên với hạnh lợi tha, nghĩa là người có tâm cầu tiến tu hành thì được Phật A Di Đà trợ lực tiếp dẫn khiến cho bất thối chuyển; trong giới tu mật cũng nương trợ lực của kim quang Phật mà tiến tu làm cho thân mật, khẩu mật và ý mật đồng nhất, rồi hóa sanh vào thế giới Đại Nhựt Như Lai.
Niệm hóa sanh chuyển kiếp từ khổ đau đến an lạc là hạnh của người tu mật, tuy nhiên Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước ngày nay có lúc tu thiền, tu tịnh tuy không nói tu mật những cũng gia hạnh niệm chú lực Đại Bi để đón nhận đại lực Quán Thế Âm gia hộ thân được tai qua nạn khỏi tật bệnh tiêu trừ, tâm không bị ác thần xâm hại, lâm chung vĩnh ly ác đạo A Tỳ địa ngục.

Danh hiệu thần chú:
"Thần chú Đại Bi" là Phật ngữ viết tắt, nguyên ngữ là thần chú Mãn Nguyện Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, hay đọc là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni hay Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Thần Chú hoặc đọc Phật ngữ Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, hay từ ngữ Phật học Đại Bi Tâm Đà La Ni, thần chú nói về công đức nội lực gia trì của Bồ tát Quán Thế Âm đối với tất cả chúng sanh trong đó có con người chúng ta, nhất là Phật tử phát tâm hành trì tinh tiến.

Hình ảnh Thiên thủ Thiên nhãn:
Nói đến thần chú Đại Bi người Phật tử nghĩ đến hình ảnh thiên thủ thiên nhãn, mỗi đôi tay đều kiết ấn thủ hộ và đôi mắt. Nay xin nói về xuất xứ hình ảnh thiên thủ thiên nhãn.
Trong kinh Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Đức Phật bảo Tổng Trì Vương Bồ Tát: Thiện nam tử! Các ông nên biết trong pháp hội này, có vị Bồ Tát Ma Ha Tát, tên là Quán Thế Âm Tự Tại, từ vô lượng kiếp đến nay đã thành tựu tâm đại từ bi, lại khéo tu tập vô lượng Đà la ni môn. Vị Bồ Tát ấy vì muốn làm cho chúng sanh được lợi ích an vui, nên mới mật phóng sức thần thông như thế'.
Đức Như Lai vừa nói lời ấy xong, Quán Thế Âm Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục nghiêm chỉnh, chắp tay hướng về Phật mà thưa rằng: ''Bạch đức Thế Tôn, tôi có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bịnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa.
Đức Phật bảo: Thiện nam tử! Ông có tâm đại từ bi, muốn nói thần chú để làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh. Hôm nay chính là lúc hợp thời, vậy ông nên mau nói ra, Như Lai tùy hỉ chư Phật cũng thế.

Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch đức Thế tôn! Tôi nhớ vô lượng ức kiếp về trước, có Phật ra đời, hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, đức Phật ấy vì thương nghĩ đến tôi và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, ngài lại dùng tay sắc vàng xoa nơi đầu tôi mà bảo: Thiện nam tử! Ông nên thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi nước ở đời vị lai mà làm cho họ được sự an vui lớn.
Lúc đó tôi mới ở ngôi sơ địa, vừa nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Bấy giờ tôi rất vui mừng, liền phát thệ rằng:
Nếu trong đời vị lai, tôi có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân tôi liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt.
Khi tôi phát thệ rồi, thì ngàn tay ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân, lúc ấy, cõi đất 10 phương rung động 6 cách , ngàn đức Phật trong 10 phương đều phóng ánh quang minh soi đến thân tôi, và chiếu sáng 10 phương vô biên thế giới. Từ đó về sau, tôi ở trong vô lượng pháp hội của vô lượng chư Phật, lại được nghe và thọ trì môn đà ra ni này. Mỗi lần nghe xong, tôi khôn xiết vui mừng, liền được vượt qua sự sanh tử vi tế trong vô số ức kiếp. Và từ ấy đến nay, tôi vẫn hằng trì tụng chú này, chưa từng quên bỏ. Do sức trì tụng ấy, tùy theo chỗ sanh, tôi không còn chịu thân bào thai, được hóa sanh nơi hoa sen, thường gặp Phật nghe pháp. Nếu có vị Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hay đồng nam, đồng nữ nào muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh, và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau độ các chúng sanh,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được qua biển khổ,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau về nhà vô vi.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
non đao tức thời liền sụp đổ.
Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
Nếu con hướng về cõi địa ngục,
địa ngục liền mau tự tiêu diệt,
Nếu con hướng về loài ngạ quỷ.
Ngạ quỷ liền được tự no đủ,
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục,
Nếu con hướng về các súc sanh,
súc sanh tự được trí huệ lớn.
Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai, kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này. Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức kiếp sanh tử.

Lực dụng trì chú Đại bi:
Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 84 câu, mỗi câu là hiện thân hình ảnh 84 vị Phật, Bồ tát, thinh văn, thánh chúng, thiên đại tướng quân thần... người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.
- Được 15 điều lành: 1. Sinh ra thường được gặp vua hiền, 2. Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hòa thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10. Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.

- Không bị 15 thứ hoạnh tử: 1. Chết vì đói khát khốn khổ, 2. Chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Chết vì oan gia báo thù, 4. Chết vì chiến trận, 5. Chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6.Chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Chết trôi, chết cháy, 8. Chết vì bị thuốc độc, 9. Chết vì trùng độc làm hại, 10. Chết vì điên loạn mất trí, 11. Chết vì té từ cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Chết vì người ác trù ếm, 13. Chết vì tà thần, ác quỷ làm hại, 14. Chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Chết vì tự tử.
Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tí Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú (quyển thượng), trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân khẩu ý thanh tịnh.
Phật tử tại gia, khi tụng chú Đại Bi tuỳ theo duyên hạnh mà kiết ấn bất cứ thần chú nào cũng được, vẫn có giá trị và kết quả, miễn sao quý vị giữ vững chánh niệm thân mật khẩu mật ý mật dung thông tương tác. Tuy nhiên trong lúc trì tụng phải phát nguyện, nhập thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày, ở trong thất mới có phương tiện đủ lực cho các vị học pháp kiết các loại ấn.
Cách tu hành hôm nay, việc nhập thất, trừ các nhà sư mật tông, riêng đối với Phật tử rất ít và không còn tu theo quy cách nhập thất nữa. Phật tử gia duyên bận buộc làm sao rảnh tâm rảnh tay mà kiết ấn tụng thần chú cho có lực và hiệu quả hiển linh. Có chăng là làm theo các đại sư hướng dẫn, tu theo hình thức tay cầm báu vật tích trượng, quyển kinh, cung kiếm... kiết ấn sơ sơ vậy thôi, mới đầu thì hiệu quả tinh tấn, lâu ngày bỏ cuộc hết linh thiêng. Thôi thì hiệp chưởng tụng thần chú là quý báu, có khi còn hiệu quả hơn đôi tay cầm báu vật kiết ấn bạn ạ.

2/. VẤN: Con nghe và đọc rất nhiều kinh điển thì đều thấy các vị Phật và Bồ Tát khi phát nguyện đều có một bài chú hay kinh kệ riêng nếu ai hành trì thì đều được lợi lạc, được các ngài gia hộ và cũng như thấy sự linh ứng trong sự gia trì của mình. Tuy vậy con không hiểu tại sao có người trì kinh hay chú mọi việc đều vuông tròn, sở cầu như nguyện còn có người thì bị phản tác dụng, không có hiệu quả mà còn xảy ra rất nhiều tai ương. Xin Sư cho con biết với một Phật tử bình thường như con nên trì kinh chú nào là tốt nhất? Khi trì kinh chú thì nên làm gì để đạt được hiệu quả ạ.

ĐÁP: Kinh chú của Phật tức là pháp Phật, pháp Phật thì có vô lượng pháp môn để đối trị chữa lành vô lượng phiền não trần lao của vô lượng chúng sanh.
Chúng sanh trong thế giới ta bà là bộc lưu dẫy đầy những tham sân si phiền não, khổ não vui buồn lẫn lộn. Dù biết khổ đau nhưng không ai muốn bước ra khỏi những khổ đau đó; thường thì họ sợ những hoàn cảnh trái ngang tử biệt sanh ly, hòa họp ly tan, sanh diệt diệt sanh trong thế giới thường trụ hoại không. Rốt rồi chỉ biết cất tiếng than ôi ! khổ quá! là một điệp khúc muôn đời mê li, không bao giờ chán ngán!
Trong vô lượng chúng sanh đó có con người, có trí khôn biết giác ngộ, quay về với cuộc: "hành trình trở về nơi sanh ra, dừng chân tạm nghỉ nhà bà quán một đêm rồi ngày mai lại ra đi về cố quận...".
Một đêm là một đời "thân thì sanh lão bệnh tử khổ, bát khổ; tâm thì có biết bao nhiêu vui buồn lẫn lộn".

Con người vì muốn ra khỏi nơi khổ đau nên tìm nương vào chánh pháp, chọn lựa pháp môn tu cho phù hợp với hạnh nguyện. Nhưng tiếc thay khi phát tâm tụng kinh niệm Phật hành trì kinh chú Phật, càng tinh tấn tu bao nhiêu có người thì ra khỏi khổ đau, có người thì phản tác dụng càng thêm khổ đau bấy nhiêu?
Trước khi hóa giải những nan giải, Sư xin nói: "việc tu hành giải thoát khổ đau là việc của chúng ta, còn việc khổ đau đến với chúng ta là vòng xoay của nghiệp lực quả báo ; chứ không phải do tu hành, mà khổ đau đến với chúng ta các bạn ạ..."
Kinh chú của Phật có công năng làm cho con người hết khổ đau, tuy nhiên những khổ đau được vô hiệu hóa bằng cõi tâm, nên các khổ đau dù có xâm phạm, chắc chắn cũng không làm người tu bị khổ đau. Nên không có vấn đề phản tác dụng trong tu hành.

Ngộ Đạt quốc sư, đời nhà Tấn bên Trung Hoa mới 15 tuổi đã giảng kinh Niết Bàn đến các Hòa Thượng cũng phải ngồi nghe. Khi lớn lên được vua nhà Tấn dời vào hoàng cung phong làm Quốc sư giảng kinh cho Vua nghe, Vua ái mộ sai người làm một tòa ngồi bằng trầm hương cho Quốc sư ngồi thuyết giảng. Kể từ khi ngồi ghế trầm hương thuyết giảng, một mụt ghẻ lớn như mặt người xuất hiện trên bắp đùi làm cho ngài đau nhức, mụt ghẻ mặt người nói: "tôi là Triệu Thố cách đây 500 năm, ông làm quan Án Sát xử tôi bị chết oan, tôi theo đuổi ông đã 500 kiếp để báo oán, song ông tu hành đức độ nên tôi không báo oán được. Nay ông thọ nhận tòa trầm hương và lên ngồi trên đó, đã giảm phước, tôi có cơ sở báo oán và "làm ông đau nhức".
Ngộ Đạt hối hận, do đau nhức làm ngài ngất xỉu, trong cơn mê có Bồ tát Ca Nhã Ca (Quán Âm bồ tát) đến nói: "ông nên đi lên trên đỉnh núi, đến suối Ngọc Tuyền lấy nước suối mà rửa mụt ghẻ thì sẽ khỏi bệnh". Sáng hôm sau khi tĩnh lại ngài nhớ lời dạy của Bồ Tát đi lên đỉnh núi, đến suối Ngọc Tuyền quỳ sụp lạy niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm làm văn thủy sám phát nguyện sám hối lỗi lầm, lấy nước suối rửa sạch mụt ghẻ, mụt ghẻ mặt người nói: "từ đây tôi không làm đau đớn ông nữa do ông có công tu hành biết nghe lời Đức Bồ tát Quan Âm dạy bảo. Từ đó Ngộ Đạt càng tinh tấn tu hành, tiếp tục thuyết pháp độ sanh và soạn sám văn "Từ Bi Thủy Sám" cho đời sau tụng đọc.
Mỗi Đức Phật ra đời đều vì hạnh nguyện lớn cứu chúng sanh, đưa chúng sanh ra khỏi những khổ đau. Tuy nhiên việc giúp chúng sanh ra khỏi khổ đau không chỉ có vài câu kinh tiếng kệ vừa học đọc là được, không đủ lực để hóa giải khổ đau.
Thế thường quan niệm: "tụng kinh thì hết khổ, hết tai ươn... cúng chùa thì được phước, nếu không thì gọi là phản tác dụng".
Việc quy y Phật, giải thoát khổ cho mình thì rất dễ, nhưng việc muốn hóa giải cho người tha nhân thoát khổ đau, thì đòi hỏi thời gian công phu tu tập, giúp cho tha nhân ngộ lý vô thường, khổ không, vô ngã các bạn ạ!

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngài cũng có hạnh nguyện mà xưa nay ít Phật Tử chú ý để học tập mà phát nguyện lớn như ngài, dù có trải qua muôn ngàn phong ba bảo táp nhưng ngài vẫn thệ nguyện không thối chuyển, bài kinh như sau:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
* Chúng sanh là tất cả những người đồng chung sống với mình, có đủ những phiền não tham sân si, hỉ nộ ái ố, không lúc nào vượt khỏi (vô biên) người Phật tử phát nguyện tu hành như Phật để vượt qua (độ) khỏi những ái ố khổ đau đó chứng quả niết bàn giải thoát. Tiếp đến xin phát nguyện hướng dẫn cho chúng sanh phát tâm thoát ra khỏi những phiền não tham sân si như chính mình.
* Tất cả những phiền não như: sanh lão bệnh tử, những thứ tham sân si, mạn nghi, ác kiến... nhìn chung gọi là những vọng niệm làm cho chúng sanh bị quây cuồng trong nhà lữa tam giới, nhận đủ những khổ đau vui buồn ràng buộc... nay phát nguyện tu hành vượt ra khỏi những ràng buộc đó, đồng thời đem những kinh nghiệm tu tập của mình giúp cho mọi người giải thoát như mình.
* Trong thế gian nầy có bao nhiêu pháp môn tu, có bao nhiêu kiến thức giỏi, bao nhiêu kinh nghiệm giúp đời ta nguyện đều học tất cả; dù các pháp đó ở trên niết bàn hay ở địa ngục, ta cũng đều chấp nhận thọ học, có phát tâm thọ học thì mới có phương tiện gần gủi chúng sanh mà tiếp độ họ. Các pháp trong thế gian thuộc về hữu học, như tứ diệu đế cần phải học để vượt khỏi khổ đau, các pháp xuất thế gian thuộc về vô học như lục độ vạn hạnh học cách giúp người cứu người, cho nên đối với Đức Phật trong ba đời lúc nào ngài cũng học, vì học cho nên nói trí tuệ Phật là vô biên xé tan mọi phiền não, vạch hướng đi thiết thực cho chúng sanh và loài người ra khỏi bến mê.
* Và cuối cùng, dù trải qua muôn ngàn khổ đau chướng ngại, nhưng Đức Phật vẫn nhắm thẳng mục tiêu cứu cánh niết bàn, bất thối chuyển. Từ đó ngài mới có đủ phương tiện lực độ tha, cứu vớt muôn loài và thành tựu đại nguyện. Nếu không được vậy thì thệ không thành Phật.
Kinh hay chú lực của Đức Phật, Bồ tát chẳng qua là phương tiện giáo hóa cho muôn loài trong đó có chúng ta, là một lực đẩy vô biên hiệu quả vô cùng, nếu chúng ta biết phát nguyện và làm đúng theo ý nguyện của ngài.
Chúng ta tu hành mà còn khổ đau là vì còn cố chấp với pháp của Phật, pháp Phật nói một đường, ta hiểu một ngã, Phật nói đằng đông ta hiểu đằng tây, Phật dụng tâm ta dụng tướng nên khổ. Sau khi thọ học pháp Phật, ta thực hành đúng như ngài giáo hóa thì chắc chắn hết khổ.
Ví dụ: khi tụng bài chú Án Ma Ni Bát Di Hồng, Án Chiếc Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha... chú lực có công năng phá tan si ám, tịnh trừ tham dục, sân si, những tà niệm ái nhiễm (khổ)... khi được chú lực gia hộ thì chính mình cũng phải thực hành những lời dạy của Phật xả bỏ những ái dục tà nhiễm thì trí tuệ sanh, tuệ sanh thì không làm việc xằng bậy, không làm việc xằng bậy thì không khổ, chú lực của Bồ tát làm cho hết khổ là như vậy.
Ngược lại nếu tụng chú lực của Bồ tát, mà hằng ngày vẫn làm ác, niệm ác vẫn dấy sanh, thì chính chú lực ấy là lực đẩy đưa ta đến chỗ khổ đau; lý do ỷ lại vào chú lực gia hộ cho tai qua nạn khỏi, nhưng không khỏi, vì có ta nên các pháp giả hợp lúc nào cũng ở một bên ta, ta thấy nó là thật, nên tụng chú mà vẫn thấy khổ đau.
Tụng kinh chú mà vẫn khổ là do mất chánh niệm, vì mất chánh niệm nên thấy khổ, có chánh niệm nên thấy "các pháp vốn giai không", "ngũ uẩn giai không" , "không có ta" nên dù "có nghiệp khổ thật" những vẫn không thấy có khổ đau, đấy chính là tác dụng của chú lực, được Đức Bồ Tát Quan Âm độ cho vượt qua khổ nạn: "Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" – vượt qua, vượt qua, mọi người đều vượt đến bến bờ bên kia, được giải thoát an lạc.
Người Phật tử biết phát tâm tụng kinh chú là quý báu lắm rồi, kinh nào cũng tốt không nên chọn lựa vẽ vời mà mất chánh niệm. Hiệu quả tu hành theo giáo lý nhà Phật là: "tâm thoát khỏi những mê lầm, tâm chánh niệm thì an lạc Niết Bàn".
Người tu tinh tấn, siêng năng đọc tụng kinh chú Phật mà tai ươn vẫn đến với mẹ cha, phải tự nghĩ: "là do nghiệp lực đời trước ta đã tạo, nay đủ yếu tố đủ điều kiện nghiệp cũ đến đòi, quả khổ phát sanh", nên sám hối giúp cha mẹ và tự nghĩ :"cha mẹ có bệnh khổ cũng là phương tiện giúp cho ta có cơ sở báo hiếu báo ân".
Phật tử nên phát nguyện, phát lồ sám hối những nghiệp ác vô tình hay cố ý đã tạo trong quá khứ, nay không làm nữa... thường xuyên quán chiếu thân là vô thường, khổ không, vô ngã, giữ tâm niệm như thế tai ươn họa khổ lần lượt tan biến.

3/. VẤN: Con đọc kinh điển và lịch sử Phật Giáo thì thấy ngày xưa các vị tổ sư đều có tục lệ truyền y bát cho vị đề tử chân truyền của mình? Vậy việc truyền y bát này bắt đầu từ đâu và với ý nghĩa gì? Ngày nay có còn tục lệ này không ạ?

ĐÁP: Y Bát có từ thời kỳ Đức Phật:
Thông thường xá-lợi của đức Phật gồm có ba loại: thân xá-lợi (di cốt còn lại sau lễ trà tỳ kim thân của đức Phật như: xương, răng, tóc...), tùy thân xá-lợi (những vật dụng mà đức Phật thường dùng khi còn tại thế như y, bát, tích trượng, tọa cụ...), và pháp xá-lợi tức là những kinh điển hay pháp và luật mà Ngài đã truyền dạy. Trong Phật giáo, y và bát của đức Phật được tôn trọng, kính ngưỡng vì chúng không chỉ được xem là những phần xá-lợi gắn liền với cuộc đời đức Phật Thích-ca mà còn là những vật truyền thừa của chư Phật trong nhiều đời.
Theo kinh Bổn Sanh, sau khi vượt thành xuất gia, thái tử Sĩ-đạt-đa nghĩ rằng bộ y phục sang trọng may bằng lụa xứ Ba-la-nại mà mình đang mặc chẳng hợp với những ai đang vân du khắp nơi để tầm cầu chân lý và vì thế thái tử đã đổi nó để nhận một bộ y phục nhạt màu từ một người thợ săn vốn là hoá thân của một Phạm thiên. Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y phấn tảo hay y bá nạp (loại y được may từ những mảnh vải rách lượm từ đống rác hay nghĩa địa được giặt sạch) trong Tăng đoàn.
Trong thời gian du hóa, đức Phật đã được nhiều vị gia chủ cúng dường những tấm lụa quí hiếm, nhưng Ngài đều giao lại cho đệ tử mình tùy nghi sử dụng. Có một lần bác sĩ Kỳ-bà được bệnh nhân tặng một xấp vải quí, không dính nước, đáng giá mười vạn đồng như là tiền thù lao của mình. Bác sĩ bèn đem vải dâng cúng cho đức Phật. Đức Phật đã trao vải lại cho tôn giả A-nan và tôn giả đã cắt vải may y cho đức Phật, La-hầu-la và các tỳ-kheo khác. Di mẫu Kiều Đàm dùng tơ quí dệt thành một bộ y và đem dâng cúng lên đức Phật, đức Phật từ chối, Di mẫu tỏ ra không vui và thưa rằng bà đã từng nuôi nấng đức Thế Tôn trong thời thơ ấu và nay thì chính tay bà đã dệt bộ y này với mục đích duy nhất là cúng dường cho đức Phật. Đức Phật liền bảo bà nên đem cúng bộ y ấy cho chư tăng vì Tăng là ruộng phước, cúng dường chư Tăng cũng chính là cúng dường Phật. Sau đó Di mẫu đến giữa Tăng đoàn và cúng bộ y này cho tôn giả Di-lặc. Ngoài chuyện Di mẫu dâng cúng y cho đức Phật, kinh điển Phật giáo còn ghi lại chuyện tôn giả Đại Ca-diếp đổi y Tăng-già-lê mềm mại của mình để nhận tấm y phấn tảo của đức Phật. Tôn giả vốn thường thực tập hạnh đầu đà nhưng vẫn chưa tìm được một tấm y phấn tảo thích hợp nào. Một lần nọ đức Phật đến thăm lúc Tôn giả đang ở dưới một gốc cây, Tôn giả bèn gấp y Tăng-già-lê của mình và thỉnh đức Phật ngồi lên tấm y đó. Khi nghe đức Phật khen tấm y mềm mại, Tôn giả thành tâm xin được cúng dường tấm y của mình cho đức Phật và mong được thọ trì tấm y phấn tảo mà đức Phật đang dùng. Đức Phật biết Tôn giả đang cần y phấn tảo để thực hành hạnh đầu đà nên Ngài hứa khả. Sau khi nhận được y, tôn giả đã sử dụng nó cho đến cuối đời mình.
Các văn bản Phật học Pāli dường như không nói nhiều về tấm y mà đức Phật dùng trong những năm du hoá cuối đời và khi Ngài nhập diệt. Sách Pháp Uyển Châu Lâm có thuật lại chuyện về tấm y Tăng-¬già-lê của đức Phật do một vị trời Tứ Thiên Vương kể cho luật sư Đạo Tuyên như sau. Trước khi nhập diệt ba tháng, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù triệu tập đại chúng tại đạo tràng. Khi hội chúng đã vân tập, đức Phật bèn kể rằng sau khi vượt thành xuất gia và đổi y phục cho một người thợ săn, Ngài được một vị thần dâng lên y Tăng-già-lê của đức Phật Ca-diếp theo như lời phó chúc của đức Ca-diếp. Sau ngày thành đạo đức Phật đã thọ trì và giữ gìn tấm y này một cách cẩn thận suốt năm mươi năm. Theo tác phẩm Ðại Ðường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, khi hay tin đức Phật nhập diệt, Ma-da phu nhân cùng chư thiên từ cung trời Đao Lợi đã đến Câu-thi-na để chiêm ngưỡng lần cuối kim thân cùng y Tăng già lê, bình bát và tích trượng của đức Phật. Cũng theo ngài Huyền Trang, khi đến thành Ê-la ở Tây Bắc Ấn, Ngài đã được chiêm ngưỡng xá-lợi và y Tăng-già-lê của đức Phật. Theo bộ Phật Sử, sau lễ trà tỳ tại Câu-thi-na, xá-lợi của đức Phật được sứ giả tám nước mang về xây tháp cúng dường; những vật tùy thân khác của Ngài được đưa về thờ ở nhiều nơi khác nhau như bình bát và tích trượng ở Vajirā, hạ y ở Kus¬aghara, thắt lưng ở Pāṭaliputra, y tắm ở Campā, Pháp y ở cung trời Phạm thiên.
Cùng với y, bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật. Theo các sử liệu Phật giáo của cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền, thì sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thọ dụng bữa ăn đầu tiên vào tuần thứ tám do hai thương gia Đề Vị và Ba-lỵ dâng cúng. Khi được hai thương gia dâng cúng thực phẩm, đức Phật liền nghĩ rằng chư Phật trong ba đời đều dùng bình bát để thọ dụng vật thực, nay ta cũng nên theo truyền thống này.
Cuối thế kỷ thứ 4, khi ngài Pháp Hiển đến khu vực Kiền-đà-la, Ngài đã có duyên được chiêm ngưỡng và lễ bái bình bát khất thực nói trên của đức Phật trong một tu viện tại đó. Theo ngài Pháp Hiển, khi vua Nguyệt Dân chinh phạt nước này, vua muốn mang bình bát về nước mình để thờ phụng nhưng dù bằng mọi cách khác nhau, ngay cả khi dùng sức của tám voi, vua cũng không cách nào đem bình bát đi được. Nghĩ rằng nhân duyên chưa đến, vua bèn xây bảo tháp cùng một ngôi già lam để thờ bát. Hằng ngày, trước giờ ngọ và vào ban đêm, chư Tăng và tín đồ được phép đến lễ bái, cúng dường bát. Điều lạ là khi những người nghèo dâng cúng một vài vòng hoa thì hoa nở rộ đầy bát, còn khi những phú gia đặt hàng trăm vòng hoa vào bát, bát vẫn không khi nào đầy. Hơn hai thế kỷ sau khi ngài Huyền Trang đến nơi này, bình bát nói trên không còn nữa và chỉ còn lại bệ thờ của bình bát mà thôi. Ngài Huyền Trang cũng cho biết rằng bình bát đã di chuyển đến nhiều nước và vào thời điểm đó bình bát hiện đang ở xứ Ba Tư.
Khi đến Tích Lan, ngài Pháp Hiển có gặp một nhà sư Ấn Độ và vị này cho biết rằng bình bát khất thực của đức Phật vốn được thờ tại Tỳ-xá-ly và sau đó cứ vài trăm ngàn năm sẽ tuần tự di chuyển đến các nước khác nhau như Càn-đà-la, Kế Tân, Tích Lan, Trung Hoa... và cuối cùng thì quay lại Ấn Độ. Khi đức Di -lặc thành đạo có bốn vị Thiên vương mang bốn bình bát này dâng lên đức Di Lặc. Ngài Pháp Hiển cho rằng chư Phật trong hiền kiếp đều có chung một truyền thống nhận bát như thế.
Bình bát của đức Phật được xem là một bảo vật luôn mang lại nhiều phước lành cho nhân gian, là biểu tượng cho sự hưng hiển của chánh pháp. Khi bình bát này được mọi người tôn thờ và giữ gìn cẩn thận thì lúc đó chánh pháp được vững mạnh. Lúc bình bát bị vỡ hay sắp biến mất cũng là lúc báo hiệu cho thời kỳ mạt pháp. Khi bình bát này di chuyển đến nước nào thì nơi ấy tai ươn, ách nạn tiêu trừ, mùa màng đượm nhuần, chánh pháp hưng hiển, vua chúa nhân từ, muôn dân đều sống trong thanh bình và an lạc. Cho đến thời kỳ mạt pháp, lúc những điềm xấu như bệnh dịch, mất mùa, thiên tai xuất hiện, thọ mạng loài người ngắn dần, thực phẩm trở nên khan hiếm, thì đó cũng chính là lúc bình bát không còn lưu lại trong nhân gian.
Y Bát của Phật được truyền trao cho ai?
Một trong những sự kiện quan trọng liên quan đến việc truyền thừa y và bát của đức Phật Thích-ca cho đức Di Lặc trong tương lai đó là việc tôn giả Đại Ca-diếp nhập định lưu thân tại núi Kê Túc. Khi biết cơ duyên hoằng hóa đã mãn, Tôn giả Ca Diếp quyết định vào núi Kê Túc nhập đại định đợi đến khi đức Di-lặc thành đạo sẽ trao lại y bát của đức Thích¬-ca. Trước khi lên núi, Tôn giả vào thành Vương Xá để từ biệt vua A-xà-thế. Lúc ấy nhà vua còn đang nghỉ nên Tôn giả một mình lên Kê Túc. Sau khi thức dậy, vua A-xà-thế bèn tìm gặp tôn giả A-nan và nhờ Tôn giả đưa mình đến đảnh lễ ngài Đại Ca-diếp. Khi cả hai đến núi Kê Túc, theo như lời nguyện của ngài Đại Ca-diếp, núi bỗng mở ra và cả hai cùng được chiêm ngưỡng và đảnh lễ tôn giả Đại Ca-diếp lần cuối. Hai mươi năm sau kỳ kiết tập kinh điển, tôn giả Đại Ca-diếp biết mình sắp nhập diệt nên theo lời phú chúc của đức Phật vào núi này nhập định để sau này trao lại y báu cho đức Di Lặc.
Việc tôn giả Đại Ca-diếp dâng y cho đức Di Lặc được thuật chi tiết trong kinh Phật thuyết Di Lặc đại thành Phật. Theo bản kinh này, khi đức Di Lặc vừa dùng thần lực mở núi Kê Túc, Phạm Vương liền dùng dầu thơm cõi trời xoa trán và thân của tôn giả Đại Ca¬-diếp. Tôn giả bèn ra khỏi Diệt tận định, thưa thỉnh và dâng y Tăng-già-lê của đức Thích-ca lên đức Di Lặc. Lúc ấy hội chúng của đức Di Lặc bèn bạch Ngài rằng vì sao hôm nay trên ngọn núi này có một chúng sanh đầu nhỏ như côn trùng, mặc y Sa-môn, lễ bái Ngài như thế. Đức Di Lặc bèn dạy các đệ tử Ngài rằng đừng nên khởi tâm khinh mạn người này. Đây chính là tôn giả Đại Ca-diếp, bậc đầu đà đệ nhất trong số một ngàn hai trăm năm mươi vị đệ tử thân cận của đức Phật Thích-ca, là vị Sa-môn tu hành rất tinh tấn, luôn thương tưởng những chúng sanh bần cùng, bậc tối thắng trong hàng trời, người... các ông nên một lòng chắp tay kính lễ vị ấy. Khi nghe đức Di-lặc dạy như vậy, cả hội chúng không còn thắc mắc, tất cả đều lễ bái tôn giả Đại Ca-diếp.
Công cuộc truyền y bát tại Trung Hoa
Khi Thiền tông hưng khởi tại Trung Hoa, y, bát được xem là những biểu tượng thiêng liêng của chánh pháp và là vật truyền thừa tối quan trọng trong thiền môn. Truyền thống này bắt nguồn từ giai thoại đức Thế Tôn trao truyền chánh pháp nhãn tạng cho tôn giả Đại Ca-¬diếp trên hội Linh Sơn, xứ Ma Kiệt Đà. Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có chép rằng sau khi truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, tổ Bồ-đề Đạt-¬ma còn truyền pháp y để minh định tông chỉ nhà thiền và xem đó như bảo vật để minh chứng cho sự truyền thừa từ một tổ sư Thiên Trúc cho một môn đồ đắc pháp Trung Hoa. Tổ Đạt-ma còn huyền ký rằng sau khi ngài diệt độ hai trăm năm, lúc người biết đạo thì nhiều mà hành đạo thì ít, nói lý thì nhiều mà tỏ lý thì ít, pháp y không được truyền thừa nữa. Lịch Đại Pháp Bảo Ký cũng thuật lại rằng lúc trao pháp y cho nhị tổ Huệ Khả, tổ Đạt-ma căn dặn rằng ví như khi một vị Chuyển Luân Thánh Vương vừa lên ngôi được bảy món báu, việc truyền ca-sa là để biểu trưng cho sự truyền thừa chánh pháp. Như thế việc truyền thừa y, bát trong Phật giáo, đặc biệt là trong Thiền tông ám chỉ cho sự truyền pháp của một vị thầy hay một thiền sư cho người đệ tử nào xứng đáng và đã đắc pháp với mình. Chúng ta có thể biết rõ hơn điều này qua việc ngài Phật-đà Bạt¬-đà-la truyền y cho ngài Tăng Triệu hay tổ Đạo Tín truyền y cho ngài Pháp Dung.
Truyền thống Thiền tông cũng cho rằng pháp y được truyền từ thời tổ Đạt-ma cho đến thời ngài Huệ Năng chính là tấm y mà đức Phật đã truyền lại cho tôn giả Đại Ca-diếp, người lãnh hội được yếu chỉ của thiền trên pháp hội Linh Sơn. Song theo huyền ký của tổ Đạt-ma nói trên cũng như trong kinh Pháp Bảo Đàn khi được đệ tử Pháp Hải hỏi về việc truyền pháp y, ngài Huệ Năng đáp rằng cứ theo di kệ của tổ Bồ-đề Đạt-ma, sau khi Ngài viên tịch pháp y sẽ không được truyền thừa như trước nữa. Theo ngài Thần Hội, tại Ấn Độ, nơi có những bậc Cao tăng sống đời thanh bạch và nghiêm tịnh pháp y không được xem như là ấn tín. Việc truyền thừa y để ấn chứng chỉ xảy ra ở những nơi có quá nhiều người tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, hay tranh cãi và sống thô tục, chẳng hạn như Trung Hoa.
Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho sự hiện hữu của đức Thế Tôn tại nhân gian, y và bát của đức Phật còn là một thông điệp đầy ý nghĩa đối với hàng đệ tử của Ngài. Trong sinh hoạt của Tăng đoàn việc thọ trì y và bát theo luật nghi là một điều tối quan trọng để hội chúng xuất gia được thanh tịnh và để kế thừa truyền thống chánh pháp của chư Phật trong nhiều đời. Phẩm hạnh của mỗi người xuất gia được hình thành một phần nhờ vào nếp sống thiểu dục, tri túc thông qua việc thọ nhận phẩm vật của người đời để nuôi thân và che thân. Y và bát của đức Phật hay của mỗi người xuất gia vừa là để phân biệt với lối sinh hoạt của người thế tục, nhưng đồng thời cũng nói lên chí nguyện, hoài bão mà người xuất gia đang hướng đến. Con người sở dĩ chịu quá nhiều đau khổ, tai ươn là vì họ quá đam mê ngũ dục. Hình ảnh một bậc vương tử, một người tầm đạo khả kính nhất, một bậc đạo sư của ba cõi sống một cuộc đời thanh đạm với y phục hoại sắc và bình bát đơn sơ sẽ mãi mãi là hình ảnh cao đẹp và thâm thúy nhất đối với những ai đang thao thức về một lẽ sống thuần tịnh và thanh cao, những ai đang hướng về một lý tưởng trong sáng, và những ai đang tiếp bước trên con đường mà các bậc tiền nhân khả kính đã đi qua.
Y Bát được truyền đến ngài Huệ Năng:
Trước Huệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng Sư mới thật sự là người Tổ khai sáng dòng Thiền tại đây. Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên Sư có nhiều học trò xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau. Cả hai dòng này cũng được truyền đến Việt Nam qua các vị như Thảo Đường, Nhất Cú Tri Giáo, Vô Ngôn Thông và Chuyết Công.
Sư là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là "Kinh", một danh từ thường chỉ được dùng chỉ những lời nói, bài dạy của chính Phật Thích-ca, đó là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, một tác phẩm với ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Cũng nhờ Pháp Bảo Đàn Kinh mà người ta biết được ít nhiều về Huệ Năng. Sư họ Lô, sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, Sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, Sư liền đến tìm học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ của Sư, nhưng không truyền pháp ngay, bắt tiếp tục chẻ củi, nấu cơm. Truyền thuyết nổi tiếng về việc truyền tâm ấn cho Huệ Năng và việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc được kể lại như sau:
Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thần Tú, một đệ tử với tri thức xuất sắc mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ, so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm như tấm gương sáng và người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Sư đang làm việc trong bếp, nghe đọc bài kệ biết người làm chưa minh tâm kiến tánh. Sư cũng nhờ người viết bài kệ của mình như sau: Bồ đề bổn vô thọ – Minh cảnh diệc phi đài – Bổn lai vô nhứt vật – Hà xứ nhá trần ai.
Nghe bài kệ, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Sư vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại nên nửa đêm gọi Sư vào thất và thuyết trọn kinh Kim cương cho Sư. Đến câu "Đừng để tâm vướng víu nơi nào" (ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm), Sư hoát nhiên đại ngộ. Ngũ tổ truyền y bát cho Sư và khuyên đi về phương Nam. Khi tiễn Sư xuống thuyền, Tổ muốn tự chèo đưa Sư sang sông, Sư bèn nói: "khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ" và tự chèo qua sông.
Suốt 15 năm sau, Sư ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là cư sĩ. Sau đó, Sư đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Đó là nơi sản sinh công án nổi tiếng "chẳng phải gió, chẳng phải phướn". Sau khi Sư chen vào nói "tâm các ông động" thì Ấn Tông, vị sư trụ trì của chùa hỏi Sư "Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?" Lúc đó Sư mới nhận mình là truyền nhân của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ấn Tông sai người cạo đầu cho Sư, cho Sư gia nhập Tăng-già rồi xin nhận Sư làm thầy.
Sau đó, sư bắt đầu giáo hoá ở chùa Pháp Tính, về sau về Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập Nam tông, trong lúc đó Thần Tú và đệ tử thành lập Bắc tông và cũng tự nhận là truyền nhân của Ngũ tổ. Nam tông cho rằng, giác ngộ là một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tính trực giác trong lúc Bắc tông chủ trương dùng suy luận, tu tập dần dần theo chỉ dạy của kinh sách mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ (ngộ ngay tức khắc) và tiệm ngộ này, Nam tông đã chứng tỏ sinh lực của mình, sản sinh vô số Đại sư và trở thành truyền phái đích thật của Phật pháp tại Trung Quốc. Phái Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là khô kiệt.
Với Huệ Năng, được xem là người "ít học" nhất lại được truyền tâm ấn, Thiền đã qua một bước ngoặt quyết định, trở thành Thiền tông Trung Quốc. Các hiền triết Lão giáo cũng là những người cười nhạo văn tự, họ đã có ảnh hưởng lên cái "bất lập văn tự" của Thiền tông để từ sự dung hợp này, tất cả các tông phái Thiền Trung Quốc ra đời. Với Huệ Năng và các vị Đại sư nối tiếp, Thiền tông Trung Quốc đi vào thời đại hoàng kim trong đời nhà Đường, nhà Tống. Và cho đến ngày nay, Thiền tông vẫn còn là nguồn cảm hứng sâu xa, vẫn là một pháp môn cho nhiều Phật tử.
Ý nghĩa việc truyền y bát trong giới Phật giáo rất cao thượng, thẳm sâu mầu nhiệm giữa tình Thầy Trò "tổ tổ tương truyền, sư sư tương thọ", Thầy Trò hiểu ý nhau mà giao việc của người trước cho người sau, biết phải làm gì cho đúng ý tưởng của người trước. Hoặc là pháp "truyền đăng tục diệm", tức là lữa pháp của đèn trước mồi lữa pháp cho đèn sau, đèn sau tiếp lữa pháp của đèn trước, dù có khác nhau về hình thức, nhưng lữa tâm vẫn không khác. Nói thì rất hay như thế, nhưng ngày nay không còn truyền thống nầy nữa, nếu có cũng chỉ là hình thức, không có ấn chứng khả thi như thời Phật, Tổ tương truyền.

4/. VẤN: Con đọc báo chí thì thấy rằng ở Nhật Bản các nhà sư được quyền lấy vợ, sinh con, nuôi con ở chùa và thậm chí họ còn tổ chức tuyển vợ cho các nhà sư để duy trì nòi giống cũng như có người kế tục sự nghiệp ở chùa. Con biết là hàng Phật tử như con không được xen vào chuyện của các bậc xuất gia nhưng khi bạn con hỏi con không biết trả lời thế nào. Đạo Phật là vô thường vô ngã, kiếp người mong manh, người xuất thế gian đi tu là để thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, tránh bị nhân quả luân hồi vậy tại sao các nhà sư Nhật Bản lại làm điều ngược lại? Như vậy thì có phải biến chùa thành một nơi thu lợi nhuận và nuôi gia đình cá nhân, như thế thì làm sao Phật tử có thể dám đến chùa học hỏi về Phật Giáo? Con thật bối rối và cũng cảm thấy khó chịu trong vấn đề này. Xin Sư hoan hỉ giải đáp cho con được biết ạ?

ĐÁP: Việc nầy theo Sư nghĩ quý vị Phật tử cũng không nên tìm hiểu sâu, rất ảnh hưởng đến việc tu hành của mình. Việc Nhà sư lập gia đình để truyền thừa Phật pháp tại một ngôi chùa, gọi là Nhà Sư tu hành theo học phái "Tân Tăng", một bộ phận nhỏ và là việc bình thường của Phật giáo Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có một hệ phái... trong đó quý chư Tôn Đức Tăng đều có lập gia đình và chỉ ăn chay kỳ, ăn chay lâu ngày nhất là vào 03 tháng An cư kiết hạ. Thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, các Sư thường xuyên cùng với nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp quen với nếp sống ngoài xã hội nhiều hơn, nên ít ăn chay mà chỉ có "ăn mặn".
Hơn nữa trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, Phật giáo không phát triển và bị người thiên chúa lấn áp làm cho Đạo Phật diệt vong không có người tu thừa kế. Từ đó quý Sư có lập gia đình mong cho có Pháp tử để truyền ngôi vị Trụ trì. Việc làm nầy cho đến hôm nay trở thành truyền thống không xóa tan được.
Vào năm 1950 Cụ Đoàn Trung Còn cũng có tiếp nhận phong trào "Tân Tăng" đem về Việt Nam, lập Hội Phật Giáo Tịnh Độ tông Việt Nam từ năm 1955, nhưng phong trào nầy chỉ hoạt động trong nội bộ bổn hội, hình tướng "Nhà Sư Tịnh Độ Tông" vẫn là một cư sĩ thuần túy. Đến năm 1963, Thầy Nhất Hạnh, cũng đem phong trào "Tân Tăng" áp dụng cho Phật giáo Việt Nam, nhưng không được chư tôn Hòa Thượng chấp nhận, chư Tôn Đức Tăng Ni phản đối kịch liệt.
Phong trào "Tân Tăng" Nhật Bản, gồm những Nhà Sư học giỏi, tài năng, Hiệp hội môn phong cho phép Nhà Sư tham gia công tác xã hội, trong chốn cung đình, cơ quan chính phủ từ Trung Ương đến địa phương hay làm việc trong các Cty, Xí nghiệp, nói chung làm việc ngoài xã hội như cư sĩ; đồng thời đời sống kinh tế của các vị chỉ nương vào đồng tiền lương của chính mình làm ra, không còn bị ảnh hưởng đến sự phát tâm cúng dường hộ trì của Phật tử nữa.
Theo giáo sư cư sỹ Nogawa Hiroyuki hiện đang giảng dạy ở Đại học Huyền Trang Đài Loan nhận định về nguyên nhân người tu ở Nhật Bản có gia thất như sau: "Hiện nay nhiều tự viện ở Nhật Bản các Sư có gia thất là chuyện bình thường, không có gì là bất ngờ. Phật giáo Nhật Bản so với các quốc gia tiến bộ trên thế giới thì có phần tiến bộ hơn nhiều, do ảnh hưởng dân trí cao có sự quyết đoán chuẩn mực. Vã lại sinh hoạt Phật sự của chư Sư rất phong phú và đa dạng, có tính độc lập, chú trọng vào nội tại tu chứng nhiều hơn hình thức Tăng đoàn"
Sinh hoạt Phật giáo tại Koyashan từ năm từ năm 1993 đến 1994 của giáo phái Chân Ngôn tông, có sự truyền thừa theo phong kiến, cha truyền con nối, dù có nhiều người phê phán đến đâu, các vị vẫn bình chân như dại là hoằng truyền theo phong cách truyền giáo của mình.
Khi có ai hỏi đến tại sao tổ sư của các Ngài lại xả bỏ giới Tỳ kheo để sống cuộc sống với gia đình bình thường, lập gia đình và truyền tự như vậy, họ chỉ giữ im lặng không nói cụ thể. Điều ấy cũng nói lên về ý tưởng dễ dãi phóng khoáng của các Sư "Tân Tăng" Phật giáo Nhật Bản.
Theo tài liệu liên quan đến Thánh nhân Thân Loan (1173-1262) khai sơn Tịnh độ Chân tông về việc kết hôn lập gia đình, thì có rất nhiều bài viết ca ngợi hưởng ứng và được đa số người dân Nhật Bản thời bấy giờ tán đồng việc làm này, phong trào "Tân Tăng" đã lan rộng, hệ thống Tăng đoàn thuần túy không còn kiểm soát họ nữa, ông Sư thế tục đó, ở Việt Nam gọi "ông Thầy cúng"
Việc ngài Thân Loan, giáo phái Tịnh độ chân tông đã thông qua việc kết hôn lập gia đình để thực tiễn hóa Phật giáo trong tầng lớp bình dân và họ cho rằng không có gì là không tốt? Song Phật giáo Nhật Bản từ cận đại về trước, ngoài Tịnh độ Chân tông có quan điểm đó ra, thì 12 tông còn lại, như Pháp Tướng, Hoa Nghiêm, Luật, Thiên Thai, Chân Ngôn, Tịnh Độ, Thời, Viên Thông Niệm Phật, Nhật Liên, Lâm Tế, Tào Động và Hoàng Bá tông... đều nghiêm cấm, cho dù lý do cao thượng nào đi nữa Tỳ kheo vẫn không được kết hôn.
Đến thời đại Giang Hộ (Edo 1603~1867), Phật giáo trở thành quốc giáo. Tất cả mọi người dân là tín đồ của một ngôi chùa, lúc này tất cả các Tự Viện trở thành nơi đăng ký hộ khẩu hộ tịch, ký thác hài cốt, bài vị, bảo quản gia phổ của tín đồ. Do các công việc đó, nơi tự viện cần có rất nhiều người chuyên môn quản lý lĩnh vực này.
Khi đó, các vị Sa di nhỏ tuổi xuất gia trong các ngôi chùa ở quê hương, học tập Kinh sách cơ bản, đa số rời xa chùa mình đi đến Kinh đô học tập, nơi các trường học do các tông phái lập nên, có rất nhiều Giáo sư giỏi và có nền kinh tế ổn định. Lúc này, Nhật Bản không có chiến tranh, văn hóa phát triển, một đất nước thái bình. Kết quả là tốt xấu cùng tồn tại, ở thành phố Osaka và đế đô Đông Kinh, nơi chốn phồn hoa đô thị, các Sa di mới học Phật nhỏ tuổi bất hạnh đều bị vướng phải sự hấp dẫn của chốn hồng trần sắc dục, tài sắc danh thực thụy, phạm phải giới điều nhà Phật.
Tuy nhiên thời gian này Phật giáo là quốc giáo, nên các Tỳ kheo phạm giới đều bị tự viện và pháp luật của quốc gia xử phạt. Từ nửa thế kỷ 19 trở về trước, những người phạm giới đều bị phạt lưu đày ra đảo Hachijo! Đây là hòn đảo ở phía nam của Kinh đô, không thể trồng lúa, chỉ trồng được khoai lang, cư dân sống rất cực khổ. Bị lưu đày ra hải đão còn là hình thức tạo điều kiện cho họ xa hẳn chùa chiền và giới luật Phật, đồng thời do họ có học thức nên hay viết sách và soạn sách giáo khoa, đa số họ kết hôn với người vùng này sinh con đẻ cháu, họ làm việc cho các cơ quan nhà nước và dạy học ở các trường, cuộc sống của họ tương đối ổn định, và tất cả người dân đều đồng tình với họ.
Sau năm 1840, những tu sĩ được nhà chùa cho đi học phạm giới quá nhiều, chính phủ và Tăng đoàn không có cách nào quản thúc được nữa. Cuối cùng, sau khi học xong có người đã đi cùng với người mình kết hôn về thăm cố hương và mang theo con cái nữa. Thầy của họ khi ấy vô cùng khó chịu, song cuối cùng phải thu nhận những người đệ tử bất hiếu này.
Vì công việc quản lý hộ khẩu hộ tịch của tự viện không thể đình chỉ, nên họ phải vào làm công tác này để phục vụ quê hương. Kết quả, Nhật Bản có rất nhiều hình ảnh tự viện ở quê sau chùa phơi đồ trẻ em. Tuy vậy, nhưng họ vẫn là những người làm rất tốt công tác quản lý hộ khẩu hộ tịch, phần mộ và bài vị tổ tiên.
Theo Thời báo Hoàn Cầu: Phật giáo, tôn giáo lớn thứ hai ở Nhật Bản sau đạo Shinto (Thần Đạo), đã bị suy yếu trong những năm gần đây khi nhiều ngôi chùa không đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Ngày càng có nhiều dự án đổi mới được các chùa áp dụng nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người và tăng nguồn thu nhập, trong đó có việc mở phòng nghe nhạc jazz, các thẩm mỹ viện trình diễn thời trang và các đêm nhạc hiphop.
Các Nhà sư hiện nay đang là đối tượng được các cô gái Nhật "săn lùng" để kết hôn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Ở Nhật, có một số hệ phái Phật giáo cho phép Nhà sư kết hôn và họ hiện là những người giàu trong xã hội.
Khi đến vãn cảnh một ngôi chùa Nhật, người ta có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái trẻ và các nhà sư trao đổi danh thiếp với nhau, cùng mua tranh thư pháp hoặc xúm xít bên nhau chụp ảnh chung rất vui vẻ. Người ta có thể bắt gặp các nhà sư phóng xe máy từ chùa ra ngoài đi làm Phật sự. Các nhà sư Nhật Bản đều là những người giàu có, vậy thu nhập của họ từ đâu? Trước hết, do bán đất nghĩa địa, đất làm mộ táng là một loại kinh doanh siêu lợi nhuận ở một quốc gia đất chật người đông như Nhật Bản. Một khoảnh đất để xây mộ có giá tới mấy triệu Yên. Hơn nữa, theo tập quán của người Nhật, mộ của người thân mai táng trong chùa, tuy đã trả tiền mua đất, song hàng năm đều phải trả tiền để các nhà sư chăm sóc phần mộ giúp.
Từ xa xưa, các Lãnh Chúa và chư hầu đều có tập quán hiến đất cho nhà chùa như một thứ lễ vật để cầu phúc hoặc sám hối. Những khu đất đó, qua bao đời, đến nay, vẫn thuộc sở hữu của nhà chùa và trở thành món di sản để các nhà sư sinh sống.
Thứ hai, tín ngưỡng tôn giáo của người Nhật khá độc đáo. Khi sống thì rất nhiều người theo Thần đạo, hoặc theo Cơ Đốc giáo, thậm chí vô thần, nhưng sau khi chết thì nhất định trở thành tín đồ Phật giáo để được về Tây Phương cực lạc.
Muốn biến thành tín đồ đạo Phật, cần phải trải qua nghi thức đưa người chết vào chùa để nhà sư đặt cho một pháp danh. Thông thường, muốn có một pháp danh phải trả hàng trăm ngàn Yên; nếu không có pháp danh thì nhà chùa sẽ không bán đất làm mộ táng cho gia đình.
Thứ ba, các nhà sư đi làm Phật sự và đọc kinh cũng có một khoản thu không nhỏ. Khi có người chết, người ta thường mời nhà sư đến làm lễ và đọc kinh. Khi xong việc, họ được hậu tạ một khoản tiền không nhỏ.
Các vị trụ trì những ngôi chùa Nhật Bản phần lớn đều là con trai của trụ trì thế hệ trước. Dù giàu có, nhưng phần lớn các sư ở Nhật Bản đều khiêm nhường. Tuy nhiên, họ có thể tham dự vũ hội và ăn thịt ở bên ngoài nhà chùa và đặc biệt là có thể lấy vợ và sinh con.
Sự việc trên không còn là hiện tượng nữa, mà là xã hội Phật giáo, phong trào "Tân Tăng" nhà sư có gia đình, có con cái lan mạnh thật sự trở thành tập quán sống "tự túc kinh tế nhà chùa", người Phật tử không còn phải dâng cúng dường cho họ nữa và có truyền thống tại Nhật Bản, cũng giống như cuộc sống của các Thầy cúng ở Việt Nam các bạn ạ! Đấy cũng là chuyện bình thường của Phật giáo Nhật Bản đã có từ thế kỷ 13 đến nay rồi các bạn ạ! Người Phật tử không nên nghĩ suy.

( sưu tầm )

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 69
- + Điểm Đạo Hạnh : 7
Join date : 04/04/2012

https://phatphap.forum-viet.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết